Điểm mặt 5 laptop chơi game khủng game thủ Việt có thể dễ dàng tìm mua

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/02/2016 03:57 PM

Những sản phẩm laptop chơi game đã có mặt tại thị trường Việt Nam, cho phép game thủ dễ dàng bỏ tiền ra sở hữu

Alienware 17 R3

Bên cạnh mẫu Alienware 15 thì Dell cũng tiếp tục khuấy động giới game thủ với một ứng viên nặng ký khác trong phân khúc laptop chơi game là Alienware 17 R3. Cấu hình phần cứng sản phẩm mạnh không kém máy tính để bàn với màn hình 17,3 inch, bộ xử lý Skylake Core i7-6700HQ, card đồ họa rời GeForce GTX 970M và có đến hai khe M.2 hỗ trợ SSD chạy ở chế độ RAID 0.

Trong khi Alienware 13 được xem là đại diện cho nhóm sản phẩm chuyên game di động với chip dòng U (ultra low voltage) tiết kiệm năng lượng và nhẹ chỉ 2,06 kg thì Alienware 17 R3 thể hiện giá trị qua cấu hình phần cứng mạnh nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu người dùng.

Ngoài ra, mẫu laptop của Dell cũng ấn tượng không kém về kích cỡ (43 x 29,2 x 3,4cm) và nặng đến 3,78kg, tức chỉ kém một chút so với mẫu MSI GT70 mà chúng tôi từng thử nghiệm. Sản phẩm có thiết kế đẹp, vẻ ngoài được cách điệu từ nguyên mẫu xe đua với hai đèn pha là hai loa cách điệu ở phía trước, trên nắp máy là logo Alienware đặc trưng cùng hệ thống đèn nền LED mang lại hiệu ứng ấn tượng khi sử dụng vào buổi tối.

Lớp vỏ ngoài bằng hợp kim nhôm vân xước tăng khả năng chống trầy và ít để lại dấu vân tay. Phần thân trong và vùng đệm kê tay chất liệu sợi cardbon phủ thêm lớp nhựa mềm bên ngoài, mang lại cảm giác êm, dễ chịu khi sử dụng. Chân đế cao su loại lớn không chỉ hấp thụ chấn động và chống trượt tốt hơn mà còn giúp nâng máy cao hơn, tạo độ hở với mặt bàn để luồng không khí dễ dàng đi vào làm mát các linh kiện phần cứng bên trong.

Asus RoG G752

G752 là phiên bản nâng cấp của G751 và có thể nói là nó thay thế rất sớm G751 bởi chiếc máy chơi game dòng RoG này chỉ vừa được bán ra tại Việt Nam. So với G751 thì G752 đã được ASUS thiết kế lại rất nhiều, ngoại thất đến nội thất và nó thực sự hút mắt hơn so với phiên bản G751.

Nắp máy được làm bằng một tấm nhôm phay xước màu bạc hơi cam khác hẳn với kiểu hoàn thiện phủ mềm soft-touch trên G751 hay G750. Chất liệu này khiến chiếc máy trông cao cấp hơn và cũng bền hơn so với lớp phủ kiểu cũ thường sẽ bị bong qua thời gian sử dụng. Phần kim loại màu xám trên G751 cũng đã được loại bỏ, logo ASUS RoG kiểu cũ cũng không còn hiện hữu mà thay vào đó là 2 dải đèn LED tạo điểm nhấn và logo ASUS RoG đơn giản, lớn hơn, mạ chrome.​

