- Theo Trí Thức Trẻ | 16/12/2015 04:58 PM
Acer Predator X34 là một trong những dòng màn hình chơi game cao cấp nhất hiện nay. Mặc dù có giá lên đến 1300 USD tại Mỹ, sản phẩm này luôn ở tình trạng cháy hàng trên những trang web lớn đã chứng tỏ phần nào sự hấp dẫn của nó. Và sau khi trải nghiệm thì đúng với câu "đắt xắt ra miếng", Acer Predator X34 sở hữu khá nhiều tính năng hấp dẫn như màn hình cong IPS 34 inch tỉ lệ 21:9, độ phân giải 3440x1440 và tần số quét 100 Hz khiến ngay cả cái giá trên trời của nó cũng không làm nản lòng giới mê game.
Thiết kế đậm chất game thủ
Ngay từ cái nhìn đầu tiên thì bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra cái chất game của Acer Predator X34 nhờ thiết kế vô cùng cách điệu. Ngôn ngữ thiết kế Zero Frame mà Acer sử dụng thực chất không mới, nó đã xuất hiện từ vài năm trở lại đây trên các dòng màn hình 21:9 của nhiều hãng như LG, Philips,... Điểm đặc trưng của ngôn ngữ thiết kế này là phần cạnh dưới nhô ra, làm nền tảng để nổi bật phần khung bên trên với lớp kính bao phủ toàn bộ từ tấm nền cho đến 3 cạnh tạo thành một khối thống nhất.
3 cạnh viền khá mỏng hoà lẫn vào nền đen của tấm nền giúp đem lại cảm giác như không viền khá đơn giản nhưng đầy vẻ lịch lãm. Nổi bật ngay giữa cạnh dưới màn hình chính là logo Predator viền đỏ được làm nổi trên nền bạc cực kỳ bắt mắt. Chính logo Predator này giúp X34 vừa đủ để tạo được cảm giác "sang chảnh" mà các game thủ mong muốn mà không cần phải phối màu sặc sỡ hay sử dụng những chi tiết thừa phức tạp để gây ấn tượng. Đây là điểm mình đánh giá rất cao, bởi lẽ nó giúp Predator khó bị lỗi thời hơn so với đại đa số các màn hình đi theo phong cách hầm hố.
Phần viền dưới màn hình được làm bằng nhựa chất lượng cao với bề mặt là các đường sọc ngang nổi khá đẹp mắt. Một điều mà mình hơi khó chịu chính là việc Acer đặt các phím điều khiển ở phần dưới màn hình. Đây là phím dạng OSD, tuỳ biến tương tác, nên khi bạn nhấn vào thì các hướng dẫn mới hiển thị trên màn hình. Mình hiểu rằng việc giấu phím ở dưới sẽ giúp cho tổng thể thẩm mỹ mặt trước của X34 tốt hơn, tuy nhiên việc hướng dẫn thì hiện trên màn hình nhưng phím bấm nằm tuốt bên dưới khiến cực kỳ dễ bấm nhầm. Nói chung sau một thời gian sử dụng thì cũng quen, tuy nhiên thời gian đầu hứa hẹn sẽ khá khó chịu.
Như một quy ước, đồ của game thủ đích thực là phải có đèn. Acer đáp ứng yêu cầu này bằng một dàn đèn LED xanh đặt phía dưới màn hình. Độ sáng vừa đủ, dàn đèn này tạo nên một cảm giác khá ư là huyền ảo nếu như bạn sử dụng trong môi trường tối. Ngoài ra thì chúng ta còn có một bộ loa công suất 7W, chất lượng chẳng có gì đặc sắc nên tốt nhất là bạn chỉ nên dùng để chữa cháy khi không có loa rời hay tai nghe.
Mình thật sự không hiểu vì sao mà Acer lại chọn phong cách nhựa bóng cho phần mặt sau của X34. Mặc dù sở hữu những chi tiết góc cạnh khá hiện đại cũng như khe tản nhiệt gợi nhớ đến mấy dòng máy bay ném bom tàng hình B-2, sự bóng bẩy khiến nó có phần quá trẻ trung năng động và đối lập với sự lịch lãm của mặt trước.
