Somic G909 – Tai nghe “dị” cho game thủ

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 31/10/2013 0:00 AM

Liệu với tính năng rung, G909 có trở thành lựa chọn cho game thủ?

Bên cạnh thị trường tai nghe thưởng thức âm nhạc, thị phần headset dành cho các game thủ cũng là mảng không ít hãng lớn và nhỏ trên thế giới so tài. Dĩ nhiên, người được hưởng lợi vẫn là các game thủ, khi những mẫu headset ngày càng sở hữu chức năng ấn tượng cũng như ngoại hình vô cùng hầm hố, phong cách.

Somic G909 – Tai nghe “dị” cho game thủ 1

Không chỉ là sân chơi nơi những cái tên như Sennheiser, Razer hay SteelSeries cạnh tranh với nhau, nhiều nhà sản xuất nhỏ khác đến từ Trung Quốc cũng đã kịp bước chân vào cuộc chơi này. Từ đó, những mẫu headset dành cho game thủ với mức giá rẻ những sở hữu vẻ ngoài không tệ chút nào. Tuy nhiên, chất âm, giống như mọi mẫu headset khác chứ chẳng riêng gì “đồ Trung Quốc”, vẫn là một thứ đáng quan tâm hơn.

Trong khi cuộc chiến headset tầm trung vẫn còn chưa ngã ngũ, thì mới đây, Somic, nhà sản xuất đến từ Trung Quốc đã kịp tung ra G909, một chiếc headset với chức năng rất kỳ dị: Rung theo tần số âm thanh.

Ngoại hình tương đối “ngầu”

Sở hữu bộ cánh đen xuyệt tông đỏ, G909 phù hợp với đa phần game thủ nam, với nhu cầu sở hữu một chiếc tai nghe thể hiện được cá tính. Đường nét sắc cạnh giúp đem lại cảm giác nam tính cho người sử dụng. Thêm vào đó là chất liệu nhựa, cao su được sử dụng trong G909 đem lại cảm giác bền bỉ, khó có thể gây hư hỏng cho chiếc tai nghe kể cả khi bị va đập mạnh.

Somic G909 – Tai nghe “dị” cho game thủ 2

Hai earpad to, ôm trọn ngoài vành tai (kết cấu circumaural) được hứa hẹn sẽ giúp việc sử dụng headset trong thời gian dài không gây ra những vấn đề như đau vành tai hoặc gây nóng. Điều này chúng ta sẽ xem xét trong phần sau của bài viết.

Tai bên trái của G909 là nơi cáp kết nối USB, microphone tích hợp, nút bật/tắt tính năng rung, cũng như chiết áp kiểm soát volume được lắp đặt.

Chất âm sáng

Trước khi đề cập tới khả năng rung khá độc đáo của mẫu headset này, chúng tôi đã quyết định thử nghiệm nghe nhạc cũng như chơi game, để có được cái nhìn khách quan về chất âm mà G909 đem lại cho người sử dụng. Ở một chừng mực nhất định, những người yêu thích chất âm sáng, ít bass sẽ thấy mẫu headset này đem lại chất lượng âm thanh hợp với sở thích.

Somic G909 – Tai nghe “dị” cho game thủ 3

Như đã đề cập, bass trên tai nghe không sâu và yếu về lực, âm thanh có phần thiên sáng nhưng không chi tiết. Thật sự mà nói, một mẫu tai nghe chơi game thường rất ít khi đạt được chất lượng của một chiếc tai dành riêng cho nhu cầu âm nhạc. Chưa dừng lại ở đó, khi âm thanh trong game quá rền và nhiều bass, chúng cũng sẽ ảnh hưởng đến chính chiếc tai nghe và khoảng thời gian thưởng thức game.

Vì vậy, âm thanh của G909, theo chúng tôi đánh giá, nằm ở mức trung bình khá cho game thủ, kể cả những người muốn sở hữu một chiếc tai nghe để thưởng thức âm nhạc. Khi bật chế độ rung, những bản nhạc cũng sẽ được trình diễn một cách hoàn toàn khác.

Rung: Có khác gì gamepad?

Một điều cần đề cập chính là khả năng rung của G909 hoàn toàn không dựa vào âm thanh trong game hoặc được hỗ trợ bởi bất kỳ ứng dụng nào.

Somic G909 – Tai nghe “dị” cho game thủ 4

Chế độ rung được điều khiển bằng tín hiệu dải bass đi qua tai nghe, có thể bật tắt tùy ý mà ko cần driver. Âm bass và chế độ rung ảnh hưởng trực tiếp đến nhau. Âm bass có tín hiệu càng sâu thì tai rung càng mạnh, ngược lại, khi bật chế độ rung, dải bass có lực hơn hẳn, đặc biệt là những tiếng nổ trong game.

Bạn có thể thử tưởng tượng khả năng rung của G909 với việc đặt tay gần một loa siêu trầm (subwoofer) trong quá trình sử dụng. Lực rung tác động vào tai nghe và thay đổi chất âm khiến cho một vài bản nhạc có cảm giác như đang nghe trên những dàn loa, dĩ nhiên là với chất lượng không thể so sánh ngang bằng.

