Game thủ Việt đang lầm tưởng những gì khi ham mua bàn phím cơ giá rẻ?

HakieS  - Theo Trí Thức Trẻ | 21/03/2016 02:29 AM

Những món đồ giá rẻ thường luôn có vòng đời thấp hơn hẳn những chiếc bàn phím cơ cao cấp đến từ thương hiệu lớn, trong cùng điều kiện và môi trường sử dụng

Nếu như cách đây một vài năm, các game thủ Việt còn gần như chưa biết rõ bàn phím cơ là gì, Filco là hãng nào hay nên chọn switch màu gì trước thì ở thời điểm hiện tại, thị trường gaming gear đặc biệt là mảng bàn phím cơ đang sôi động hơn bao giờ hết.

Từ những thương hiệu lớn và phổ biến như Ducky, Filco hay Leopold thì những hãng sản xuất gaming gear được rất nhiều các bạn trẻ để ý như Steelseries hay Razer cũng góp mặt vào thị trường bàn phím cơ sôi động này. Và sau khoảng 2 – 3 năm xuất hiện thì những chiếc bàn phím cơ được thiết kế ngày càng bắt mắt người dùng hơn, từ chất liệu vỏ đẹp hơn hay thêm những chiếc đèn LED lung linh, và gây ấn tượng với người dùng thì một điều rất quan trọng nữa đó chính là mức giá của những chiếc bàn phím cơ vào năm 2016 đã có rẻ hơn được phần nào so với những năm đầu tiên bàn phím cơ “cập bến” Việt Nam.

Nếu như ở những năm 2012 hay 2013, để tìm được một chiếc bàn phím cơ với mức giá nhỏ hơn 2 triệu đồng thật sự là quá khó nhưng bây giờ thì mọi thứ đã khác, mọi người dùng đều có thể tìm kiếm cho mình một chiếc bàn phím cơ chỉ với …. 600.000 – 700.000 đồng mà thôi. Sự phát triển mạnh mẽ từ các nhà sản xuất bên Trung Quốc với mức giá vô cùng rẻ đã tạo nên một cơn sốt bàn phím cơ, đặc biệt với những học sinh sinh viên không có đủ điều kiện để sắm cho mình một chiếc bàn phím cơ xịn với tiền triệu. Nhưng liệu sử dụng những chiếc bàn phím cơ giá rẻ từ Trung Quốc có thật sự là giải pháp tốt nhất để trải nghiệm bàn phím cơ hay không lại là một vấn đề rất khác.

Rất nhiều thương hiệu như Lingyi, RK-61,… đang rất thu hút các bạn trẻ hiện nay bởi mức giá rẻ của mình, nhưng nếu xét về mặt kinh tế lâu dài, chưa chắc những chiếc bàn phím cơ đến từ Trung Quốc này lại có lợi thế hơn so với những chiếc bàn phím cơ đến từ các hãng như Filco hay Leopold.

Chất lượng build kém

Những chiếc bàn phím cơ giá rẻ đều có một điểm chung đó chính là việc chất liệu sử dụng luôn cho người dùng một cảm giác “hơi lởm” khi nhà sản xuất tiết kiệm hết mức chi phí sản xuất và chọn những linh kiện có mức giá rẻ nhất có thể để gắn kết chúng lại với nhau. Từ vỏ cho đến bảng mạch của mỗi chiếc bàn phím cơ giá rẻ đều làm một cách rất vội vàng và không hề có sự chăm chút đến từ phía nhà sản xuất, khác hẳn so với những chiếc bàn phím cơ mang thương hiệu lớn như Filco,…


Mạch của một chiếc bàn phím LingYi

Mạch của một chiếc bàn phím LingYi


Mạch của bàn phím cơ Filco

Mạch của bàn phím cơ Filco

Một ví dụ rất rõ ràng về sự tỉ mỉ trong khâu thiết kế cũng như sản xuất của Lingyi và Filco.

Thêm vào đó, những chiếc bàn phím cơ giá rẻ hầu hết sử dụng chất liệu nhựa ABS cho những nút phím của mình và điều đó sẽ không thể nào mà tạo ra cảm giác “phê” khi bấm những nút phím nhựa PBT trên những chiếc bàn phím cơ như Leopold. Và điều đó ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến “độ sướng” của bạn khi sử dụng những chiếc bàn phím cơ giá rẻ này.

Sử dụng các loại switch “nhái”

Nếu như hầu hết các hãng sản xuất có tiếng trên thị trường sử dụng switch mang tên Cherry MX hay Topre Switch thì những chiếc bàn phím cơ giá rẻ lại chọn cho mình những switch mang thương hiệu Trung Quốc như Kailh, Outemu, … Về cơ bản thì hầu hết những chiếc switch nhái này đều hoàn thành tốt công việc của mình nhưng tuổi thọ của chúng lại không được như hàng xịn là Cherry MX, để dễ hiểu hơn thì nếu như Cherry MX bấm được 50 triệu lần thì Outemu, Kailh sẽ chỉ nhấn được khoảng 25 – 30 triệu lần mà thôi.

Nếu là một người dùng hay thay đổi gaming gear thì đây không phải là một vấn đề quá lớn, nhưng nếu bạn là một người muốn sử dụng trong một tương lai dài thì những chiếc bàn phím cơ giá rẻ không thật sự là một sự lựa chọn xứng đáng đối với bạn.

Dành cho người mới chơi

Mặc dù chất lượng sản phẩm kém và sử dụng những chiếc switch mang thương hiệu Trung Quốc thì những chiếc bàn phím cơ giá rẻ lại là một trong những sản phẩm dành cho những người mới biết đến thứ gọi là “bàn phím cơ” và không muốn bỏ ra quá nhiều tiền để trải nghiệm món đồ công nghệ này. Thêm vào đó, những chiếc bàn phím cơ giá rẻ không hẳn là quá tệ, chúng gần giống như những chiếc bàn phím cơ có tiếng trên thị trường và việc trải nghiệm cũng tương đối là giống với những Filco hay Leopold.

Bài viết này hoàn toàn không có mục đích ngăn cản các bạn game thủ có túi tiền eo hẹp tìm đến bàn phím cơ giá rẻ. Dĩ nhiên với một mức giá chỉ khoảng 600 nghìn – 1 triệu đồng, những chiếc bàn phím cơ giá rẻ sẽ đặc biệt phù hợp với những ai đang sử dụng bàn phím cao su, giả cơ mà muốn thử cảm giác được cầm trên tay những chiếc bàn phím cơ hay những tiếng lách cách lúc gõ phím thì những Lingyi, RK-61 hay Viewsonic sẽ là những sự lựa chọn “không thể chối từ” đối với bạn.

Nhưng nếu có điều kiện, hãy sắm cho mình một chiếc bàn phím cơ đến từ các hãng như Leopold, Filco, Ducky hay iKBC và chúng tôi tin rằng bạn sẽ cảm thấy thích thú hơn rất nhiều so với những chiếc bàn phím cơ giá rẻ kia.

Chúc các bạn tìm được cho mình một chiếc bàn phím chiến game ưng ý!