Đâu rồi những máy chơi game tương lai?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 16/09/2013 0:00 AM

Onlive, Ouya, Nvidia SHIELD...những hệ máy console "gây sóng" khi mới ra mắt giờ này đang "đi đâu về đâu"?

Nếu như trước đây, nói về hệ máy console (tạm dịch: Máy chơi game tay cầm), người ta thường nghĩ ngay tới những sản phẩm của các ông lớn gồm Xbox của Microsoft, PS (PlayStation) của Sony, thì trong vài năm trở lại đây, một loạt những hãng mới nổi cũng đã nhảy vào cạnh tranh thị phần.


Dù các console này được phát triển từ nhiều phương thức khác nhau, cách tiếp cận có phần khác nhau, thế nhưng một điểm chung đó là khi ra mắt, chúng được cộng đồng rất mong đợi và hầu hết các sản phẩm đều gây được tiếng vang. Đó là vì chúng hứa hẹn sẽ mang tới những trải nghiệm game mới mẻ hơn cho người dùng. Thế nhưng sau một thời gian phát triển, những sản phẩm này đang đứng ở đâu trong mắt người dùng. Trong bài viết này chúng ta hãy thử cùng nhìn lại để thử nhìn nhận tương lai của chúng.


Ouya


Đâu rồi những máy chơi game tương lai? 1


Ouya nổi tiếng là dự án thành công nhất trong lịch sử của nguồn góp quỹ Kickstarter (một nguồn góp vốn từ cộng đồng) với hàng triệu USD được người chơi đóng góp. Cho tới nay, Ouya vẫn là console nhận được rất nhiều chú ý hiện nay. Dù được xây dựng trên nền tảng di động, đồ họa bạn trải nghiệm trên console này sẽ không thể sánh được với những Xbox, PS...Nhưng ới giá thành chỉ 99 USD cùng tính "cởi mở" của nó (Ouya dựa trên nền HĐH Android nên các lập trình viên có thể dễ dàng tạo ra một hệ sinh thái game mở, giúp nhiều người có thể tiếp cận game với giá rẻ), Ouya tỏ ra vô cùng hứa hẹn.


Và trong giai đoạn đầu, Ouya cũng đã chứng minh được sức hấp dẫn của nó khi mới đây console này đã bán hết trên Amazon. Như vậy, giai đoạn ban đầu của Ouya có thể coi đã thu được những thành công nhất định. Tuy nhiên, Ouya cũng sẽ còn nhiều việc phải làm nếu như họ muốn nâng tầm trải nghiệm và đưa sức hấp dẫn của sản phẩm lên tầm cao mới thông qua hệ thống game độc quyền.


Nvidia SHIELD


Đâu rồi những máy chơi game tương lai? 2


Nhận thấy tiềm năng của thị trường và đặc biệt là từ sự thành công của Ouya, gã khổng lồ đồ họa Nvidia mới đây cũng nhảy chân vào thị trường console. Họ ra mắt chiếc Project SHIELD (sau được đổi tên thành SHIELD) hồi tháng 1/2013. Đây là console chạy trên nền HĐH Android được tích hợp luôn cả tay cầm lẫn màn hình, giúp bạn có thể dễ dàng chơi game ở bất kì đâu.


Về cấu hình, Nvidia trang bị cho console của mình những phần cứng khủng gồm chip Tegra 4 mới nhất của hãng. Thế nhưng, SHIELD có vẻ như không nhận được sự quan tâm quá lớn ngay khi ra mắt bởi cái giá mà Nvidia đưa ra cho console của mình lên tới 350 USD (sau đó được giảm giá xuống còn 300 USD). Với số tiền này, người dùng chỉ cần bỏ ra thêm một ít là đã có thể sở hữu những console hàng hiệu đến từ Sony (PS4 giá 399 USD) hay Microsoft (Xbox One giá 499 USD). Với một máy chơi game chạy Android có giá đắt đỏ, hẳn Nvidia sẽ khó thành công với console của mình nếu như bài toán truyền thống: Game độc quyền dành cho Shield, không được giải quyết.


Onlive


Đâu rồi những máy chơi game tương lai? 3


Ra mắt từ năm 2010, Onlive là một console hứa hẹn sẽ giúp cho quên thủ quên đi nỗi lo về chi phí phần cứng khi chơi các game đồ họa cao. Các tác vụ đã được xử lý trên các "đám mây" xa xôi, giúp game thủ có thể tận hưởng game khủng mà không cần tới phần cứng mà nếu chơi theo cách thông thường người chơi có thể phải tốn vài chục triệu đồng để trang bị.


Tuy nhiên, Onlive dường như là một sản phẩm của tương lai chưa gặp thời khi mà những yêu cầu cho trải nghiệm là quá lớn. Do dữ liệu được xử lý trên "đám mây" sau đó nén lại và gửi trả về phần cứng người dùng, Onlive yêu cầu băng thông internet lớn. Theo công bố của nhà cung cấp, dịch vụ này yêu cầu băng thông tốc độ tối thiểu từ 3Mbps hoặc 5Mbps đối với chất lượng HD 720p - một yêu cầu vốn chỉ đáp ứng được ở những quốc gia phát triển. Hình ảnh đã được máy chủ của Onlive xử lý và nén lại nên chất lượng không bằng các máy console chuyên nghiệp. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề mà Onlive chưa giải quyết được như số lượng game, giá thành game cao...Những trở ngại đó chính là nguyên nhân khiến cho Onlive có nguy cơ "chết yểu" và phải cắt giảm tới gần 50% nhân sự hồi tháng Tám năm ngoái, khi mà số tiền thu về không đủ để duy trì kinh phí hoạt động lên tới 5 triệu USD mỗi tháng.


Tạm kết


Ngành công nghiệp game console là một trong những ngành có sức hút vô cùng lớn và vẫn được đánh giá là ngành công nghiệp "tỷ đô". Thế nhưng khi mà game di động đã và đang cùng cạnh tranh với các hệ sinh thái console truyền thống, những nền tảng console mới nổi sẽ còn nhiều việc nữa phải làm để có thể thâm nhập thị trường và cạnh tranh với các đàn anh "gạo cội".