Phần gù bản lề và hốc tản nhiệt là điểm mới đáng chú ý nhất trên chiếc máy này. Có lẽ ASUS không còn lấy ý tưởng từ chiến đấu cơ F-22 Raptor nữa mà chuyển sang lấy ý tưởng từ một chiếc phi thuyền không gian. Do đó, toàn bộ cụm gù bản lề và tản nhiệt 2 ống xả cỡ lớn trước đây đã được làm liền khối. Hốc tản nhiệt dẹt hơn gồm nhiều lá nhựa cứng hướng luồng nhiệt ra ngoài. Toàn bộ phần này được bao bọc với 1 lớp kim loại cùng màu với nắp máy, lớp bên dưới bằng nhựa. Ngoài ra ASUS cũng dùng một miếng kim loại màu cam đồng có khắc dòng chữ "Republic of gamers" thay vào vị trí bù bản lề cũ. Với kiểu thiết kế này thì nhìn từ phía sau, G752 trông không hầm hố như G751 nhưng lại có cảm giác thanh thoát và mỏng hơn.​

​Chuyển đến các cạnh máy, G752 được trang bị nhiều cổng kết nối cao cấp, số lượng các cổng tương tự G751 chỉ khác là có thêm 1 cổng USB-C 3.1 hỗ trợ Thunderbolt 3. Cạnh phải gồm 3 cổng âm thanh (1 tai nghe, 1 mic, 1 SPDIF), USB-C, 2 x USB 3.0, miniDisplayPort, HDMI và LAN. Cạnh tái gồm 2 x USB 3.0, ổ đĩa Blu-ray và khe đọc thẻ SD. Nhìn ở cạnh máy thì có vẻ như G752 mỏng hơn 1 chút so với G751 nhưng nhìn chung vẫn giữ độ dày điển hình của dòng máy chơi game hạng nặng.

​Dưới đáy máy thì G752 được thiết kế đẹp hơn, ASUS chia thành 2 layout gồm 1 miếng ốp bằng nhựa có thể tháo ra để nâng cấp phần cứng và 1 miếng ốp bằng nhựa trong mờ có logo RoG để bạn có thể nhìn thấy 2 quạt tản nhiệt và 4 ống đồng dẫn nhiệt từ CPU và GPU. Dưới đáy máy còn có 1 loa Sub Sonic Master Woofer, các loa còn lại đặt sau bản lề. Đáy máy cũng được hãng trau chuốt nhiều hơn với các đường khắc hiện đại, mang hơi hướng ngoài hành tinh.

Acer Predator 17

Predator 17 mang một thiết kế hầm hố quen thuộc của dòng laptop gaming nhưng cũng mang nhiều điểm đặc trưng của Acer. Acer rất thích sử dụng lớp phủ soft-touch (phủ nhung hay cao su) trên nhiều sản phẩm của mình và với Predator, hãng cũng dùng chất liệu tương tự để hoàn thiện máy. Nắp máy được làm rất chắc chắn, hình bát giác và được phủ soft-touch.

Chính giữa tấm nắp máy là logo Predator được thiết kế lại với khuôn mặt của quái thú (trước đây logo chữ P cách điệu), mạ chrome, có đèn nền LED đỏ kèm theo đó là 2 dải đèn 2 bên tạo điểm nhấn và tăng vẻ dữ tợn cho máy. Ban đầu mình nghĩ rằng bên dưới lớp phủ soft-touch là một tấm nhôm, tương tự như kiểu hoàn thiện của ASUS nhưng theo thông tin mình có từ Acer thì nắp máy được làm bằng 2 loại vật liệu gồm nhựa polycarbonate (kiểu như vỏ của điện thoại Lumia) và sợi thủy tinh (chiếm 40%, tạo thành lớp mỏng khoảng 2 ly).

Với việc sử dụng chất liệu sợi thủy tinh thì Predator 17 có trọng lượng chưa đến 4 kg, ngang ngửa MSI GT72 Dominator Pro và nhẹ hơn vài trăm gram so với ASUS RoG G751 và Dell Alienware 17 (2014), nặng hơn Alienware 17 (2015). Thêm vào đó, sợi thủy tinh là một chất liệu rất bền và cứng, nó không dễ bị cong khi chúng ta đè mạnh như nhôm.

