Với giá bán vừa phải, thiết kế không quá nhỏ như Steelseries Kinzu hay quá to ở
Sensei, Kana được hãng chuyên sản xuất thiết bị chơi game Đan Mạch kì vọng sẽ chiếm lĩnh phân khúc gaming mouse tầm trung khi ra mắt vào đầu năm 2012. Tuy nhiên do vấp phải một số nhược điểm như nút bấm cứng, skip pixel (thời gian đầu) dẫn đến kết quả là nhiều gamer vẫn còn dè chừng khi đến với chú chuột chơi game này so với các mẫu mã cũ hơn của
Steelseries.
Ra mắt một cách khá âm thầm vào hồi cuối năm ngoái khi thậm chí còn không được công bố chính thức trên trang chủ, Kana V2 cũng giống như nhiều sản phẩm mang nhãn V2 khác của Steelseries mang đến một số cải tiến nhằm khắc phục hạn chế ở phiên bản cũ, và ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng đi vào cụ thể xem chú chuột chơi game này liệu đã có thể khiến gamer hài lòng ở mức giá 1 triệu đồng hay chưa.
Steelseries Kana V2 bao gồm 2 phiên bản đen và trắng.
Tem chứng nhận sản phẩm chính hãng. Đây cũng là điểm để phân biệt giữa hàng Steelseries chính hãng và Steelseries xách tay.
1. Thông số:
DPI/CPI: 400/800/1200/1600/2000/2400/3200/4000
Cảm biến: Avago A3090
Số nút bấm: 6
Feet: 3 miếng, chất liệu nhựa Teflon
Switch: Omron
Giá bán: 1000.000 VND
2. Khác gì so với V1?
Khi nghe tới cái tên Kana V2, chắc hẳn câu hỏi này cũng xuất hiện trong đầu nhiều gamer. Là phiên bản nâng cấp từ Kana nhưng về mặt kiểu dáng, nhìn chung Kana V2 không khác biệt nhiều so với người tiền nhiệm của mình. Bộ khung chú chuột vẫn hoàn toàn được giữ nguyên với thiết kế đối xứng phù hợp cho gamer thuận cả hai tay, các bạn cũng có thể thấy điều này qua phần thông số dài-rộng-cao ghi ở phía trên. Những chi tiết thay đổi bao gồm:
- Hai nút phụ bên hông đã được đổi sang màu cam giống với nút cuộn.
- Bề mặt Kana V2 được sơn bóng thay vì nhám như trước (đối với phiên bản trắng, còn đen vẫn không thay đổi).
- Sử dụng switch do Omron sản xuất, tốt hơn so với TTC ở V1.
- Cảm biến Avago A3090.
- Phần dây vẫn được bện dù chắc chắn nhưng có vẻ mềm hơn so với Kana.
- Đầu USB của Kana V2 không được mạ vàng như V1.
Dây chuột trông chắc chắn nhưng không bị cứng như Kana.
Cảm biến quang Avago A3090 tốt nhất hiện nay.
Đầu USB đã bỏ mạ vàng.
Nhìn chung các thay đổi về thiết kế trên Kana V2 đều đi theo chiều hướng tích cực và khiến cho chú chuột chơi game này trông đẹp hơn hẳn so với đời đầu tiên. Theo ý kiến cá nhân người viết thì phiên bản trắng tỏ ra bắt mắt hơn nhờ lớp sơn bóng tạo nên vẻ sang trọng, so với màu đen có phần hơi đơn giản của bản Kana V2 Black, chưa kể các nút bấm màu cam cũng tỏ ra hài hòa hơn hẳn với màu trắng hơn là đen.
3. Thử nghiệm
3.1 Cảm nhận chung
Cảm nhận đầu tiên của người viết khi chạm vào chú chuột chơi game mang nhãn hiệu Steelseries này đó là tương đối thoải mái. Thiết kế với kích thước hợp lý của Kana V2 giúp gamer có thể cầm theo kiểu Palm Grip lẫn Claw Grip mà không hề vướng víu gì, nhưng đối với những người có bàn tay lớn (như người viết chẳng hạn) thì khi cầm Palm Grip ngón tay út sẽ bị tì xuống mặt pad nên nếu chơi trong thời gian dài có thể sẽ gây ra cảm giác khó chịu, đặc biệt là với các loại pad cứng.
