Game thủ Việt và câu chuyện chiếc gamepad

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 15/09/2013 0:00 AM

Bạn, một game thủ Việt, ưa thích chuột và bàn phím hay gamepad hơn khi chơi game?

Vấn đề “công cụ chơi game”, hay chuyên nghiệp hơn là thiết bị ngoại vi chơi game của game thủ Việt chúng ta tưởng chừng như đã trở thành một trong những chủ đề được bàn luận nhiều nhất. Một chú chuột Mitsumi hay Genius đi kèm với bàn phím rẻ tiền chắc chắn không thể kìm hãm niềm đam mê với game nếu so sánh với lúc game thủ sử dụng bàn phím cơ hay chuột chơi game đắt giá.

Game thủ Việt và câu chuyện chiếc gamepad 1

Nếu như chủ đề chuột, bàn phím, tai nghe chơi game đã được không ít game thủ Việt theo dõi kể từ những ngày đầu tiên chuyên mục gaming gear của chúng tôi được mở ra, thì những chiếc gamepad (controller, hay dân dã hơn là tay cầm) đã gắn bó với không ít những game thủ từ những ngày đầu tiên làm quen với game dường như lại chưa được quan tâm một cách đúng mực.

Là một game thủ 8x, hay 9x, hẳn các bạn không thể quên được cảm giác tiết kiệm từng đồng tiền lẻ mà mẹ hay bà cho, thay vì mua kem là đem ra… quán điện tử và thưởng thức những trò chơi đã đi vào “huyền thoại” cùng chúng bạn như Rambo Lùn (Metal Slug) hay về sau là “bóng đá Nhật” (những phiên bản đầu tiên của Winning Eleven trên hệ máy PS1)…

Game thủ Việt và câu chuyện chiếc gamepad 2

Và rồi, những chiếc tay cầm đã trở thành một phần không thể tách rời với tuổi thơ của chúng ta, những game thủ. Thế nhưng cuộc đổ bộ của những tựa game trên nền PC, cũng như những quán game mọc lên sau thời kỳ hưng thịnh của điện tử “bốn nút” đã dần khiến chúng ta quên đi những chiếc gamepad thuở nào.

Trong khi đó, một số game thủ có điều kiện thì được phụ huynh đầu tư cho những cỗ máy như PlayStation 2 hay sau này cao cấp hơn là PlayStation 3Xbox 360. Thế nhưng việc chơi game cùng chuột và bàn phím vẫn luôn được những game thủ quan tâm.

Game thủ Việt và câu chuyện chiếc gamepad 3

Hãy cùng nhìn nhận một cách công bằng, cả chuột/bàn phím và gamepad đều có thể trở thành công cụ chơi game một cách tuyệt vời. Chưa kể, nếu như có những thể loại game mà chỉ có chuột/phím mới phục vụ được game thủ, thì gamepad cũng chẳng hề kém cạnh với khả năng hỗ trợ một cách tối đa một số thể loại game, giúp game thủ cảm thấy thoải mái nhất khi thưởng thức game.

Rõ ràng, tính riêng trên hệ máy PC, chẳng có game thủ DotA 2 hoặc Counter Strike nào lại sử dụng gamepad cả. Thế nhưng một người chơi PES, Fifa hay những game đua xe như Need for Speed, thì cảm giác sử dụng bàn phím điều khiển cầu thủ hay điều khiển cả cỗ xe hẳn là sẽ khó có thể so sánh với những chiếc tay cầm.

Game thủ Việt và câu chuyện chiếc gamepad 4

Chưa dừng lại ở đó, với xu hướng console hóa, những tựa game ra mắt về sau được các nhà phát triển tối ưu hệ thống điều khiển cho các hệ máy chơi game, hay nói chính xác hơn là tối ưu cho chính chiếc tay cầm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà khi ra mắt lần đầu tiên, Diablo 3 lại sở hữu hệ thống skill và điều khiển được cộng đồng phản ứng là có phần đơn giản đi như vậy.

Về sau tất cả đều đã hiểu được thâm ý của Blizzard, khi việc điều khiển tựa game trên PlayStation 3 tuy rằng có nét khác biệt nhưng lại không có quá nhiều khó khăn, khiến game thủ rất dễ làm quen.

Game thủ Việt và câu chuyện chiếc gamepad 5

Hay một ví dụ khác là Tom Clancy’s Splinter Cell Blacklist, tựa game hành động bí mật mới ra mắt trong thời gian gần đây. Tuy là một tựa game bắn súng đi kèm với những chi tiết hành động bí mật, thế nhưng hệ thống gameplay của Blacklist lại hỗ trợ rất tốt gamepad khi cho phép game thủ tự động ngắm bắn, cộng với sự tự do trong quá trình hành động.

Một điểm nữa khiến cho gamepad được đứng ngang hàng với chuột, bàn phím chính là mức giá của chúng. Chỉ cần khoảng 100 nghìn Đồng, game thủ đã có thể sở hữu cho mình một chiếc gamepad Tàu, dĩ nhiên là với chất lượng không đáng tin cậy cho lắm nhưng ngần đó là cũng đủ để chinh chiến những trận đấu PES cùng bạn bè trên chiếc máy tính.

Game thủ Việt và câu chuyện chiếc gamepad 6

Cao cấp hơn một chút là một đôi tay cầm của hệ máy console PlayStation 2 với giá khoảng 100 đến 150 nghìn Đồng một chiếc, đi kèm là một bộ chuyển tín hiệu để máy tính có thể nhận chiếc tay cầm thông qua cổng USB.

Dĩ nhiên, ước mơ của không ít game thủ chính là những mẫu gamepad như tay cầm có dây của Xbox 360, hay những chiếc tay cầm cao cấp đến từ những thương hiệu như Razer hay Logitech. Cái giá của chúng dao động từ 800 nghìn đến cả triệu Đồng, thế nhưng nếu so sánh với những mẫu chuột bàn phím cao cấp hiện nay, mức giá đó vẫn được cho là có thể chấp nhận.

Game thủ Việt và câu chuyện chiếc gamepad 7

Vậy bạn, một game thủ Việt, ưa thích chuột/bàn phím hay gamepad hơn khi chơi game? Hãy chia sẻ ý kiến của mình qua công cụ bình chọn cũng như phần bình luận ở cuối bài viết dưới đây.