Với nhiều người tiêu dùng Việt Nam, Oppo được coi là một thương hiệu mạnh trong làng điện thoại di động, đặc biệt là các smartphone với nhiều tầm giá trải dài từ phổ thông cho tới high end. Tuy nhiên trước khi Oppo sản xuất smartphone, thì vào năm 2004, Oppo Digital, một đơn vị hoạt động độc lập đã được thành lập tại California, Mỹ.
Vào đầu năm 2014, Oppo Digital đã lần lượt giới thiệu hai chiếc tai nghe đầu tiên mà thương hiệu này sản xuất mang tên Oppo PM1 và PM2, cũng như ampli dành cho headphones mang tên HA1. Điều đáng nói là thay vì đánh vào phân khúc tầm trung, Oppo lại hướng sản phẩm của họ tới tầm cỡ high end, với cái giá cho hai sản phẩm headphones lần lượt là 26.990.000 và 16.990.000 triệu Đồng theo niêm yết của Oppo Digital Việt Nam.
Oppo PM1 (Trái) và PM2
Ở thời điểm hiện tại, các sản phẩm kể trên đều đã được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam. Trong bài viết đánh giá chi tiết ngày hôm nay, chúng ta sẽ lần lượt điểm qua khả năng của bộ đôi tai nghe đắt giá này. Trong khi đó chiếc headphones amplifier mang tên HA1 sẽ được chúng tôi đánh giá chi tiết trong thời gian tới đây.
Thiết kế
Có thể khẳng định một điều, Oppo rất biết chăm chút cho ngoại hình của thiết bị mà mình phát triển. Thậm chí cái sự “đắt giá” còn được phô ra cả hộp đựng sản phẩm xét riêng tới trường hợp của PM1. Chiếc hộp gỗ to, bóng bẩy và tương đối nặng, khi bên trong là chiếc tai nghe và một chiếc hộp đựng cáp tín hiệu jack 6.3mm.
Hộp đựng PM1 (trái) và PM2
Trong khi đó Oppo PM2 thì sở hữu hộp đựng có phần giản dị hơn nhiều với chất liệu bìa cứng, và bên trong chỉ có thêm một túi vải lớn đựng tai nghe cùng hai món phụ kiện đi kèm là cáp tín hiệu âm thanh chuẩn 3.5 và 6.3mm.
PM1
Dĩ nhiên, đi kèm với PM1 cũng là một chiếc túi y hệt như PM2, tuy nhiên kèm với đó là một đôi earpad cùng dây cáp 3.5mm cho phép người sử dụng thưởng thức chiếc tai nghe cùng với các thiết bị di động như điện thoại, máy nghe nhạc…
Phụ kiện của PM1
Oppo khiến cho người sử dụng, hay chính bản thân tôi hơi lúng túng khi nhìn vào thiết kế của bộ đôi này. Nhìn vào những bức ảnh, các bạn có thể thấy thiết kế của PM1 và PM2 gần như chẳng có gì khác biệt, từ headband, hai earcup với lớp lưới open back màu đen cho tới gọng kim loại và khả năng xoay gần 180 độ khá linh hoạt của hai bên earcup trong quá trình sử dụng.
PM1 (phải) và PM2
PM1 (Phải) và PM2
Vậy làm sao để phân biệt giữa PM1 và PM2? Bên trong gọng trái headband bọc da là nơi Oppo khắc tên model của sản phẩm. Một cách khác để nhận biết, đó là nước kim loại của PM1 bóng bẩy hơn trong khi PM2 sở hữu bề mặt nhôm nhám. Khác biệt thứ ba giữa PM1 và PM2 là earpad. Những chiếc earpad trang bị cho mẫu tai nghe đắt tiền hơn sở hữu một vành xốp mỏng bao quanh vị trí tiếp xúc giữa earpad và driver.
Điểm cộng rõ ràng không thể không trao cho Oppo khi xét tới thiết kế của bộ đôi tai nghe này. Từng đường nét, từng chi tiết đều thể hiện sự tinh tế mang đậm nét mỹ thuật. PM1 và PM2 đơn giản, nhưng là sự đơn giản mang lại vẻ đẹp, chứ không phải sự đơn giản đến thô ráp giống như Stax hay HifiMan…
Trao đổi với đại diện Oppo Digital tại Việt Nam, Oppo PM1 và 2 đều sử dụng driver planar magnetic, hay nói nôm na là công nghệ từ phẳng, không giống như những tai nghe driver dynamic xuất hiện rất nhiều trên thị trường hiện nay. Một điều mà cá nhân tôi rất thích ở những chiếc tai nghe planar như LCD-2 của Audeze hay HE-500 của Hifiman chính là sự chính xác và khả năng tái tạo âm thanh mà hiếm sản phẩm dynamic nào có thể so sánh được.
Chất âm
Tuy đại diện Oppo cho biết driver của PM1 và PM2 là cùng loại, thế nhưng qua trải nghiệm cụ thể, hai chiếc tai nghe có chất âm tái tạo lại có một chút khác biệt. Trong phần đánh giá âm thanh, chúng tôi sẽ sử dụng cáp balanced XLR mà Oppo sản xuất dành cho cả hai chiếc tai nghe này để có những so sánh chính xác nhất.
PM1
Nếu tổng kết chất âm của PM1 tái tạo trong một câu nói, thì có lẽ đó sẽ là “Nịnh tai, ấm áp, dễ nghe nhưng khó lòng đáp ứng những đôi tai khó tính.”
