Đối với nhiều người, chơi game trên máy tính đồng nghĩa với việc sử dụng nền tảng game Steam. Đây là một cửa hàng dịch vụ để mua game, chơi game, quản lý game và cũng để tạo ra một danh sách bạn bè để chat với nhau trong khi chơi game.
1. Truyền game qua mạng gia đình
Đây là một tính năng mạnh mẽ của Steam nhưng không được giới thiệu ầm ĩ. Nó đã làm thay đổi hoàn toàn cách chơi game ở nhà. Tính năng truyền game qua mạng gia đình của Steam cho phép bạn chơi cả những game nặng về mặt đồ họa trên máy tính có cấu hình thấp và máy tính bảng Windows.
Tính năng này dùng hiệu suất của máy tính chơi game chính để chạy game, rồi sau đó truyền game này theo kiểu giống như dịch vụ Netflix đến một máy tính khác. Có thể xem đây như là dịch vụ OnLive cho bộ sưu tập Steam, nhưng chỉ chạy trong mạng nội bộ. Với Steam, bạn có thể chơi game trên một laptop không đắt tiền mọi nơi trong nhà suốt ngày, đồng thời cũng có thể chơi những tựa game đòi hỏi cấu hình cao trên một máy MacBook cũ kỹ đời 2006.
Việc kích hoạt tính năng truyền qua mạng gia đình của Steam rất dễ dàng. Bạn chỉ cần đăng nhập vào Steam trên laptop trong khi máy tính chơi game chính được kết nối với cùng một mạng nội bộ và cũng đang chạy Steam. Một cửa sổ thông báo bật lên sẽ cho bạn biết rằng hai máy đã nhận ra nhau và một tùy chọn “Stream” mới sẽ hiện lên trong thư viện game được cài đặt trên máy tính chính của bạn. Nên lưu ý vài điểm khác biệt liên quan đến việc cân đối kết nối mạng và thiết lập đồ họa.
2. Cập nhật trình điều khiển card đồ họa
Hãy luôn cập nhật trình điều khiển mới nhất cho card đồ họa của bạn. Đây là một quy luật cốt lõi của những game thủ chơi game trên máy tính. Các hãng sản xuất card đồ họa như Nvidia và AMD thường xuyên phát hành các phiên bản cập nhật để hỗ trợ các game mới nhất và để tối ưu hóa các game cũ hơn. Do đó, nếu cứ tiếp tục dùng các trình điều khiển cũ thì có lẽ bạn đang bỏ phí hiệu năng đồ họa quý báu.
Thông thường, các hãng đều cung cấp bảng điều khiển để giúp cập nhật trình điều khiển, nhưng nếu không rành với những thiết lập đồ họa phức tạp thì bạn có thể thực hiện giống như thế qua Steam. Chỉ cần mở chương trình và vào mục Steam > Check for Video Driver Updates trong thanh trình đơn để kiểm tra cập nhật trình điều khiển video. Nếu có trình điều khiển mới cho card đồ họa của bạn, Steam sẽ thông báo cho bạn biết và đề nghị cài đặt các trình này ngay tại đó.
3. Thêm vào thư viện các game không phải của Steam
Valve, hãng phát triển của Steam, cho phép bạn thêm các game không phải của Steam vào chương trình. Steam vẫn không cập nhật loại game “ngoại” này và không lưu chúng vào Steam Cloud. Tuy nhiên, bằng cách thêm game không phải của Steam vào thư viện, bạn bè sẽ thấy khi nào bạn chơi game này và mở tính năng overlay của Steam (truy cập nhanh bằng tổ hợp phím Shift + Tab) hỗ trợ tính năng chụp toàn màn hình và chat trong khi chơi.
Bây giờ, hãy mở chương trình Steam và vào mục Games > Add a Non-Steam Game to My Library. Cách thực hiện rất đơn giản. Nếu muốn thêm một hình ảnh tùy chọn cho game trong hiển thị dạng lưới của thư viện, bạn chỉ cần nhấp chuột phải vào game và chọn Set Custom Image, rồi làm theo hướng dẫn. Nếu thích, bạn có thể sử dụng các hình ảnh tùy chọn cho game có sẵn trên trang dịch vụ mạng xã hội Reddit. Bạn cũng có thể tìm thấy rất nhiều hình ảnh dạng lưới tùy chọn trên trang Steam Banners hay Deviant Art.