Sử dụng switch của hãng Omron "trứ danh" thay cho TTC, các nút bấm trên Kana V2 đều có độ nảy tốt, hành trình bấm ngắn đặc trưng trong gear do Steelseries sản xuất và quan trong nhất là nhẹ hơn so với phím bấm bị chê là cứng ở V1. Tuy nhiên độ bền ra sao, có bị double click hay bug cuộn hay không thì chưa thể kiểm chứng được vì cần phải sử dụng trong thời gian dài. Ngoài ra nút cuộn trên Kana V2 phát ra tiếng "cọt cọt" khá to khi lăn nhanh qua các node, đây có thể là nhược điểm hoặc ưu điểm tùy vào sở thích cá nhân của người dùng.
Không có gì để phàn nàn về chất lượng nút bấm trên Kana V2.
Vì có chung thiết kế nên một nhược điểm đã tồn tại từ Kana V1 vẫn tiếp tục xuất hiện ở Kana V2, đó là nút Mouse 4 rất dễ bị bấm nhầm trong thao tác lia chuột sang trái hoặc nhấc chuột khỏi bề mặt pad. Khiếm khuyết này càng lộ rõ khi sử dụng cách cầm Palm Grip bởi lúc này ngón áp út hoặc ngón út của bạn gần như lúc nào cũng đè lên Mouse 4, và chỉ cần thao tác nhẹ thôi cũng dẫn đến việc bấm nhầm nút. Điều này gần như không ảnh hưởng trong việc sử dụng thông thường, nhưng khi vào game thì quả thật là tai hại nếu như bạn đang nã đạn vào kẻ địch và bỗng nhiên trái lựu đạn lại không mời mà xuất hiện trên tay.
Rất dễ bấm nhầm vào Mouse 4 nếu cầm chuột theo tư thế này.
Đối với những người chơi FPS, gia tốc (hay mouse acceleration) là yếu tố tối kị bởi nó làm cho cảm giác đưa tâm trở nên ngẫu nhiên và thiếu chính xác, tuy nhiên Kana V2 không hề gặp phải hiện tượng này dù chưa hề cài đặt driver hay tinh chỉnh nào cả. Bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được vị trí con trỏ chuẩn bị di chuyển tới sau mỗi thao tác đưa chuột dù là trong game hay ngoài Desktop.
Một yếu tố khác cũng không kém phần khó chịu so với gia tốc là Auto Correction - tự động biến đường di chuyển con trỏ thành một đường thẳng mặc dù bạn đang kéo chuột theo đường chéo. Đây là nhược điểm bị than phiền nhiều ở Kana V1 nhưng sang tới V2 nó đã bị loại bỏ nhờ bộ cảm biến Avago A3090 - dòng sản phẩm tốt nhất đang có mặt trong nhiều chú chuột chơi game hiện nay ví dụ như DeathAdder chẳng hạn.
Đối với những người chơi quen sử dụng mức sensitivity thấp dẫn đến việc phải thực hiện thao tác nhấc chuột thường xuyên thì Kana V2 bắt đầu bộc lộ nhược điểm tiếp theo: Lift Off Distance tương đối cao. Thử nghiệm bằng 2 chồng đĩa CD (mỗi đĩa độ dày 1.2 mm) đóng vai trò như thước đo, phải tới mức 4 đĩa bộ cảm biến Avago A3090 mới chịu dừng lại không bắt tín hiệu nữa, tức rơi vào khoảng 4 - 4.5mm.
Lift Off Distance của Kana V2 với Feet mặc định là khá cao.
Đối mặt với vấn đề này, các vọc sĩ trên thế giới đã nghĩ ra một biện pháp tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả, đó là dán một lớp băng dính mỏng (loại không trong suốt) vào khu vực sensor dưới đáy chuột để làm giảm cường độ ánh sáng. Bằng cách này Lift Off Distance trên Kana V2 có thể giảm xuống chỉ còn một nửa và nhược điểm này coi như đã được giải quyết.
Cách khắc phục Lift Off Distance bằng băng dính giấy dán gần sát vị trí mắt cảm biến tỏ ra đơn giản và hiệu quả nhất.
Sau khi cài đặt driver, người dùng sẽ thấy Kana V2 mang đến 8 tùy chỉnh về DPI, bao gồm: 400/800/1200/1600/2000/2400/3200/4000 và có thể thiết lập để chuyển đổi qua lại giữa 2 mức bất kì mỗi khi bấm phím hình bán nguyệt ở gần nút cuộn. Thành thực mà nói, thông số DPI này cũng chỉ mang tính chất "làm màu" bởi đa số gamer đều chỉ làm quen với một config duy nhất khi chơi game và hiếm khi ai đó lại thay đổi DPI ngay giữa trận chiến và tự làm hỏng cảm giác của mình cả.
