Có thể nói, BPhone hiện đã và đang trở thành cái tên hot nhất tại Việt Nam, sau những nỗ lực quảng bá "có một không hai" của BKAV . Dù chỉ còn vài ngày nữa là chiếc smartphone gắn mác "siêu phẩm" Made in Việt Nam sẽ được chính thức ra mắt, nhưng đã xuất hiện không ít những lời bàn ra tán vào về sản phẩm này.
Trong khi một bộ phận không nhỏ người dùng tỏ ra rất đồng tình và ủng hộ BKAV cũng như BPhone, thì một số khác lại tỏ vẻ hoài nghi về những lời quảng cáo có cánh của thương hiệu Việt. Tuy nhiên, nếu sắp xếp lại những dữ kiện liên quan tới bài toán BPhone, dễ thấy, đây có thể là 1 chiếc smartphone do chính người Việt làm ra, nhưng BPhone sẽ không dành cho người Việt. Tại sao vậy?
1. Bán hàng trực tuyến chưa phù hợp
Theo như những thông tin trước đây, có vẻ như công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam là BKAV sẽ chỉ bán ra những chiếc smartphone đầu tiên của mình qua mạng, mà không có bất kì đại lí bán lẻ nào theo phương thức truyền thống. Đây được coi là một phương pháp khôn ngoan, giúp BPhone giảm giá thành và tránh bị đội giá bởi các chi phí liên quan tới quảng cáo.
Hình ảnh được cho là thiết kế BPhone
Nếu nhìn vào các ngôi sao mới nổi trong ngành sản xuất di động thế giới như Xiaomi hay OnePlus, đây là phương pháp khá quen thuộc nhằm giúp người dùng sở hữu tận tay chiếc smartphone với giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, phương pháp bán smartphone trực tuyến còn khá mới mẻ và ít xuất hiện tại Việt Nam bởi tâm lý chung của người dùng là được "mắt thấy, tai nghe và tận tay trải nghiệm".
Về lý thuyết, sản phẩm càng đắt giá càng phải được chọn lựa cầu kì, nâng lên đặt xuống nhiều lần, đặc biệt là khi giá bán của BPhone lên tới 13 triệu đồng như dự đoán. Câu hỏi đặt ra là liệu bạn có dám bỏ một số tiền lớn để mua một sản phẩm như vậy. Do đó, đây không còn là bài toán về cách thức mua hàng, mà đó là một dấu hỏi về niềm tin.
Cũng chính bởi việc người Việt chưa có thói quen mua hàng qua mạng, cộng thêm BKAV còn là một thương hiệu non trẻ trong lĩnh vực smartphone, sẽ rất khó để BPhone cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập như iPhone hay Samsung Galaxy... Nhất là khi người dùng trong nước còn hoài nghi rất nhiều về chất lượng BPhone, cơ hội để BKAV trở thành "Xiaomi của Việt Nam" là rất mong manh.
2. Phân khúc cao cấp còn lắm gian nan
Bỏ qua yếu tố bán hàng trực tuyến, bởi cứ cho BKAV có thể hoàn thành tốt ở khâu này, trở ngại tiếp theo mà thương hiệu Việt sẽ phải đối mặt chính là việc cạnh tranh với các tên tuổi lớn trên thế giới, vốn đã có chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam như iPhone của Apple, Galaxy S của Samsung hay HTC, LG, Sony, đặc biệt là phân khúc smartphone cao cấp.
Bởi xét cho cùng, tâm lý "sính ngoại" xưa nay của người dùng trong nước là rất khó sửa đổi, trừ khi BPhone là một chiếc smartphone "thần thánh" chỉ có trong tưởng tượng. Chẳng nói đâu xa, chúng ta có thể nhìn vào bộ phận giới trẻ hiện nay, đối tượng sử dụng nhiều smartphone nhất, phần lớn những iPhone hay Galaxy S vẫn được ưa chuộng hơn hẳn.
Trong khi đó, giá bán dự kiến của BPhone cũng chẳng tạo ra chênh lệch nhiều so với iPhone 6 hay Galaxy S6, bởi mức giá 13 triệu đồng của máy chưa thực sự rẻ như Xiaomi đã làm để cạnh tranh với Apple và Samsung. Rõ ràng, khi đưa các sản phẩm này lên bàn cân, người dùng chắc chắn sẽ có tâm lý cố thêm chút đỉnh để mua smartphone có thương hiệu thay vì khẩu hiệu "ủng hộ hàng Việt" lâu nay.
Ngoài ra, cách tung ra sản phẩm của BKAV cũng khá ngược đời, khi nhìn vào những Huawei, Xiaomi hay ASUS, họ thường sẽ bắt đầu với dòng sản phẩm cấp thấp, đánh vào phân khúc điện thoại giá rẻ, nơi người dùng luôn có nhu cầu về smartphone. Rồi sau đó nâng cấp dần dần và tung ra các sản phẩm tốt hơn, cuối cùng mới là những chiếc siêu phẩm như ZenFone 2 hay Mi Note Pro.
3. Đâu là thị trường tiềm năng cho BPhone?
Qua hai lập luận trên, rõ ràng chúng ta có thể thấy rằng BPhone gần như chẳng có cửa tại thị trường di động Việt Nam, cho dù những gì mà BKAV đang hướng đến là đúng đắn, đồng thời mở ra hướng đi mới cho smartphone Made in Việt Nam trong tương lai. Bạn sẽ tự hỏi, BPhone thiếu cạnh tranh cả về giá bán lẫn thương hiệu và bán ra cũng chẳng mấy người mua, vậy BKAV có "sập tiệm"?
BPhone tại sự kiện CES 2015
Tôi thì cho rằng, đằng sau chiến thuật quảng cáo rầm rộ của mình, BKAV sẽ còn những toan tính mà ít người nghĩ tới. Bởi tất cả những giả thuyết được giới truyền thông liên tưởng đều xảy ra tại Việt Nam. Vậy sẽ ra sao nếu BPhone được làm ra bởi người Việt nhưng không tập trung bán cho người Việt? Trong khi đó, những phương thức bán hàng, cách hé lộ sản phẩm đều cho thấy BKAV muốn... Tây tiến.
Từ lâu, bán hàng online đã được người dùng Âu - Mỹ rất ưa chuộng và thậm chí là thịnh hành. Chưa kể, dù có tiếng là thị trường khó tính, nhưng người dùng ở những thị trường này lại khá công tâm, yêu ghét rõ ràng, nhất là khi BPhone lại sử dụng toàn những linh kiện "xịn" từ Qualcomm. Và nếu chỉ có ý định bán BPhone cho người Việt, chắc hẳn BKAV cũng chẳng cần mất công mang nó tới CES 2015 vào hồi đầu năm.
Tất nhiên, nếu tôi là anh Nguyễn Tử Quảng , tôi sẽ chuẩn bị ngay 1000 máy BPhone và chuyển chúng tới thị trường Bắc Mỹ rồi chờ tới giờ "bom" nổ. Bởi khi mà thị trường Việt Nam còn lắm gian truân, tôi sẽ chẳng dại gì phải chọn ngõ cụt. Và khi đã hái trái ngọt tại trời Tây, khi đó đem BPhone về cho người Việt cũng chẳng muộn.
Lỡ khi đó có anh em bạn bè nào chê rằng BPhone chẳng ra đâu vào đâu, tôi sẽ vỗ ngực mà nói rằng, đến người Tây còn chuộng smartphone Việt thì hà cớ gì người Việt lại tẩy chay?
>> Đây có phải là thiết kế BPhone: siêu phẩm của người Việt đã lộ diện?