4. Tăng lực với Enhanced Steam
Phần mở rộng trình duyệt Enhanced Steam mạnh mẽ (và miễn phí) có lẽ chỉ thuyết phục bạn khi bắt đầu mua game trên trang web Steam chứ không phải ngay trong chương trình Steam. Enhanced Steam có rất nhiều tính năng hữu ích được thiết kế để giúp người dùng biết khi nào nên mua, hay không mua, một game nào đó.
Tính năng này sẽ cho bạn biết game nào đã có trong thư viện hay danh sách muốn mua, cho biết lịch sử giá cả của từng đầu game, cho biết sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền khi mua nhiều game, và thậm chí khám phá ra các game được bảo vệ bằng chính sách quản lý bản quyền số DRM của hãng thứ ba. Đó chỉ là mới bắt đầu. Nếu bạn là một game thủ máy tính, không có lý do gì mà không cài đặt Enhanced Steam ngay bây giờ.
5. Quản lý lưu trữ game
Có thể bạn muốn chuyển tất cả game của mình vào một ổ lưu trữ SSD tốc độ nhanh, hay bạn đã cài đặt một ổ đĩa cứng HDD truyền thống mới chỉ để chơi game. Bằng cách nào đi nữa, Steam chắc chắn sẽ thêm các thư mục mới để bạn lưu trữ game. Hãy mở chương trình Steam và vào mục Steam > Settings > Downloads, sau đó nhấn vào nút "Steam Library Folders". Từ đây, bạn có thể thêm bao nhiêu thư mục tùy ý để cài đặt game. Khi đã thêm các thư mục mới, bạn sẽ có tùy chọn để chọn vị trí cài đặt “Choose location for installation” khi cài đặt game mới. Rất dễ thực hiện.
Di chuyển các game đã cài đặt sẵn thì phức tạp hơn và cần phải dùng các đường dẫn ký hiệu (symlink), mà chủ yếu là dùng để lừa máy tính phải nghĩ rằng tập tin mà máy tính phải tìm vẫn còn nằm ở vị trí ban đầu sau khi đã di chuyển tập tin này. Bạn nên dùng phần mềm Steam Mover để tạo các symlink. Chỉ cần tải phần mềm xuống và làm theo hướng dẫn. Cách này dễ dàng hơn so với phương pháp tự tay mình làm DIY (Do It Yourself). Bạn chỉ cần thực hiện theo hướng dẫn từng bước của Steam nếu muốn di chuyển tất cả cài đặt Steam vào một ổ đĩa hoàn toàn mới.
6. Cài đặt hay gỡ bỏ từng loạt game
Với bản cập nhật gần đây, bạn có thể dễ dàng cài đặt lại tất cả các game của mình nếu phải chuyển Steam sang một máy tính mới. Hiện nay, Steam có thể cài đặt hay gỡ bỏ một loạt game cùng lúc. Mở thư viện Steam theo dạng hiển thị chi tiết (Detail) hay danh sách (List) và chọn game nào muốn cài đặt bằng cách nhấn Ctrl + nhấn chuột lên từng game.
Các game bạn chọn sẽ được đánh dấu sáng. Sau đó, bạn chỉ cần nhấn chuột phải vào một trong những game đó và chọn tùy chọn Install. Bạn sẽ thấy tùy chọn Bulk Installation để cài đặt một loạt cho tất cả số game đã chọn. Ngược lại, bạn cũng có thể chọn một số game đã được cài đặt trên ổ đĩa cứng rồi nhấn chuột phải và chọn Delete Local Data để xóa các game này khỏi máy tính cùng lúc.
7. Cài đặt game từ xa
Bạn cũng có thể cài đặt từ xa các game đã mua (nếu máy tính ở nhà của bạn đang bật, đang nối mạng và đăng nhập vào Steam). Đây là một tính năng thú vị khi bạn muốn tùy hứng mua sắm game khi đang ở cơ quan hay đang ngoài đường.
Để cài đặt game từ xa, trước tiên bạn phải đăng nhập vào tài khoản Steam của mình trên trang Steam Community. Khi đã vào trang này, nhấn vào tên tài khoản Steam của bạn trong danh sách tùy chọn ở đầu trang, sau đó nhấn vào tùy chọn Games trong khung bên phải. Ở trang Games, mở thẻ "All Games" để xem tất cả thư viện của bạn. Nhấn vào biểu tượng Installation ở bên phải của bản liệt kê game muốn cài đặt và game này sẽ tức thời được tải xuống máy tính ở nhà bạn.
8. Ẩn game khỏi thư viện
Thỉnh thoảng, các game thủ cần phải có cách để giấu các game khỏi thư viện của họ. Và Valve đã cung cấp tính năng cần thiết này, dù Steam không quảng cáo cho tính năng dễ dùng này. Để giấu một game trong thư viện, hãy nhấn chuột phải vào game và chọn Set Categories. Sau đó, chọn hộp “Hide this game in my library” rồi nhấn OK.