Somic G909 – Tai nghe “dị” cho game thủ 5

Tuy nhiên không nên nghe nhạc với G909, đặc biệt là những bản nhạc dance, house hoặc trance trong lúc bật rung vì rất rền và khó nghe.

Như đã đề cập trong bài viết trước đây, sau khi tháo bỏ lớp vành chụp và lưới lọc bên ngoài, chúng ta có thể thấy ngay Somic sử dụng 1 loa chính (hay còn gọi là Driver) cho mỗi bên và 1 Driver hỗ trợ Bass rung nằm phía dưới mà chúng ta sẽ mổ sẻ tiếp.

Nếu đã từng có cơ hội tháo 1 chiếc điện thoại cũ ra, các bạn sẽ biết điện thoại làm rung bằng 1 động cơ lệch tâm quay với tốc độ cao để gây ra rung động. Đặc điểm của hình thức gây rung này là khi nhận tín hiệu rung nó sẽ có độ trễ chừng 1 đến 1.5 giây trước khi tạo ra cảm giác rung và khi ngắt tín hiệu nó cũng trễ với thời gian tương tự nữa.

Còn trên Somic G909 khi tháo bỏ nắp ngoài các bạn có thể thấy 1 hộp nhỏ tròn chiếm phần lớn không gian trong tai nghe đó chính là bộ phận gây rung, bộ phận này có cấu tạo gần giống như màng loa cũng là 1 cuộn dây khi có dòng điện thay đổi từ máy tính vào nó cũng sẽ làm rung một màng loa giả.

Somic G909 – Tai nghe “dị” cho game thủ 6

Điểm khác là màng loa này được gắn vào hộp tròn và khi màng này bị dòng điện thay đổi làm rung lên ở các âm trầm thì sự rung động này không truyền thành âm thanh vào không khí mà truyền trực tiếp sang tai và đầu.

Chính vì thế, lời khuyên của chúng tôi là bạn không nên sử dụng G909 và bật chức năng rung trong thời gian quá dài. Thử nghiệm sau 3 tiếng đồng hồ liên tục chơi game, nghe nhạc và xem phim, người thử nghiệm đã có những dấu hiệu choáng nhẹ vì đầu lúc nào cũng trong tình trạng rung theo tai.

Hiệu ứng 7.1 có phải điểm cộng?

Vì chỉ sở hữu một driver mỗi bên, nên hiệu ứng âm thanh vòm 7.1 của Somic G909 sẽ được giả lập qua phần mềm driver đi kèm. Tuy nhiên, vì có cùng chức năng nên bạn hoàn toàn có thể thử qua những phần mềm tương tự như Razer Surround.

Somic G909 – Tai nghe “dị” cho game thủ 7

Thử nghiệm cho thấy, khi sử dụng Razer Surround sau khi đã căn chỉnh vị trí âm thanh theo phần mềm, footstep của game thủ trong CSGO được trình diễn ở mức có thể thỏa mãn.

Trong khi đó, với driver đi kèm của Somic, game thủ vẫn có thể chỉnh sửa các kênh trong việc tái tạo lại hiệu ứng 7.1, cũng như thay đổi equalizer để G909 có được chất âm như mong muốn. Tuy nhiên driver đi kèm này sau cả tiếng đồng hồ loay hoay, người thử nghiệm vẫn chưa biết tìm cách nào để căn chỉnh có âm thanh. Thay vào đó, driver chỉ cho phép người sử dụng căn chỉnh chay mà không biết chất lượng âm sẽ ra sao khi vào game.

Lạ nhưng chưa thỏa mãn

Ở mức giá 1,1 triệu Đồng, Somic G909 là cái tên đối đầu với nhiều sản phẩm khác của những nhà sản xuất lớn. Tính năng rung trong game cũng là một trong những điều tạo ra lợi thế cho sản phẩm, khi game thủ luôn tò mò trước những “của lạ”.

Somic G909 – Tai nghe “dị” cho game thủ 8

Tuy nhiên chức năng này chưa thực sự thỏa mãn những người dùng khó tính khi chưa thể điều chỉnh độ rung mạnh yếu theo ý muốn. Dĩ nhiên bạn có thể nâng volume trên máy tính và hạ volume ở chiết áp tai nghe, cả độ rung cũng sẽ giảm đi phần nào, nhưng đó đơn giản chỉ là biện pháp tình thế.

Tuy nhiên, với khả năng giả lập âm thanh vòm 7.1 và kết cấu thoải mái, đeo ôm nhưng tai không bị nóng, G909 vẫn là một cái tên được game thủ quan tâm chú ý khi lựa chọn cho mình một mẫu headset chơi game, kể cả không chuyên lẫn chuyên nghiệp.

Cảm ơn cửa hàng iDo Audio 78 Lê Thanh Nghị đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết này.