Dùng thử Alienware Steam Machine - Lạ nhưng liệu có hay?

HakieS  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/11/2015 03:02 PM

Nếu như là một người ưa thích chơi game trên PC thì Alienware Steam Machine hoàn toàn là một sự lựa chọn khá xứng đáng dành cho bạn

Khi mà Steam trở thành hệ thống phổ biến nhất trong cộng đồng game thủ khi có đến 100 triệu người sử dụng thì Valve – công ty mẹ của hệ thống Steam đã quyết định nâng tầm hệ thống này không chỉ dừng lại ở phần mềm mà còn ở phần cứng cũng như hệ điều hành mới cạnh tranh với Sony, Nintendo hay là Microsoft và để làm được điều này, họ đã hợp tác cùng với Dell/Alienware để sản xuất ra một “siêu phẩm” mới mang tên Alienware Steam Machine.

Alienware Steam Machine là một sản phẩm được cho là sự kết hợp giữa PC và console khi dễ dàng thay thế linh kiện như PC mà lại có tay cầm và tiện lợi mang vác như console. Cùng với đó là hệ điều hành Steam OS do chính tay các lập trình viên của Valve tạo ra để đưa cỗ máy này trở nên đặc biệt không giống bất kỳ một hệ thống chơi game nào từng xuất hiện trên thế giới. Đây là một bước đi khá đột phá của Valve nhưng có lẽ họ vẫn cần thêm một chút thời gian nếu như muốn đem sản phẩm này ra thị trường thế giới.

Alienware Steam Machine là gì?

Valve muốn đem đến cho các game thủ PC những trải nghiệm mới, đặc biệt là những game thủ trung thành của hệ thống Steam những trải nghiệm vô cùng mới với việc chơi game trên PC thay vì ở trong phòng ngủ, phòng làm việc mà bạn sẽ ngồi chơi ở phòng khách, giống như chơi ở một hệ thống console như PS4 hay Xbox One vậy.

Kết hợp cùng với một trong những nhà sản xuất laptop gaming vô cùng nổi tiếng là Alienware, Valve đang cho thấy những bước đi đúng đắn khi đặt niềm tin vào Alienware, một sự kết hợp giữa chất lượng của cả phần cứng lẫn phần mềm mà Alienware Steam Machine chính là sản phẩm đầu tiên của sự kết hợp ấy.

Không còn ổ đĩa như các hệ máy console đang có trên thị trường, Valve đang tự tin rằng hệ thống Steam của mình đang sở hữu số lượng game có thể làm cho game thủ không thể cảm thấy chán. Nếu như cách đây một vài năm một hệ thống máy tính hay console mà không có ổ đĩa thì đúng là điên rồ nhưng ở thời buổi công nghệ hiện đại như ngày nay, mọi thứ đều có thể tải trên mạng và đặc biệt là những tựa game mới và Steam chính là nơi sở hữu số lượng game lớn nhất trên Internet hiện nay.

Alienware Steam Machine dành cho ai?

Game thủ, chắc chắn là game thủ vì đây là đối tượng chính mà Valve hướng đến khi sản xuất ra cỗ máy chơi game này. Steam Machine cũng không giống với những console như Wii, nơi mà những người gần như không biết chút nào về game cũng có thể cầm trên tay chiếc remote vẩy qua vẩy lại như vậy. Steam Machine sinh ra để dành cho những game thủ “hardcore” và đặc biệt là những game thủ của hệ máy PC.

Nếu như bạn đã bỏ một số tiền và thời gian khá lớn để đầu tư vào game cũng như có cho mình một tài khoản trên hệ thống Steam thì Steam Machine sẽ là một sự lựa chọn đáng suy nghĩ nếu bạn có ý định mua máy console.

Thiết kế

Đầu tiên phải nói đến hình thức bên ngoài của chiếc máy Alienware Steam Machine, khá đẹp và phù hợp với xu thế thiết kế hiện nay trên thế giới đó là đơn giản, sắc nét và góc cạnh. Đặt bên cạnh một chiếc TV hay một chiếc máy console khác như PS4 thì Steam Machine thật sự nổi bật bởi hình thức bên ngoài của nó. Kích thước tương đương với Wii và nặng gần 2kg, quá nhẹ và bé so với cả console lẫn một chiếc máy PC. Steam Machine cũng không gây ồn ào khi không sử dụng quạt tản nhiệt nhưng vẫn giữ được sự mát mẻ cho các linh kiện bên trong.

Tiếp theo, chiếc tay cầm đi kèm với Alienware Steam Machine. Nó khá vừa vặn với tay của tôi và thiết kế của chiếc tay cầm này giống như một sự pha trộn hoàn hảo giữa tay cầm của Xbox và Playstation. Bạn sẽ thấy 4 phím LB/RB, LT/RT cũng như núm analog và phím ABXY xuất hiện trên tay cầm. Sự khác biệt đó chính là hai trackpad vô cùng lớn thay vì phím D-pad hay analog như ở các tay cầm của hệ máy console.