3.2 Game
Thử nghiệm thực tế trên bàn di QCK+ với các tựa game FPS như Counter Strike 1.6/Global Offensive, Battlefield 4, Kana V2 thể hiện khá tốt khi cho cảm giác đưa tâm chính xác dù sử dụng các vũ khí thông thường hay súng ngắm. Những thao tác phổ biến như ghìm chuột khi "sấy" hay lia tâm với AWP trong Counter Strike đều không gặp phải cản trở do hiện tượng loss hoặc auto correction.
Tuy nhiên một nhược điểm như đã đề cập ở trên đó là việc Mouse 4 trên Kana V2 rất dễ bị bấm nhầm và để khắc phục triệt để không còn cách nào khác là người chơi phải thiết lập trống cho phím này, đồng nghĩa với việc mất đi một nút gán để gán các thao tác thường sử dụng như rút HE, Flashbang, Radio... Nhưng có thể đối với những gamer có bàn tay nhỏ hoặc sử dụng cách cầm Claw Grip, họ sẽ không gặp phải vấn đề này hoặc ít thường xuyên hơn.
Đối với thể loại chiến thuật hay nhập vai không đòi hỏi quá cao về tính chính xác như FPS, người viết chọn DotA 2, Diablo III và StarCraft II làm đối tượng để thử nghiệm. Nếu như nhiều giờ liền chinh chiến trong tựa game MOBA của Valve hay hành trình "trừ gian diệt ác" với Diablo III cùng Kana V2 không gặp phải vấn đề gì thì ở StarCraft II, thiết kế hơi nhỏ của chú chuột so với đàn anh Sensei hay Razer DeathAdder tạo cảm giác hơi vất vả khi cần phải mic những đơn vị nhỏ trong thời gian dài, nhưng một phần nguyên nhân cũng do bàn tay người viết khá to nên có thể bỏ qua được.
Một điểm đáng lưu ý nữa ở Kana V2 đó là việc lớp sơn bóng trên bề mặt phiên bản trắng tương đối bám bẩn, vì thế dù chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng lớp da chết ở bàn tay kết hợp cùng mồ hôi sẽ để lại lớp "đất" nhìn rất phản cảm trên chuột. Phiên bản đen được sơn nhám không gặp phải hiện tượng này nhưng lại nhanh bị bợt ra khi tiếp xúc với mồ hôi khiến mặt trên chuột trở nên loang lổ cũng không kém phần khó chịu. Chính vì thế mà trong quá trình sử dụng Kana V2 người dùng sẽ phải chú ý lau thường xuyên nếu không muốn chú chuột cưng của mình xuống sắc nhanh chóng.
Đối với những ai không thích dài dòng, chúng ta có thể tổng kết lại về Steelseries Kana V2 như sau:
Ưu điểm:
- Thiết kế đẹp, màu sắc hài hòa hơn so với V1 ở cả hai phiên bản đen và trắng.
- Nút bấm nhẹ, đàn hồi tốt.
- Cảm biến tốt hơn so với người tiền nhiệm.
- Đáp ứng tốt nhu cầu chơi game FPS đòi hỏi độ chuẩn xác cao như CS cũng như bất kì thể loại nào khác.
- Giá hợp lý.
Nhược điểm:
- Nút phụ dễ bấm nhầm.
- Bề mặt bám bẩn.
- Lift Off Distance cao (có thể khắc phục bằng cách dán băng dính đục).
- Không thật sự thoải mái với những người có bàn tay to khi sử dụng trong thời gian dài.
Kết
Với tầm tiền vừa phải (1 triệu VND) nếu không muốn nói là tương đối rẻ nếu như so sánh với Steelseries Sensei, thiết kế hợp lý hơn Kinzu thường bị chê là quá nhỏ, Kana V2 là một lựa chọn đáng suy ngẫm cho các gamer đang muốn tìm kiếm cho mình một chú chuột chơi game trong dịp Tết này. Khắc phục được nhược điểm khó chịu ở phiên bản đầu tiên là nút bấm nặng kết hợp cùng bộ cảm biến chất lượng hơn, Kana V2 hứa hẹn sẽ gánh vác tốt nhiệm vụ chiếm lĩnh phân khúc gaming mouse tầm trung mà V1 chưa thực hiện được.