Thật vậy, trải nghiệm của cá nhân tôi cho thấy dải âm có chất lượng nhất của chiếc tai nghe có giá gần 30 triệu Đồng này là mid bass và dải âm low mid. Qua bàn tay tài hoa của guitarist Laurence Juber, và dĩ nhiên là PM1, từng nốt nhạc đầy cảm xúc của “Mosaic”, trích trong album Guitar Noir cất lên với một sự thỏa mãn phần nào.Tiếng mid bass không rền đặc, không dính quện lại với nhau, lấy điều kiện sử dụng amplifier đủ sức mạnh.
Tuy chỉ có trở kháng 32 Ohm và độ nhạy 102 Db, tuy nhiên những con số này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc PM1 hay PM2 có thể hoạt động một cách hoàn hảo với 100% sức mạnh khi cắm vào những chiếc điện thoại hay máy nghe nhạc thông thường.
Tuy nhiên một trong những điểm yếu của PM1 cũng được khắc họa ở ngay bản nhạc kể trên. Ở nửa đầu bản nhạc, cụ thể hơn là ở giây thứ 50, nhạc công bộ gõ Steve Forman quét nhẹ vào những que chỉnh dây đàn dương cầm mà ông tự chế, tạo ra một âm thanh nhẹ nhàng, thoảng qua nhưng cao vút, sắc bén. Dải high của PM1 dường như khó lòng chạm được tới ngưỡng mà đáng ra một chiếc tai nghe high end cần có được.
Trong khi đó, dải mid cũng có được đất diễn riêng. Với “Shadow” của Josefine Cronholm, hay “Tennessee Waltz” của danh ca xứ Phù Tang Chie Ayado, vocal có độ tiến nhất định, dĩ nhiên không dồn hết ra tai người nghe mà vẫn chừa một khoảng không gian tương đối rộng cho những nhạc cụ khác. Một điều nhỏ mà tôi rất thích ở PM1 là tuy âm thanh có phần hơi màu mè, nhưng dải mid khi hết hợp với amplifier HA1 lại có sự gai góc nhất định, và có chi tiết tốt.
Đó cũng là thể loại nhạc mà PM1 hợp gu nhất: Jazz vocal, và Pop. Pop chứ không phải Pop Dance và EDM. Với Jazz in the Pawnshop, tiếng contrabass ở đầu bản nhạc Limehouse Blues vừa không xuống đủ sâu, vừa không có được độ dày để thỏa mãn những đôi tai khó tính. Thử nghiệm ngay cả với những album của Modern Talking hay Boney M, nhịp beat cũng chẳng thể nào có được sức mạnh cần thiết, thứ vốn là điểm rất mạnh ở nhiều tai nghe sử dụng driver từ phẳng.
PM2
Vẫn là dải mid đầy tình cảm của những bản jazz vocal, thế nhưng không giống như PM1, PM2 sở hữu âm trung lùi hơn một chút so với đàn anh ra mắt trước, từ đó phần nào tạo ra không gian âm thanh cân bằng hơn so với PM1.
Cable XLR balanced (bán riêng)
Nếu như PM1 khiến tôi thích thú với dải mid đầy cá tính, thì PM2 lại là một sản phẩm gây ấn tượng với chất âm bớt đi một phần màu sắc, thay vào đó là khả năng “phân tích” những nốt nhạc có phần chính xác hơn, nhưng vẫn giữ được nhạc tính và cảm xúc của những bài hát.
Driver của hai sản phẩm không có khác biệt về mặt cảm quan
Bên cạnh đó, khác biệt giữa PM2 với PM1 cũng được thể hiện ở dải bass có sự cân bằng tốt hơn. Những nốt nhấn ở dải cực trầm đã có lực hơn, cũng như texture đầy đặn, khiến người nghe thỏa mãn hơn. Tuy nhiên dải high chỉ có đôi chút thay đổi, không thoáng hơn hay cao hơn mà thay vào đó là hơi thô ráp hơn trong những bản saxophone réo rắt hay những nhạc cụ gõ tạo âm thanh hơi chói tai.
Cả hai chiếc tai nghe cùng sở hữu thứ âm thanh thiên tối đặc trưng, nhưng quan trọng nhất là thiếu đi một phần sự chính xác cũng như chi tiết trong âm thanh. Nếu như với “A Lover in Berlin” hay những ca khúc trong CD nhạc “Hà Nội Làng Lúa Làng Hoa” phát hành năm 1990, HD580 hay 600 sẽ thể hiện rõ tiếng hiss vốn xuất phát trong quá trình thu âm bản nhạc, nhưng tiếng tạp âm khó chịu này lại nhỏ đi một cách rõ rệt trên cả PM1 lẫn PM2.
Tạm kết
Với cái giá mà hiếm có nhà sản xuất nào dám đưa ra cho sản phẩm của mình, rõ ràng Oppo PM1 và PM2 là những sản phẩm dành riêng cho những người có thu nhập cao và sẵn sàng bỏ tiền cho thú chơi của mình, và điều kiện tiên quyết là không quá khó tính trong cuộc chạy đua âm thanh. Lý do rất đơn giản, PM1 và PM2 dành cho những người muốn thưởng thức cảm xúc trong từng bản nhạc, chứ không giành cho những audiophile cả đời trăn trở đi tìm cho mình thứ âm thanh tự nhiên, cân bằng và hoàn hảo nhất.
Xin chân thành cảm ơn Oppo Digital đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết này.
>> Game thủ Việt chọn tai nghe gì thời gian gần đây?