Cuối cùng, cổng nguồn, LAN, HDMI và USB ở phía sau trong khi đó ở mặt trước là sự xuất hiện của logo Steam và Alienware và thú vị là bạn cũng có thể chỉnh màu led của hai logo này thành 7 sắc cầu vồng hoặc bất cứ màu gì tùy thích trong phần cài đặt.

Sử dụng

Bạn chỉ mất khoảng 5 – 10 phút thiết lập tài khoản, tay cầm cũng như làm quen với hệ điều hành Steam OS ở trên chiếc máy này, nó giống như bạn để chế độ “Big Picture Mode” ở Steam trên PC vậy. Library của bạn sẽ hiện ra với tất cả những tựa game bạn đã sở hữu và bạn cũng có thể mua một tựa game mới, giống như ở trên PC, không khác một chút nào hết.

Hiện tại thì trên Steam đang có khoảng 6.000 trò chơi và có một số không hề ít không chơi được với tay cầm, điều đó có nghĩa là những trò chơi này chỉ nhận bàn phím và chuột. Nhưng với chiếc tay cầm độc đáo kia thì mọi vấn đề đã được giải quyết, bạn có thể thiết lập lại phím trên chiếc tay cầm kia bằng những phím xuất hiện trên bàn phím máy tính thông thường.

Các bạn sẽ hỏi 2 trackpad kia để làm gì thì câu trả lời đó chính là “con chuột” của Steam Machine. Còn nếu bạn muốn chat hay gõ chữ thì hai trackpad này sẽ chia bàn phím thành hai phần và mỗi trackpad sẽ phụ trách một nửa, lướt nhẹ ngón tay như sử dụng cảm ứng trên điện thoại và bấm một lực vừa phải để xác nhận phím, lúc mới sử dụng tôi khá lúng túng khi gõ phím qua chiếc tay cầm này nhưng chỉ cần vài giờ đồng hồ để làm quen thì chí ít tôi cũng có thể “chém gió” với bạn bè trên facebook mà gõ phím thông qua chiếc tay cầm này.

Trò chơi đầu tiên tôi chơi trên chiếc máy Steam Machine này là Cave Story, một game 2D đi cảnh khá cổ điển mà được bán trên Steam từ năm 2011. Không mất quá 3 phút để thiết lập tay cầm để sẵn sàng cho trò chơi này và … tôi thật sự thích khi sử dụng Steam Machine kết nối với TV thay vì sử dụng PC. Nếu như chơi ở trên PC với bàn phím và chuột thì hai phím Z và X sẽ lần lượt là nhảy và bắn. Nhưng nếu như sử dụng tay cầm giống như chiếc Steam Controller này thì cảm giác sẽ tuyệt hơn rất nhiều, nó giống như đưa tôi trở lại tuổi thơ với tựa game Metroid ở trên hệ máy NES vậy.

Ngoài ra còn rất nhiều tựa game được thiết kế riêng cho máy Steam Machine này mà đặc biệt đòi hỏi sự xuất hiện của chiếc tay cầm Steam Controller. Ví dụ Screencheat, một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất mang đồ họa kiểu hoạt hình và nằm trong gói đi kèm với Steam Machine. Sử dụng trackpad bên trái để di chuyển và trackpad bên phải để điều khiển tâm sẽ thú vị hơn việc dùng hai analog như ở trên các tay cầm bình thường phải không các bạn?

Hầu hết những tựa game tôi trải nghiệm qua thì không có lỗi sụt frame hay lỗi kết nối, mọi thứ đều khá ổn định và hoạt động bình thường. Có một điểm đó chính là … sử dụng Steam Machine kết nối với TV thật sự “kích thích” hơn việc ngồi trước màn hình máy tính.

Còn về cộng đồng Steam thì sao, giống với việc bạn bấm “Shift+Tab” trên PC để hiển thị bảng tin nhắn, danh sách bạn bè rồi những bài review, …. thì ở trên Steam Machine việc bạn cần làm chỉ đơn giản là bấm vào nút có hình logo Steam trên tay cầm, giống với các hệ máy console khác như Xbox One, PS4 hay Wii.

Điều cuối cùng tôi muốn nói đó là nếu như bạn đang dùng hệ điều hành Window trên PC thì bạn cũng có thể stream game trực tiếp từ Steam Machine lên TV chỉ thông qua một nút bấm mà thôi. Còn với hệ điều hành Mac thì Valve cho biết họ sẽ sớm đưa tính năng này đến với những người sử dụng hệ điều hành Mac trong thời gian sắp tới. 6.000 trò chơi đang chờ bạn ở trên SteamOS nếu như bạn có đủ thời gian và … dung lượng ổ cứng để chứa hết số lượng này.

