Mới đây, Lisa Su, CEO của AMD đã đưa ra dự đoán, rằng chính những thiết bị thực tế ảo sẽ có thể giúp doanh thu của ngành công nghiệp sản xuất máy tính cá nhân tăng mạnh trong năm 2016 này.
"Trong quý IV năm 2015 vừa qua, sức hút của những chiếc kính thực tế ảo đã thu hút được sự chú ý và thậm chí là nhiều game thủ lẫn người sử dụng máy tính đã bỏ tiền ra mua nhiều mẫu card đồ họa cao cấp trong dòng R9 của AMD nhằm mục đích chờ đợi ngày ra mắt của những bộ kính thực tế ảo cao cấp trong năm 2016 này.
Chúng tôi kỳ vọng rằng, khi HTC và Oculus bắt đầu chính thức bán ra hai sản phẩm của họ là Vive và Rift, thì xu hướng đầu tư cho PC chạy ứng dụng thực tế ảo cũng sẽ tiếp tục khiến cho doanh thu của thị trường PC khởi sắc."
Dựa theo một bản báo cáo mới được thực hiện bởi cơ sở nghiên cứu SuperData Research cho hay, thị trường game thực tế ảo trên tất cả các thiết bị sẽ chạm mức 56 triệu người sử dụng vào thời điểm cuối năm nay, với lượng cài đặt ở mức 38,9 triệu. Dự kiến đến cuối năm 2016, thị trường game thực tế ảo sẽ có giá trị 5,1 tỷ USD (tương đương 114,000 tỷ VNĐ), với mobile chính là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng chính.
Trong khi đó theo dự đoán mới nhất của Nvidia - nhà sản xuất GPU lớn nhất thế giới thì chỉ có 13 triệu chiếc máy tính trên khắp thế giới có đủ sức mạnh đồ hoạ để tương thích với thiết bị VR. Nếu so với 1,43 tỷ PC hiện có, hơn 10 triệu chiếc PC mà Nvidia ước tính chiếm chưa đến 1% - con số đủ để những công ty phải cân nhắc về số lượng thiết bị thực tế ảo được sản xuất vào năm 2016.
Tuy vậy, với những dự báo khổng lồ về doanh thu và thay đổi hình thái của nhiều ngành công nghiệp, rất nhiều gã khổng lồ công nghệ vẫn sẵn sàng chi đậm để lấn sân vào thị trường này. Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES) 2016 diễn ra trong vài ngày tới sẽ chứng kiến tới hơn 40 công ty trưng bày các thiết bị VR, tăng 77% so với năm 2015.
Hiệp hội công nghệ tiêu dùng - đơn vị tổ chức CES dự đoán rằng, sẽ có tới 1,2 triệu thiết bị VR được bán ra trong năm mới 2016 với tổng doanh thu 540 triệu USD - gấp 6 lần so với năm 2015.