Đó là chưa để đến việc mặt sau của Predator X34 cực kỳ dễ bám dấu vân tay và bụi khiến nó trở thành một cơn ác mộng nếu bạn muốn "bảo tồn" độ bóng bẩy.. Hơi thất vọng một chút, tuy nhiên nhìn chung cũng chẳng mấy khi chúng ta ngắm lưng của màn hình nên đây có thể xem là một điểm trừ nhỏ. Như các bạn thấy trong hình trên, phần màn hình của Predator X34 được đặt trên một chân đế kim loại và đây cũng có thể xem là phần yếu nhất trong thiết kế của sản phẩm này.
Xét về mặt thẩm mỹ, chân đế của Acer Predator có thiết kế khá đẹp với 3 càng mở rộng, cho phép nó chiếm rất ít diện tích khi đặt ở trên bàn mà vẫn đảm bảo sự cố định. Phần đế này được làm hoàn toàn bằng kim loại và các chi tiết được gia công rất tốt đem lại cảm giác an tâm về độ bền cũng xứng đáng với cái giá trên trời. Hãng cũng thiết kế một lỗ đi dây màu đỏ khá nổi bật trên tông màu bạc chủ đạo của chân đế giúp bạn dễ dàng quản lý dây nhợ hơn. Ngặt nỗi không khó để nhận thấy Acer có phần đề cao vẻ ngoài hơn là tính năng khi thiết kế chân đế của Predator X34.
Bản thân phần chân đế thì khá vững, tuy nhiên vị trí kết nối với màn hình lại không đủ chắc chắc. Với kích thước lên tới 34 inch, không gì bất ngờ khi chỉ riêng phần màn hình nặng 7,4 kg. Trong khi đó thì khớp kết nối giữa màn hình và chân đế lại nhỏ nên độ ổn định không cao. Với điều kiện sử dụng bình thường thì không sao, tuy nhiên bạn chỉ cần chạm nhẹ vào là đủ để khiến cho toàn bộ phần màn hình bị rung. Acer quá chú trọng đến vẻ ngoài nên chỉ cho phép người dùng thay đổi chiều cao và độ nghiêng lên xuống, bạn không thể xoay trái phải hay dựng dọc màn hình lên được. Công bằng mà nói, đại đa số màn hình chơi game đều có độ tuỳ biến chân đế thấp nên cũng khó mà trách được Acer về mặt này. Và hầu hết các game thủ đều ngồi trực diện nên mức độ tuỳ biến của Predator X34 tuy không cao nhưng vẫn chấp nhận được. Nếu bạn chú ý thì trên đỉnh của chân đế có một cái quai, ban đầu mình nghĩ là nó giúp bạn di chuyển màn hình cho dễ. Thực tế thì nó lại quá nhỏ và hơi chếch lên khiến không có thế để nâng. Giả thuyết khác là hãng thiết kế nó để móc treo lên tường, nhưng như vậy thì... khá mất thẩm mỹ. Nói chung thật sự mình không hiểu hãng thiết kế nó để làm gì nữa. Số cổng kết nối khá khiêm tốn
Acer Predator X34 được trang bị 1 cổng HDMI, 1 cổng DisplayPort, 1 jack cắm tai nghe 3.5 mm, 4 cổng USB 3.0 (và 1 cổng USB Type B để nối với máy tính). Về các kết nối phụ thì ổn, tuy nhiên việc chỉ có 1 HDMI và 1 DisplayPort là khá thất vọng với một màn hình có giá lên đến 1300 USD .
Hiện tại thì ngay cả các dòng màn hình giá từ 7-8 triệu cũng đã bắt đầu tích hợp 2 cổng HDMI và 1 cổng DisplayPort và thậm chí là nhiều hơn. Việc VGA lẫn DVI vắng mặt thì chấp nhận được do xu hướng loại bỏ các chuẩn kết nối cũ. Một điều an ủi là DisplayPort và HDMI mà X34 sở hữu đều là chuẩn mới (1.2b và 2.0) nên về phần băng thông bạn không cần phải lo lắng. Tất cả các cổng kết nối được đặt ở phía sau, khá phổ biến đối với màn hình máy tính.
Tuy nhiên nếu như Acer đưa một số cổng USB 3.0 ra bên hông thì sẽ giúp bạn dễ dàng sử dụng hơn, thay vì dồn hết một chỗ ở phía sau. Chất lượng hình ảnh và trải nghiệm chơi game ấn tượng Thiết kế cách điệu và các cổng kết nối đời mới chỉ là những nhân vật phụ khi chúng ta nhắc tới Acer Predator X34. Điểm khiến cho chiếc màn hình này thu hút được sự chú ý của giới game thủ chính là chất lượng hình ảnh cũng như trải nghiệm mà nó hứa hẹn sẽ đem lại.
