Như vậy là không còn chỉ là những lời "khuyến cáo", bắt đầu từ thứ Tư hôm nay, Microsoft sẽ chính thức ngừng hỗ trợ Windows XP, hệ điều hành vốn đã có tuổi đời 12 năm của họ. Không còn có bất kì sự hỗ trợ kỹ thuật, không một bản cập nhật sửa lỗi bảo mật...nào được Microsoft phát hành cho hệ điều hành này nữa. Thế nhưng trong mắt người dùng, Windows XP vẫn là một huyền thoại, và lời báo tử của Microsoft chưa hẳn đã đồng nghĩa với việc không ai còn dùng tới hệ điều hành này.
Đối với không ít game thủ trên toàn thế giới nói riêng lẫn người dùng PC nói chung, đây là một tin tức không quá đáng buồn nhưng chắc chắn cũng gây cảm xúc bồi hồi. Nên biết rằng cùng với sự thăng hoa của Windows XP cũng là thời kỳ game nở rộ về cả số lượng lẫn chất lượng, với hàng loạt cải tiến quan trọng. Ngày nay mặc dù Windows 7 và Windows 8 đã thay thế, nhưng các tựa game PC thời kỳ này chưa có nhiều đột phá mới lạ.
Vào ngày 24/8/2001, bản Buid 2600 của Windows XP được phát hành tới các nhà sản xuất. Không lâu sau đó, ngày 25/10, Windows XP chính thức lên kệ và đến tay người dùng. Cho tới 12 năm sau đó, theo thống kê mới nhất của Net Application cho thấy máy tính trên toàn thế giới sử dụng nó. Trong suốt quãng thời gian này, Microsoft đã tung ra tất cả 3 bản Update lớn cho XP, bao gồm Service Pack 1 (tháng 9/2002 - bổ sung hỗ trợ USB 2.0, cố định chương trình mở 1 ứng dụng nào đó...); Service Pack 2 (tháng 8/2004 - cải tiến hỗ trợ WiFi để đáp ứng nhu cầu sử dụng laptop trong thời điểm này); và cuối cùng là Service Pack 3 (tháng 5/2008 - sửa lỗi, bổ sung 1 số tính năng mới).
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thành công vang dội của Windows XP. Microsoft đã khôn ngoan giữ lại nhiều thành phần giống với người tiền nhiệm của nó - Windows 95 - như menu start, thanh taskbar, hình nền..., yêu cầu phần cứng không quá cao, hỗ trợ trình điều khiển tốt...đã giúp Microsoft thuyết phục được khách hàng của họ chuyển sang HĐH mới. 2 tháng sau khi phát hành, Microsoft đã bán được 17 triệu bản quyền XP. Đến năm 2006, IDC cho biết có tới hơn 400 triệu bản quyền Windows XP được sử dụng trên toàn thế giới.
Hơn 5 năm sau khi phát hành XP, Microsoft ra mắt thế hệ Windows mới với tên gọi Vista. Tuy nhiên, lúc này người dùng đã "đào hào, cố thủ" với Windows XP của họ; cộng thêm với hàng loạt những điểm yếu của Vista như vấn đề tương thích phần mềm, yêu cầu phần cứng cao...càng làm cho XP trở nên phổ biến. "XP là minh chứng cho 1 HĐH đã đủ tốt" - chuyên gia về IT Rupert Goodwins, nhận xét.
"Vì sao phải chuyển sang HĐH mới khi mà XP đang chạy rất tốt, còn nâng cấp HĐH đồng nghĩa với việc bạn phải tìm hiểu lại mọi thứ từ đầu, đó là chưa kể có thể bạn sẽ phải mua lại hàng loạt phiên bản phần mềm mới vốn đang tương thích với XP nhưng lại không chạy được trên Vista. Với các doanh nghiệp thì họ còn phải kiểm tra lại tất cả các ứng dụng của mình, rồi tốn nguồn lực để đào tạo nhân viên, liệu ai lại dại dột đi làm điều đó".
Việc Microsoft khai tử Windows XP có ý nghĩa gì?
Với việc Microsoft chính thức công bố ngừng hỗ trợ cho HĐH này có thể khiến nhiều người dùng, đặc biệt là những người không quá am hiểu về công nghệ, hiểu nhầm. Có người nghĩ rằng quyết định trên đồng nghĩa với việc máy tính chạy Windows XP của họ sẽ ngừng hoạt động, bản cài đặt sẽ "đột ngột" biến mất và họ sẽ phải nâng cấp lên HĐH khác.
Tuy nhiên, những cách hiểu trên là hoàn toàn sai. Sẽ không có chuyện máy tính của bạn đột nhiên ngừng hoạt động. Bạn vẫn có thể sử dụng máy như trước đây, với đầy đủ các tính năng và các chương trình mà bạn đã quen dùng. Việc Microsoft ngừng hỗ trợ chỉ đồng nghĩa với việc kể từ 8/4, người dùng Windows XP sẽ không còn được cung cấp các bản vá lỗi bảo mật, sửa lỗi tương thích, hay các update khác...từ Microsoft nữa mà thôi. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ các máy tính chạy Windows XP sẽ dễ bị hacker tấn công hơn bởi các lỗ hổng bảo mật không còn được Microsoft quan tâm, hỗ trợ nữa.
