HyperX Predator G2 x4 SSD - Trải nghiệm tải game trong vòng "một nốt nhạc"

HakieS  - Theo Trí Thức Trẻ | 11/01/2016 0:00 AM

Với một món đồ xa xỉ như SSD chuẩn PCIe, trải nghiệm chơi game và load dữ liệu cũng khiến cho game thủ vô cùng thích thú

Ổ cứng chuẩn PCI-e SSD là một trong những phần cứng thuộc hàng xa xỉ trong giới công nghệ khi cùng một mức dung lượng thì giá của chiếc PCI-e SSD so với SATA3 SSD chênh nhau khá nhiều. Khi mà Intel cùng với Samsung đang có những sản phẩm PCI-e SSD với hiệu năng cũng như độ ổn định cao trên thị trường thì Plextor và Kingston đang cho thấy họ cũng không hề chịu thua kém phần nào.

Trong năm ngoái thì Plextor giới thiệu M6e và M6e Black Edition là hai sản phẩm PCI-e SSD đầu tiên mà hãng bán còn Kingston cũng vừa đưa ra thị trường sản phẩm PCI-e SSD mang tên Predator với rất nhiều sự kỳ vọng của người tiêu dùng.

Và điểm đặc biệt của Kingston HyperX Predator M.2 PCI-e SSD này đó chính là sử dụng chip điều khiển mới nhất của Marvell với mã hiệu 88SS9293 Altaplus khi sử dụng cổng PCI-e x4 thay vì x2 giống như các sản phẩm PCI-e SSD khác trên thị trường. Chip điều khiển 88SS9293 Altaplus của Marvell được giới thiệu ở hội chợ CES 2014 và cho thấy tiềm năng trong tương lai. Theo một vài nguồn tin thì chiếc SSD của Kingston đang là một trong những thương hiệu đầu tiên sử dụng loại chip điều khiển mới này của Marvell.

Chiếc Kingston HyperX Predator M.2 PCI-e SSD mà chúng tôi được cầm trên tay có dung lượng là 480GB trong bộ 3 dung lượng 240GB/480GB/960GB. Được giới thiệu là một sản phẩm có tốc độ đọc/ghi là 1400/1000 MB/s đã làm cho tôi khá là hào hứng với sản phẩm này vì từ trước đến giờ mới chỉ được biết đến SATA3 SSD chứ chưa được chạm tay vào một sản phẩm “khủng” đến như này.

Và khi tìm hiểu chi tiết về những sản phẩm PCI-e SSD này thì có một điểm đáng chú ý ở chiếc SSD HyperX Predator này đó chính là khả năng boot trực tiếp và cài win do tích hợp trực tiếp chip OROM. Tưởng như đây là điều khá khó hiểu nhưng ở những chiếc PCI-e SSD của Samsung thì việc cài win phải đi qua rất nhiều các công đoạn khác nhau vì không có sự xuất hiện của chip OROM trên mạch.

Phụ kiện đi kèm cũng không có gì nhiều khi chỉ có hai thanh backplate, sticker và phiếu bảo hành của nhà sản xuất. Và chiếc SSD này được Kingston bảo hành trong vòng 3 năm, giống với hầu hết những sản phẩm khác của hãng.

Cấu hình thử nghiệm

Bo mạch chủ: Maximus VII Hero

Bộ xử lý: Intel Core i5-4670 @3.8GHz

Bộ nhớ trong: 4 x 4 GB G.Skill Sniper 1600MHz

Ổ cứng: Kingston HyperX Predator M.2 PCI-e 480GB

Nguồn: 650W


Sử dụng cổng PCIe

Sử dụng cổng PCIe


Lọt thỏm trong khe cắm M2

Lọt thỏm trong khe cắm M2

Kết quả thử nghiệm

Với một sản phẩm thuộc phân khúc high-end như chiếc PCI-e SSD này thì nhà sản xuất đã đảm bảo rằng cho dù bạn lưu trữ đến 90% dung lượng ổ thì tốc độ cũng sẽ vẫn không quá chênh lệch so với chưa có gì.

Và đúng với cam kết trên vỏ hộp, tốc độ đọc/ghi của chiếc PCI-e SSD này gần như đạt chuẩn 1400/1000 MB/s. Và trên nền tảng Haswell (ở đây là main Z97) thì khe cắm M.2 mới chỉ đạt băng thông ở mức X2, tức chỉ có thể đạt được một nửa tốc độ đã nêu trên vỏ hộp. Còn để đạt được tối đa tốc độ thì người dùng sẽ phải dùng bộ Adapter đã đi kèm cùng với sản phẩm. Ngoài ra, những thế hệ bo mạch chủ của những dòng chip mới như Haswell-E hay Skylake thì hoàn toàn có thể cắm trực tiếp vào khe M.2 trên bo mạch vì ở những mẫu bo mạch thế hệ mới nhất này đều đã hoàn toàn có đủ sức để kéo “quái thú” này.

Một điều nữa mà sau khi thử nghiệm rất nhiều dòng M.2 PCI-e SSD đó chính là khả năng tương thích của Predator PCI-e SSD này là khá tốt, gần như không có vấn đề nào với bất kỳ một bo mạch chủ nào trên thị trường hiện tại.

Điểm trừ duy nhất của những chiếc PCI-e SSD nói chung và “quái thú” Predator 480GB này đó chính là nhiệt độ khá cao và điều đó làm cho khi phải chuyển một khối dữ liệu lớn thì nhiệt độ có thể đạt đến mức 80-90 độ C, việc nhiệt độ vượt lên cao như vậy ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tốc độ đọc/ghi của SSD. Các bạn có thể dễ dàng thấy được ở mức 8.192 của ứng dụng ATTO Disk Benchmark thì tốc độ đọc của chiếc SSD này có đôi chút giảm xuống vì nhiệt độ đã quá cao.

Kết luận

Với mức giá trên dưới 10 triệu Đồng, một sản phẩm high-end như Kingston HyperX Predator đã cho cho thấy rằng “đắt xắt ra miếng” khi tốc độ, sự ổn định đã làm hài lòng hầu hết người tiêu dùng. Ngoài ra, giá cả của những chiếc PCI-e SSD này vẫn là một trong những trở ngại khá lớn khi mức giá không hề dễ chịu một tí nào.

Ưu điểm:

- Công nghệ hiện đại

- Tốc độ cao, ổn định cao

- Nhỏ gọn

Nhược điểm:

- Nhiệt độ cao khi sử dụng tải những dữ liệu lớn

- Giá cao.

Xin chân thành cám ơn Kingston Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi về mặt sản phẩm để có thể hoàn thành bài viết đánh giá này.

Một số hình ảnh của Kingston HyperX Predator G2 x4: