Đập hộp và trải nghiệm nhanh NVIDIA SHIELD - Máy chơi game mới ra mắt

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 10/06/2015 07:27 PM

NVIDIA SHIELD có chất lượng hoàn thiện tốt hơn hẳn so với Razor Forge TV, một thiết bị khác trong cùng phân khúc

NVIDIA SHIELD là một thiết bị giải trí chơi game chạy trên Android TV có cấu hình đa năng và mạnh nhất hiện nay, thiết kế đẹp, có nhiều cổng kết nối với USB, ổ cứng, thẻ nhớ và có rất nhiều game để chơi, từ các game Android truyền thống, game độc quyền của SHIELD cho đến hàng trăm tựa game PC có hỗ trợ chức năng stream từ máy tính qua SHIELD để chơi trên TV.

tinhte.vn-nvidia-shield.

Về cơ bản, NVIDIA SHIELD cũng giống như Nexus Player và Razor Forge TV nhưng có cấu hình mạnh hơn và giá bán cũng mắc hơn (200$ cho bản 16GB và 300USD cho bản 500GB). Bản mình cầm trong bài này là bản 16GB, tuy dung lượng hơi ít nhưng hoàn toàn có thể mở rộng thêm bằng cách gắn thẻ nhớ microSD hoặc cắm thêm USB và ổ cứng ngoài để xem phim. Có thể liệt kê các chức năng của NVIDIA SHIELD như sau:

tinhte.vn-nvidia-shield-14.

Biến TV thường thành Smart TV qua cổng HDMI, chạy trên hệ điều hành Android TV.

Có thể cài app và game từ Google Play Store như trên điện thoại Android, nghe nhạc, xem phim.

Đóng vai trò như một đầu Android box dùng để xem phim HD, phim 4K và nghe nhạc lossless, hỗ trợ âm thanh tới 7.1.

Có Google Cast để cast từ các ứng dụng khác (tương tự như Chromecast).

Dùng làm máy chơi game console giống như PS4 hoặc Xbox One (cấu hình tất nhiên là thấp hơn nhé, kho game xem bên dưới), chơi được các game của máy tính PC.

Xem được phim 4K trên YouTube, Netflix cũng như phim 4K từ ổ cứng và USB.

Đập hộp

Hộp của máy khá nặng và to hơn đáng kể so với các thiết bị Android TV khác. Bên trong hộp gồm có:

1 x máy NVIDIA SHIELD.

1 x tay cầm chơi game không dây của NVIDIA.

Cáp HDMI (hơi sang :D).

Cáp microUSB để sạc cho tay cầm.

Cục nguồn (điện áp từ 100-240v).

Sách hướng dẫn sử dụng.

Ngoại hình NVIDIA SHIELD

Máy mỏng và dẹt, chiều dày lớn dần về phía sau, phía trước mỏng, thiết kế cắt vát kiểu kim cương, mặt trên có khe hở chứa đèn LED màu xanh lá tự động phát sáng khi cắm nguồn, mặt dưới cũng có một cái khe tương tự nhưng mà là khe tản nhiệt. Mặt sau từ trái qua gồm có: khe tản nhiệt, khe cắm thẻ microSD, cổng microUSB, 2 x cổng USB 3.0 tốc độ cao, 1 x Ethernet dùng để gắn cáp mạng khi cần, cổng HDMI 2.0, cổng nguồn (dẹp).

Máy khá nặng, kích thước to cỡ một cái tablet màn hình 8", ngoại hình được thiết kế đẹp và khá bắt mắt, máy không quá to nên có thể để cạnh TV một cách dễ dàng hoặc mua thêm một cái kệ dựng đứng máy lên cho đẹp hơn. Máy không có phím nguồn nhưng có một phím Sleep, phím Sleep chính là logo NVIDIA ở mặt trên, còn mặt trước thì có một cổng hồng ngoại.

Tay cầm chơi game

Tay cầm này được tặng kèm theo máy NVIDIA SHIELD, nếu mua rời thêm thì có giá tới 60 USD. Đây là tay cầm không dây, kích thước vừa phải nhưng nhìn hơi cục mịch, cầm nặng hơn so với tay của PS4, hai nút xoay được bố trí đối xứng giống PS3/4 nhưng 4 phím chức năng lại được đánh dấu A/B/X/Y giống như Xbox One. Phía trên có tổng cộng 4 phím cò, 2 phím dưới nằm thẳng (L2/R2), dễ bấm còn 2 phím trên (L1/R1) thì nằm hơi nghiêng chứ không song song với hai phím dưới.

Phía trên tay cầm có cổng âm thanh 3.5mm dùng để gắn tai nghe và chat voice (rất tiện lợi vì không cần phải nối dây tới tận TV), có cổng micro USB để sạc. Mặt trước có một phím tam giác to màu xanh lá có đèn nền, đó là phím đặc biệt dùng để gọi chức năng Share screenshot và video chơi game lên Twitch (hỗ trợ live stream), xung quanh gồm có micro để ghi âm (ra lệnh bằng giọng nói), phím Back, Play/Pause và phím Home, cả 3 đều là phím cảm ứng. Phía bên dưới còn có 2 phím +/- tăng giảm âm lượng rất tiện lợi. Đây là đặc điểm mình thích nhất trên tay cầm này vì có thể chỉnh được âm thanh của game và phim mà không cần dùng đến remote TV nữa.

Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm đó là không có phím tắt để gọi Voice Search, muốn tìm bằng giọng nói thì phải tự ra ngoài màn hình chủ rồi lướt lên trên cùng mới thấy được thanh tìm kiếm bằng Voice. Mình xin đính chính lại xíu: tay cầm có nút Voice bằng cách nhấn và giữ phím Home khoảng 2 giây (hình dấu tròn trên tay cầm).

Chơi game

Nguồn game của NVIDIA SHIELD khá phong phú vì được sự hỗ trợ ưu ái từ phía NVIDIA, có các nguồn game sau:

Play Store: tải về máy và chơi như bình thường, giống như các máy điện thoại và tablet Android.

Kho game riêng của SHIELD: cũng được chứa trên Play Store nhưng chỉ có SHIELD và các máy Android TV mới thấy được, trong đó có một vài game độc quyền cho SHIELD ví dụ như Crysis 3, sắp tới sẽ được bổ sung thêm.

NVIDIA GameStream: Stream game từ máy tính PC ở nhà của bạn, điều kiện là PC phải xài card VGA của NVIDIA và game đó đã được hỗ trợ, có thể chơi được hàng trăm game khác nhau kể cả những game dàn trận hay bắn súng vốn chủ yếu dùng chuột và game. Danh sách đầy đủ các game hỗ trợ xem tại link này. Mở game trên PC và chơi game trên TV.

NVIDIA GRID: cũng là một dịch vụ stream game nhưng cao cấp hơn ở chỗ các game sẽ được stream trực tiếp từ trên mạng xuống. Game được lưu, xử lý trên máy chủ của NVIDIA và nó sẽ gửi hình ảnh game về máy SHIELD, bạn vẫn có thể chơi game như bình thường bằng tay cầm của máy nhưng hay ở chỗ là không cần phải tải game, không cần cài đặt hoặc cài đĩa gì cả.

Tuy nhiên nó cũng có một hạn chế khá lớn đó là tốc độ đường truyền của bạn phải đủ nhanh và mạnh vì game của GRID có độ phân giải tối đa lên tới 1080p@60fps, yêu cầu Internet phải tối thiểu là 10 Mbps để chơi ở độ phân giải 720p. Chi tiết xem tại đây. Hiện tại mới có khoảng 40 game trên GRID, đang cho chơi miễn phí nhưng sau này phải đăng ký dịch vụ thì mới dùng được. Danh sách game NVIDIA GRID.

Xin lỗi các bạn vì cá mập cắn cáp dữ quá nên hôm nay mình không tài nào chơi được các game GRID cả :(

Mình có cài thử một vài game từ Play Store thì thấy chơi khá nuột, không lag. Cấu hình của SHIELD phải nói là khá cao trong thế giới Android TV, chip xử lý Tegra X1 64-bit là thế hệ chip di động mới nhất và mạnh nhất của NVIDIA ở thời điểm hiện tại, có 256 nhân xử lý, 3GB RAM và Wi-Fi ac dual-band hai băng tần.

Các game mình thử đều đã được tùy biến lại để chạy được ngon lành trên Android TV, có game sở hữu đồ họa rất đẹp (ví dụ như Real Boxing) và đều chơi được dễ dàng với tay cầm của SHIELD, toàn bộ hình ảnh và profile nút trong game đã được thay thế bằng hình ảnh của tay cầm A/B/X/Y hết, không cần phải config lại và có tính đồng bộ cao (chức năng các nút không bị thay đổi giữa các game).

Xem phim

Có thể cắm ổ cứng và USB qua cổng USB 3.0 phía sau của máy để xem phim HD ngon lành, thậm chí là xem phim 4K cũng rất mượt mà. Mình đã thử bằng cách cắm USB 3.0 có chứa phim và chơi bằng app VLC, khi bấm Play một phát là máy tự động load phim lên gần như ngay lập tức, rất nhanh chứ không bị thời gian load phim này nọ, kể cả phim 4K thì thời gian load lên cũng như ngay tức thì.

Tốc độ xem phim rất mượt, (4K 60fps, bitrate ~22 Mbps), phụ đề tiếng Việt hiển thị đầy đủ, chính xác, rõ ràng, có thể tua tới lui thoải mái mà phim vẫn cứ chơi đều đặn, không bị đợi và giật hình mỗi khi tua.

Tổng quan

NVIDIA SHIELD có chất lượng hoàn thiện tốt hơn hẳn so với Razor Forge TV, điều này cũng dễ hiểu vì họ có nhiều kinh nghiệm làm máy hơn (SHIELD Portable, SHIELD Tablet), máy đẹp, cấu hình cao và có gần như đầy đủ tất cả những thứ mà chúng ta mong muốn, có chức năng của một Android box, có Google Cast, chơi được nhiều game, xem được phim 4K và cấu hình đủ mạnh để cân được hết mọi game có trong Play Store của Android TV. Tuy nhiên nó cũng có một vài nhược điểm cần phải nhắc đến ví dụ như:

Độ trễ giữa tay cầm và SHIELD hơi cao trong màn hình Home ngoài của Android TV, còn trong app và game thì rất ít, vẫn chơi game được.

Tay cầm đôi khi bị đơ ngay trong giao diện Home của Android TV, giống như bị mất tín hiệu trong khi vẫn còn đang kết nối.

Các lỗi này đều có liên quan đến màn hình Home của Android TV nên mình nghĩ có thể sẽ khắc phục được bằng một gói nâng cấp firmware trong tương lai. Nhìn một cách tổng quát mà nói thì NVIDIA SHIELD có nhiều điểm khen hơn là chê, tích hợp được nhiều thứ cho bạn, cá nhân mình nếu chưa sắm PS4 và Chromecast thì có lẽ cùng sẽ dùng 1 em SHIELD như thế này, vừa làm Android box, vừa làm console chơi game tiện lợi.

(Tham khảo Tinh Tế)

​Máy chơi game Nvidia Shield Android TV chính thức lên kệ