Kết luận

Không giống với bất kỳ một hệ máy console nào trên thị trường, Steam Machine cho phép bạn làm mọi thứ giống như ở trên chiếc máy PC nhà bạn nhưng bằng một hình thức khác, mới lạ hơn rất nhiều so với việc sử dụng chuột và bàn phím. Tinh chỉnh tay cầm, đọc một bài review hay một tin tức mới về tựa game mà bạn yêu thích và quay lại trò chơi chỉ bằng một nút bấm. Theo quan điểm cá nhân của tôi thì đây là một điểm mà Valve đã thành công khi đưa ra sản phẩm này.

Không thể không nói đến chiếc tay cầm, tôi thật sự rất thích nó từ thiết kế cho đến cách sử dụng đều vô cùng hay ho và thú vị với những game thủ thường hay sử dụng bàn phím với chuột như tôi. Những tựa game được làm cho PC giờ đây cũng có thể chơi như ở console với chiếc tay cầm này hay việc “bay bổng” cùng với hai trackpad khi chơi những tựa game bắn súng, đua xe. Thật sự phải nói đây là điểm nhấn thứ hai của Valve khi mang đến cho game thủ một sản phẩm như Steam Machine.

Nhưng Steam Machine vẫn không phải là một sự kết hợp hoàn hảo giữa PC và console, hệ điều hành SteamOS quá giống với hệ điều hành Window trên PC nhưng lại mang hơi hướng của console, quá lằng nhằng trong quá trình bật máy và hơi bị nhiều chữ quá đà trong các ứng dụng. Hy vọng ở những bản cập nhật hệ điều hành sắp tới thì SteamOS sẽ mang đến một niềm hy vọng mới, ít nhất là cho cá nhân tôi.

Còn một điều nữa mà tôi không thích lắm khi sử dụng Steam Machine đó chính là việc chiếc máy này cùng với hệ điều hành SteamOS quá khó khăn để cài lại những tựa game cũ mà tôi đã cài trên PC. Để nói cho các bạn dễ hiểu hơn thì khi bạn cài lại những tựa game cũ trên chiếc máy mới này thì những file save của bạn đều không được đi cùng, nghĩa là bạn sẽ phải chơi lại từ đầu.

Có những tựa game mà tôi đã chơi đến 200 – 300 tiếng và bây giờ Valve bắt tôi chơi lại từ đầu. Ngoài ra thì trong số 6.000 tựa game đang có mặt trên hệ thống Steam thì chỉ có khoảng 1.500 tựa game là tương thích với Steam Machine mà thôi, đây là một con số không hề nhỏ nhưng có một số tựa game mới xuất hiện và tôi khá thích nhưng câu trả lời của SteamOS khi cài đặt vào đó chính là “NOT ON SteamOS”.

Tóm lại, nếu như là một người ưa thích chơi game trên PC, đặc biệt là người dùng lâu năm của hệ thống Steam và muốn có một trải nghiệm hoàn toàn mới thì Alienware Steam Machine hoàn toàn là một sự lựa chọn khá xứng đáng dành cho bạn. Còn nếu không thì hãy suy nghĩ đến các dòng máy console khác như PS4 hay Xbox One. Và giá của chiếc Alienware Steam Machine này cũng không hề dễ chịu một chút nào khi phiên bản rẻ nhất của chiếc máy này cũng đắt hơn những dòng máy console khác như PS4 hay Xbox One từ 2 – 3 triệu Đồng.

Bốn cấu hình cơ bản của Alienware Steam Machine từ phiên bản thấp nhất đến phiên bản cao nhất:

Alienware Steam Machine A

CPU: Intel Core i3 Dual-Core

GPU: NVIDIA Geforce GTX - 2GB GDDR5

RAM: 4GB DDR3L 1600MHz

HDD: 500GB

Alienware Steam Machine B

CPU: Intel Core i3 Dual-Core

GPU: NVIDIA Geforce GTX - 2GB GDDR5

RAM: 8GB 1600MHz (Dual Channel)

HDD: 1TB

Alienware Steam Machine C

CPU: Intel Core i5 Quad-Core

GPU: NVIDIA Geforce GTX - 2GB GDDR5

RAM: 8GB 1600MHz (Dual Channel)

HDD: 1TB

Alienware Steam Machine D

CPU: Intel Core i7 Quad-Core

GPU: NVIDIA Geforce GTX - 2GB GDDR5

RAM: 8GB 1600MHz (Dual Channel)

HDD: 2TB