Không phủ nhận 1300 USD là con số tiền rất lớn mà bạn phải trả cho một chiếc màn hình chơi game, nhưng trải nghiệm mà Predator X34 đem lại là không đụng hàng với bất kỳ màn hình nào khác. Trước hết chất lượng hình ảnh mà tấm nền IPS 34 inch tỉ lệ 21:9 là cực kỳ ấn tượng, vừa to vừa rộng. Màu sắc ở các chế độ mặc định là rất bắt mắt với độ bão hoà được đẩy lên cao (cao hơn cả màn hình LG 27MU67 mà mình đánh giá cách đây không lâu).
Một điểm thú vị là dù sử dụng công nghệ tấm nền IPS, Acer công bố tốc độ đáp ứng của Predator X34 là 4 ms, con số khá ấn tượng so với mức trung bình từ 5-10 ms của tấm nền IPS thông thường. Hãng quảng cáo tấm nền của X34 có khả năng hiển thị 100% dải màu sRGB, tương đương với một số dòng màn hình dành cho đồ hoạ. Theo lý thuyết thì nếu cân chỉnh bạn vẫn có thể dùng nó để làm ảnh nghiệp dư, tuy nhiên do sản phẩm này hướng đến đối tượng game thủ nên mình không đi sâu về phương diện độ chính xác của màu sắc.
Về tổng thể, bạn chắc chắn sẽ khó mà thất vọng với màn trình diễn của Acer X34 khi chơi game, đặc biệt là các trò 3D bom tấn. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng dù được xem là tính năng chủ đạo, mình thật sự không thấy được thiết kế cong của màn hình X34 đem lại bất kỳ lợi thế nào trong trải nghiệm. Cơ mà nó cũng không gây khó chịu nên cứ xem như là một sự đổi gió so với thiết kế phẳng đã quá phổ biến.
Nói một chút về độ phân giải của Predator X34, nó khá là... kỳ lạ. Với tỉ lệ 21:9, độ phân giải của màn hình này là 3440x1440, nằm ở đâu đó giữa 2 chuẩn độ phân giải cao tỉ lệ 16:9 phổ biến là QHD (2560x1440) và 4K (3840x2160). Vấn đề ở chỗ độ phân giải thì có thể scale, tuy nhiên tỉ lệ 21:9 thì game buộc phải hỗ trợ nếu bạn không muốn gặp phải hiện tượng biến dạng hình.
Theo mình biết thì Star War Battlefront 3 vừa mới ra là chính thức hỗ trợ tỉ lệ 21:9, trong khi đó một số tựa bom tấn khác như Fallout 4 hay Starcraft 2: Legacy of the Void thì lại không. Không phủ nhận tỉ lệ 21:9 giúp bạn dễ dàng hoà nhập khi thưởng thức nội dung trên màn hình (phim ảnh, game) nhưng thời điểm hiện nay 16:9 vẫn là tỉ lệ phổ biến nhất. Tuy vậy nếu đứng ở góc độ giải trí, Predator X34 là sự lựa chọn tuyệt vời nếu như bạn muốn thưởng thức các bộ phim Hollywood.
Một trong những yếu tố quyết định đẩy giá Acer Predator X34 lên tận nóc là nó sở hữu tần số quét tối đa lên đến 100 Hz. Chúng ta vẫn có những màn hình chơi game tần số quét 144 hz, tuy nhiên chúng chỉ giới hạn ở những dòng màn hình độ phân giải QHD (2560x1440) trở xuống. Cao hơn nữa thì bạn phải chấp nhận 60 Hz. Điển hình là bất cứ dòng màn hình 4K nào, dù đắt đến đâu đi chăng nữa thì tạm thời vẫn chưa vượt qua được con số 60 Hz.
Acer Predator X34 dĩ nhiên không phải là màn hình 4K (3840x2160), nhưng nó đã tiến khá gần với 3440x1440 vì vậy mà nhà sản xuất có thể "đẩy lên" tần số quét lên 100 Hz. Dù không thật sự hoàn hảo như 144 Hz, trải nghiệm mà nó đem lại mượt mà hơn nhiều so với 60 Hz. Cũng cần lưu ý tần số quét gốc của X34 là 60 Hz, tuy nhiên Acer thiết lập chế độ ép xung đặc biệt cho phép bạn tuỳ biến nó lên từ 75 đến 100 Hz. Khi ép xung thì tần số quét của màn hình đúng là có thể lên 100 Hz, chứ không chỉ đơn thuần là chiêu bài tiếp thị hay tần số quét ảo.
Vậy tại sao nhà sản xuất không để mặc định mà buộc người dùng phải tự kích hoạt? Liệu sử dụng trong thời gian dài có gây ảnh hưởng xấu đến màn hình hay không? Đó là những nghi vấn mà tạm thời mình vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời. Nhưng về cơ bản, mình hoàn toàn hài lòng với sự mượt mà khi chơi game trên Acer Predator X34 ở tần số quét 100 Hz.
Trên thực tế thì số lượng điểm ảnh Acer Predator X34 chỉ cao hơn một chút so với QHD (4.953.000 vs 3.686.000) và thấp hơn khá nhiều so với 4K (4.953.000 vs 8.294.000) nên không đòi hỏi cấu hình quá khủng khiếp để có thể tận dụng hết được khả năng của nó. Dĩ nhiên là tuỳ theo gu chơi game của bạn (thích max setting hay hài lòng với những mức thiết lập thấp hơn) và tựa game mà nó vẫn có thể đi vượt tầm kiểm soát.
Nhưng nhìn chung để đạt được cùng một mức hiệu ứng ở độ phân giải gốc, chi phí bạn phải đầu tư vào dàn PC là nhẹ hơn kha khá so với 4K (và nặng hơn đôi chút so với QHD và FullHD). Ngoài ra Acer cũng tích hợp công nghệ Nvidia G-Sync, đồng bộ tần số quét của Predator X34 với tốc độ dựng hình của GPU, giúp triệt tiêu hiện tượng xé hình và đem lại sự mượt mà tối đa khi chơi.
Cần lưu ý là tương tự như FreeSync, G-Sync tạm thời chỉ hỗ trợ DisplayPort và bạn buộc phải dùng GPU Geforce (650 Ti Boost hoặc cao hơn). Chi phí để tích hợp G-Sync theo mình biết thì cao hơn so với FreeSync, vì vậy nếu trong tương lai Acer ra mắt phiên bản Predator X34 tích hợp FreeSync thì giá có thể giảm khoảng 100 đến 200 USD. Lưu ý cuối cùng là như đại đa số màn hình vi tính, khả năng upscale của Predator chỉ dừng ở mức trung bình nên bạn vẫn nên ưu tiên lựa chọn cấu hình máy đủ khả năng hiển thị ở độ phân giải gốc (3440x1440).
Kết luận
Tóm tắt ưu nhược điểm của màn hình chơi game Acer Predator X34
Ưu điểm
Tấm nền IPS cong 34 inch
Độ phân giải 3440x1440 tỉ lệ 21:9
Khả năng hiển thị 100% dải màu sRGB
Thiết kế cách điệu đậm chất game thủ
Tần số quét tối đa 100 Hz
Màu sắc rực rỡ phù hợp với các trò chơi 3D
Nhược điểm
Chân đế thiếu sự ổn định
Phần lưng bằng nhựa bóng cực kỳ dễ bám dấu vân tay và bụi
Vị trí đặt phím điều khiển không hợp lý
Cổng tín hiệu chỉ có 1 HDMI và 1 DisplayPort
Không phải game nào cũng hỗ trợ tỉ lệ 21:9
Giá 1300 USD
Mình không biết Acer Predator X34 khi được phân phối tại Việt Nam giá sẽ bao nhiêu, tuy nhiên con số 1300 USD tại Mỹ gần như đảm bảo nó không hề dễ chịu với túi tiền của đại đa số game thủ Việt. Nhưng đứng ở góc độ công bằng, việc sở hữu nhiều tính năng độc như màn hình IPS cong 34 inch tỉ lệ 21:9 độ phân giải 3440x1440@100 Hz, tốc độ đáp ứng 4 ms và G-Sync khiến nó trở nên cực kỳ hấp dẫn nếu như bạn muốn trải nghiệm game một cách hoàn hảo nhất. Vấn đề ở đây là bạn muốn đến mức nào vì tạm thời chỉ có Acer Predator X34 là sự lựa chọn duy nhất và... đắt nhất.
(Tham khảo Tinh Tế)