Bắt đầu từ lúc này, game đó sẽ biến mất khỏi thư viện của bạn, được chuyển sang một bộ lọc “Hidden” mà chỉ có thể truy cập bằng cách nhấn vào nút Games nhỏ cạnh hộp tìm kiếm của thư viện và chọn “Hidden”. Ở đó, bạn có thể trở về tùy chọn hạng mục của game và bỏ dấu chọn trong hộp “Hide this game” nếu muốn game này xuất hiện lại trong thư viện.
9. Tùy biến Jump List trên thanh tác vụ của Steam
Gắn các chương trình lên thanh tác vụ và dùng Jump Lists là một trong những cách nhanh nhất để duyệt trong Windows. (Nhấn chuột phải vào một chương trình được gắn trên thanh tác vụ để thấy Jump List của chương trình đó.)
Theo mặc định, Jump List của Steam sẽ cho thấy game bạn chơi gần đây nhất cùng với các đường dẫn đến các chế độ khác của chương trình, chẳng hạn như News, Big Picture, Library, Friends, và các chế độ khác. Nhưng đối với nhiều người không thực sự cần phải có tùy chọn Jump List để chuyển trực tiếp vào tính năng chụp toàn màn hình hay hoạt động bạn bè Friend. May là bạn có thể thay đổi thiết lập Jump List của Steam để cho thấy ít hơn các mục buồn tẻ đó và nhiều hơn các thứ quan trọng như game.
Hãy vào thiết lập giao diện Steam > Settings > Interface, rồi nhấn vào nút "Set Taskbar Preferences" để thiết lập các tùy chỉnh cho thanh tác vụ. Trong hộp thoại xuất hiện, bạn chỉ cần bỏ không chọn các ô vị trí Steam mà bạn không muốn đưa vào Jump List, sau đó nhấn OK. Bây giờ hãy nhấn chuột phải vào biểu tượng Steam trên thanh tác vụ; cứ mỗi mục Jump List mặc định bạn đã xóa, thì danh sách các mục nhập của game chơi gần đây tăng lên từng mục. Bằng cách chọn một mục nhập game chơi gần đây, bạn sẽ vào được ngay game đó. Đây cũng là cách nhanh chóng quay về vào những game bạn đang chơi.
10. Sao lưu dự phòng game cục bộ
Dĩ nhiên là Steam Cloud lưu trữ các game lưu an toàn trên các máy chủ của Valve, nhưng nó chỉ sao lưu dự phòng các game lưu của bạn mà thôi – và chỉ những đầu game nào có hỗ trợ tính năng này. Sao lưu dự phòng game sẽ giúp bạn không bị những trường hợp bực mình, đảm bảo không bị hư tập tin hay phải tải xuống toàn bộ thư viện game nếu ổ đĩa cứng không phục hồi lại được dữ liệu.
Steam có thể xử lý các bản sao lưu dự phòng game của bạn. Hãy vào thư viện, nhấn chuột phải vào bất kỳ game đã được cài đặt và chọn "Backup Game Files" để sao lưu tập tin game. Một hộp thoại sẽ bật lên với một danh sách tất cả các game đã cài đặt để bạn chọn game nào muốn sao lưu. Các bước thực hiện sau đó rất dễ dàng.
Việc phục hồi các bản sao lưu dự phòng cũng khá dễ thực hiện. Bạn chỉ cần đăng nhập vào tài khoản Steam, sau đó mở thư mục sao lưu và chạy tập tin steambackup.exe. Cứ thực hiện theo hướng dẫn trên màn hình. Hãy nhớ là tập tin thực thi sẽ tự động chạy nếu bạn đã sao lưu dự phòng game lên đĩa CD hay DVD.
Tính năng backup của Steam không phải là hoàn hảo. Nó sẽ không sao lưu lại các hiệu chỉnh, các tập tin cấu hình tùy biến hay các game dùng trình cài đặt của hãng thứ ba, chẳng hạn như các game chơi nhiều người trực tuyến MMO (massively multiplayer online) và các game chơi miễn phí khác. Tính năng này cũng không sao lưu các game không nhận Steam làm nền tảng chủ. Những loại game này phải được xử lý bằng cách thủ công. Nhưng quan trọng nhất là tính năng sao lưu game của Steam không sao lưu những phần lưu trong game của bạn.
>> Thêm máy chơi game Steam Machine đẹp mắt ra đời