Có thể nói, trong khoảng 1 năm trở lại đây, công nghệ kính thực tế ảo đã liên tục được cải thiện rất nhiều thông qua các đời sản phẩm của nhiều nhà sản xuất khác nhau. Minh chứng là hàng loạt các ông lớn cũng tham gia vào thị trường "thực ảo" nóng bỏng này như Google, Samsung, Sony...
Thế nhưng, xét cho cùng, các thiết bị đeo thông minh như kính thực tế ảo vẫn được coi là một thị trường mới mẻ và cần được khai phá nhằm đem tới thêm nhiều trải nghiệm 3 chiều thú vị tới người dùng. Đơn cử, mục đích ban đầu của kính thực tế ảo là phục vụ các nhà nghiên cứu, các game thủ, tuy nhiên, việc đơn thuần sử dụng bàn phím hay controller vẫn gây ra khá nhiều bất tiện cho người sử dụng.
Do đó, Nimble Sense - cảm biến độ sâu được tối ưu dành cho kính Oculus Rift đã ra đời. "Oculus Rift đưa đôi mắt và đầu bạn vào thực tại ảo. Còn chúng tôi sẽ bổ sung thêm đôi tay bạn nữa." - Robert Wang, người sáng lập Nimble VR chia sẻ.
Được biết, Nimble Sense sử dụng một tia laser hồng ngoại và máy ảnh kép có khả năng chụp ảnh 3D với cảm biến độ sâu cho góc nhìn 110 độ, rộng hơn trường nhìn của Oculus Rift. Từ đó, những hình ảnh đôi tay được chụp lại liên tiếp và thông tin được đưa vào bộ xử lý - tương tự như các mà cảm biến Kinect hoạt động, nhưng chắc chắn chẳng ai muốn đeo một đeo một thiết bị như chiếc Kinect lên đầu cả.
Tuy nhiên, phần cứng chỉ quyết định một nửa thành công của Nimble Sense. Theo đó, nhà sáng lập của công nghệ này còn bật mí về một hệ thống theo dõi xương bàn tay có độ trễ thấp và độ chính xác cao. Ngoài ra, Nimble VR cũng đi kèm một hàm API mở dành cho các nhà phát triển để tối ưu cho mỗi trò chơi.
Nimble VR hiện đang khởi động chiến dịch gây quỹ trên Kickstarter cho việc sản xuất camera cảm biến độ sâu có khả năng nhận diện được các cử chỉ và dịch chuyển các chuyển động của tay thành các trải nghiệm thực tại ảo. Với vốn góp 154 USD/người, các thành viên Kickstarter sẽ nhận được gói linh kiện gồm camera, 3 chân đế và một sợi dây cáp USB dài 4,2m.
>> Kính chơi game Oculus Rift giá 4 đến 8 triệu đồng?