Bản lề máy được thiết kế dạng lồi cho góc mở rộng và khá chắc chắn. Phần bản lề này được thiết kế khá đơn giản ở mặt ngoài và gắn liền với hệ thống tản nhiệt. Đây cũng là một điểm nhận dạng giữa những chiếc laptop chơi game trên thị trường hiện nay, nếu như ASUS RoG thiết kế tản nhiệt dạng 2 ống xả phản lực lấy ý tưởng từ máy bay F22 Raptor, Alienware cũng tương tự thì Predator 17 lại có thiết kế tản nhiệt khá lạ mắt dạng tổ ong. Thiết kế này nhìn lạ mắt nhưng cá nhân mình thấy nó chưa ấn tượng.

Bên trong nắp máy là màn hình 17", thiết kế viền màn hình cổ điển với viền nhựa dày kèm các gờ ngăn màn hình tiếp xúc với bàn phím khi đóng lại. Điểm nhấn đáng chú ý trên thiết kế viền màn hình là cụm webcam, nó được đặt trong một tấm kính hoàn thiện khá tốt. Viền dưới màn hình có logo Predator mạ chrome và viền này dày hơn hẳn so với viền trên, nhìn hơi mất cân đối. Từ màn hình nhìn xuống, Acer đã tích hợp hệ thống đèn tín hiệu vào gù bản lề, một dải trong suốt chạy dọc theo bản lề, khá đẹp mắt và hiện đại.

MSI Ghost Pro GS60 6QE

Ghost Pro GS60 của MSI có thiết kế mỏng nhẹ tương đương laptop tiêu chuẩn với độ mỏng chỉ 19,9mm và cân nặng 1,9kg, thích hợp cho những chuyến đi du đấu cùng bạn bè. Sản phẩm cũng được đánh giá cao khi trang bị cấu hình phần cứng mạnh không kém máy tính để bàn, hệ thống lưu trữ kết hợp giữa SSD và cả ổ cứng truyền thống cho nhu cầu lưu trữ nội dung game, phim ảnh độ nét cao.

Điều này khác hoàn toàn với định kiến của nhiều người dùng về laptop cho game thủ là phải hầm hố và nặng nề. Thực tế những năm gần đây cho thấy thiết kế dòng sản phẩm chuyên biệt này đã có nhiều thay đổi đáng kể, kích cỡ mỏng nhẹ thậm chí không hề kém nhóm siêu di động nhưng có hiệu năng đủ mạnh để đáp ứng tốt cả trong công việc lẫn nhu cầu giải trí di động. Điểm đáng tiếc Ghost Pro GS60 là thời lượng dùng pin thực tế dưới mức trung bình và có giá đến 45 triệu đồng, cao hơn so với một số mẫu laptop cấu hình tương đương mà chúng tôi từng thử nghiệm.

Ghost Pro GS60 có thiết kế khá đẹp, kiểu dáng thể thao cùng những đường nét mạnh mẽ. Trên nắp lưng máy là logo đặc trưng của dòng Gaming cùng hệ thống đèn nền LED mang lại hiệu ứng ấn tượng khi sử dụng vào ban đêm. Lớp vỏ ngoài bằng hợp kim nhôm vân xước có khả năng chống trầy và ít để lại dấu vân tay.

Điểm cộng trong thiết kế sản phẩm là hệ thống làm mát card đồ họa và bộ xử lý thiết kế riêng biệt giúp việc tản nhiệt hiệu quả và giảm thiểu tiếng ồn khi hoạt động. Phần thân trong và vùng đệm kê tay cũng sử dụng chất liệu hợp kim nhôm nhằm tăng khả năng tản nhiệt trong khi chân đế cao su loại lớn hấp thụ chấn động và chống trượt tốt hơn.

Về phần âm thanh của máy chỉ ở mức trung bình, âm lượng lớn nhưng độ chi tiết kém, dải tần hẹp và mỏng không đủ “lực” để thể hiện tốt các hiệu ứng âm thanh, vốn được nhà sản xuất game chăm chút không kém so với phần hình ảnh. Trong trường hợp này, việc trang bị thêm một tai nghe (headphone) loại tốt là lựa chọn cần thiết.