Viễn cảnh nào cho Windows XP sau 8/4?
Mặc dù đã chính thức bị Microsoft "ruồng bỏ", nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Windows XP sẽ biến mất trong một sớm một chiều. Thống kê thị phần của Net Applications nói trên là một minh chứng. Tất nhiên so với thị phần ở mốc thống trị thị trường cách đây 2 năm (46% máy tính vẫn dùng XP tính đến tháng 1/2012), thì Windows XP đã bị tụt giảm đáng kể, thế nhưng gần 30% vẫn là một con số lớn và con số này nhiều khả năng vẫn sẽ được duy trì trong thời gian tới. Chúng ta hãy thử nhìn vào viễn cảnh của HĐH này để chứng minh cho nhận định trên.
- Các doanh nghiệp:
Không có một con số thống kê nào nói cụ thể về số lượng XP được dùng trong các công ty, doanh nghiệp, nhưng rõ ràng đây là đối tượng khách hàng vẫn đang sử dụng Windows XP nhiều nhất hiện nay. Một người dùng cá nhân có thể nâng cấp HĐH mới mà không gặp phải quá nhiều trở ngại, nhưng với các doanh nghiệp thì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Khi nâng cấp HĐH, các doanh nghiệp lớn sẽ phải huấn luyện lại cách sử dụng cho hàng chục nghìn nhân viên của họ. Họ phải tiến hành hàng loạt thử nghiệm để xem các phần mềm và phần cứng hiện tại của mình có tương thích với HĐH mới hay không...rất nhiều công việc cần phải làm và chúng rất tốn thời gian, nguồn lực của họ. Với các doanh nghiệp nhỏ, rất có thể họ còn không có bộ phận chuyên lo liệu các công việc về IT và rồi họ phải tự mày mò để nâng cấp. Đó là chưa kể những doanh nghiệp vốn sử dụng các phần mềm và phần cứng chuyên dụng.
Nhiều bệnh viện, ngân hàng...trên thế giới hiện nay đang sử dụng các trang thiết bị được "gắn chặt" với 1 phiên bản Windows nhất định (các máy ATM là 1 minh chứng, với khoảng 95% máy ATM vẫn dùng XP). Với các doanh nghiệp này, việc nâng cấp HĐH thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn. Nói tóm lại, việc thay XP bằng 1 HĐH mới giống như 1 chuyến "chuyển nhà" lớn mà không phải ai cũng hứng thú.
- Người dùng cá nhân
Mặc dù chiếm số ít hơn so với đối tượng doanh nghiệp, nhưng cũng có một bộ phận người dùng cá nhân không màng nâng cấp HĐH. Hiện nay, lượng người dùng các phiên bản Windows lậu chiếm một số lượng không hề ít. Số lượng này tập trung chủ yếu ở thị trường các nước đang phát triển, mà Việt Nam chúng ta cũng là một trong số đó. Đối với họ, các bản update bảo mật, bản vá lỗi...của Microsoft từ lâu dường như không có quá nhiều ý nghĩa. Bởi vậy, công bố của hãng phần mềm cũng không làm họ quá bận tâm.
- Microsoft vẫn mở rộng hỗ trợ Windows XP
Mặc dù chính Microsoft tuyên bố ngừng hỗ trợ Windows XP, nhưng điều đó không đồng nghĩa là họ hoàn toàn bỏ rơi nó. Bên trong, Microsoft vẫn đang âm thầm kí kết các thỏa thuận để mở rộng, tăng thêm thời gian hỗ trợ cho các khách hàng của mình, đặc biệt là đối với Chính phủ của các quốc gia. Một báo cáo mới đây cho biết Microsoft đã đồng ý tiếp tục hỗ trợ Windows XP cho Chính phủ ở Hà Lan và Anh.
Theo trang ComputerWeekly, Chính phủ Anh đã đồng ý trả cho Microsoft gần 9,1 triệu USD để hãng tiếp tục hỗ trợ Windows XP, Office 2003, và Exchange 2003; trong khi đó, Chính phủ Hà Lan cũng đồng ý trả cho Microsoft hàng triệu USD để hỗ trợ cho khoảng 30.000 máy tính vẫn đang chạy HĐH này. Và rất có thể sẽ còn nhiều "thỏa thuận ngầm" tương tự nữa nhưng không được công khai với truyền thông.
Tạm kết
Windows XP đã có một chặng đường đầy thành công và không quá lời khi người ta gọi nó là một "huyền thoại". Ngày nay, HĐH máy tính có thể không còn giữ một vai trò quan trọng trong trải nghiệm công nghệ hàng ngày của chúng ta nữa (với sự xuất hiện của các HĐH di động Android, iOS, Windows Phone, cùng các dịch vụ nền web khác), nhưng có thể khẳng định rằng Windows XP là một HĐH đã có vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử và có thể chúng ta sẽ không thể chứng kiến 1 HĐH nào quan trọng như nó xuất hiện nữa.