Những chiếc tay cầm chơi game độc đáo cho game thủ mobile

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 20/04/2015 03:56 PM

Cùng chúng tôi điểm qua những thiết bị tay cầm chơi game cực độc đáo dành riêng cho những người mê game mobile

MadCatz L.Y.N.X. 9

Tại hội chợ CES 2015 lần này, hãng MadCatz đã cho ra mắt tay cầm chơi game với thiết kế vô cùng độc đáo mang tên L.Y.N.X. 9 Mobile Hybrid Controller.

MadCatz L.Y.N.X. 9 - Tay cầm chơi game biến hình cực chất

Dễ dàng nhận ra, chiếc tay cầm chơi game được thiết kế theo phong cách của chuột chơi game R.A.T 9 Wireless mà hãng Mad Catz đã tung ra trước đó không lâu. Với thiết kế này, L.Y.N.X. 9 có thể tách ra làm ba phần là tay cầm trái, tay cầm phải và phần thân. Điều này tạo cho người dùng một cảm giác rất đã tay khi lắp ráp.

MadCatz L.Y.N.X. 9 - Tay cầm chơi game biến hình cực chất

Chính vì thiết kế sáng tạo này khiến cho L.Y.N.X. 9 trở nên "thiên biến vạn hóa". Phần thân của thiết bị không những có thể kết hợp được với smartphone hay máy tính bảng mà còn có thể lắp thêm một bàn phím QWERTY để người chơi dễ dàng gõ phím khi chơi. Một điều khá lạ là trong khi L.Y.N.X. 9 có 4 nút A-B X-Y được thiết kế theo chuẩn của Xbox nhưng analog của thiết bị lại được bố trí theo chuẩn Sixaxis như những tay cầm Playstation.

MadCatz L.Y.N.X. 9 - Tay cầm chơi game biến hình cực chất

Phần cứng của L.Y.N.X. 9 cũng khá ấn tượng khi thiết bị có thể sử dụng liên tục trong vòng 30 giờ và chỉ cần 2 giờ để sạc đầy. Mọi kết nối của L.Y.N.X. 9 đều qua chuẩn Bluetooth 4.0 nên không những tay cầm này có thể sử dụng trên Android mà còn cả trên các laptop chạy Windows hay thậm chí là cả Amazon's Fire TV.

Grifta

Grifta là một hệ thống tay cầm chơi game thiết kế dạng mô-đun với 2 phần tay cầm trái và phải riêng biệt, cho phép người chơi thao tác thoải mái hơn và hoạt động kết hợp với nhiều thiết bị ngoại vi. Dự án này đã được gây quỹ thành công trên Kickstarter và sản phẩm sẽ xuất hiện trên thị trường vào tháng 7 năm nay.

Grifta - Tay cầm chơi game cực độc phong cách xếp hình

Nhóm phát triển Grifta đã chế tạo hệ thống tay cầm này theo thiên hướng công thái học và sử dụng kỹ thuật sản xuất đơn giản đó là dùng các mạch in (PCB) xếp lớp lên nhau giữa 2 khuông đúc nhựa. Kết quả là quy trình sản xuất đơn giản hơn và nâng cao sự thoải mái cho người dùng. Thiết kế này rất khác biệt so với các loại tay cầm như DualShock 4, Xbox One Wireless Controller hay các loại tay cầm nguyên khối khác.

Grifta_02.

Tay cầm bên trái chứa phím điều hướng và núm joystick, cùng với các cò vai và 8 phím phụ (4 phím ở mặt trước và 4 phím ở mặt sau) có thể được thiết lập tùy ý. Tay cầm bên phải thiết kế tương tự nhưng chứa 4 phím ABXY thay cho cụm phím điều hướng. Nhóm phát triển còn chế thêm 3 thanh ngang bằng silicon mềm để người dùng có thể thay đổi, miễn sao thấy thoải mái nhất (hình trên).

iRocks G01

Mới đây, iRocks đã ra mắt chiếc tay cầm chơi game mới mang tên G01. Điều đặc biệt của chiếc tay cầm chơi game không dây này chính là việc không chỉ hoạt động hoàn hảo trên iOS và Android, chiếc tay cầm chơi game này còn có thể chạy trên cả PC nữa. Ở cạnh trên của chiếc tay cầm là một nút gạt cho phép game thủ chuyển đổi giữa ba chế độ: Android, PC và iOS. Một nút bấm nhỏ có chữ "Link" sẽ cho phép người chơi kết nối trực tiếp tay cầm thông qua kết nối bluetooth 3.0 giữa nó và điện thoại.

Layout của chiếc tay cầm iRocks G01 được đặt theo tay cầm Xbox, với cụm phím phụ và phím chính X, Y, A, B. Chiếc điện thoại sẽ được giữ một cách cố định trên chiếc tay cầm chơi game này với hệ thống kẹp và lò xo đàn hồi, cho phép chiếc tay cầm có thể vừa vặn với nhiều thiết bị, từ iPhone 5S, 6 cho tới HTC One. Cùng với đó, pin sạc kết nối Micro USB cũng cho phép G01 hoạt động khoảng 15 đến 20 tiếng liên tục.

Cận cảnh iRocks G01 - Tay cầm chơi game nhỏ gọn tại Việt Nam

Thử nghiệm với hai thiết bị và hai tựa game: HTC One M7 với FIFA 15 và iPhone 5S với Asphalt 8 Airborne, có thể khẳng định iRocks G01 hoạt động tương đối "mượt mà" khi kết nối nhanh và cho phép điều khiển game đang chạy trên thiết bị di động. Dĩ nhiên game thủ sẽ mất một khoảng thời gian để làm quen với hệ thống nút mới để chiến game, vì hệ thống phím ảo trên di động luôn khác so với cụm nút vật lý trên G01.

Hyperkin Smartboy

Ban đầu, ý tưởng concept của chiếc vỏ mang tên Smart Boy được Hyperkin tung lên những trang mạng xã hội như Facebook, 9Gag như một trò đùa Cá tháng Tư . Thế nhưng ngay sau đó, hiệu ứng của cộng đồng game thủ trên những MXH này quá lớn, và khiến cho Hyperkin phải "nghĩ lại" trò đùa của mình.

Choáng với bộ vỏ biến iPhone thành... GameBoy

Trong bức thư gửi tới cộng đồng hâm mộ, Hyperkin cho biết: "Rất nhiều người đã chỉ ra rằng đây chỉ là một trò đùa Cá tháng Tư của chúng tôi. Điều đó đúng một phần. Chúng tôi đã chọn ngày 01/04 để thử phản ứng của thị trường, để biết được liệu chúng tôi có nên sản xuất Smart Boy hay không. Hóa ra là các bạn thực sự muốn sở hữu nó. Vậy thì xin chúc mừng, Smart Boy đã chính thức được đưa vào phát triển và sản xuất. Xin cám ơn tất cả các bạn vì những phản hồi tích cực của mình".

Dựa trên những bản vẽ thiết kế, Hyperkin Smartboy là một bộ vỏ cho phép người sử dụng biến chiếc iPhone của mình trở thành một chiếc máy Gameboy đúng nghĩa, với cả chức năng... căm băng và thưởng thức game với những nút bấm vật lý chứ không phải nút ảo như nhiều game mobile hiện nay.

>> Dưới 3 triệu Đồng game thủ Việt mua bàn phím cơ nào?