Đánh giá bàn phím cơ tenkeyless Logitech G310 Atlas Dawn

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 31/08/2015 02:01 PM

Gamine gear của Logitech mang sắc xanh dương đặc trưng kèm logo G cách điệu và chiếc bàn phím cơ G310 cũng thừa hưởng những đặc điểm này

G310 Atlas Dawn là chiếc bàn phím cơ dạng tenkeyless đầu tiên của Logitech và cũng là sản phẩm phím cơ thứ 2 kể từ G710+ ra mắt cách đây 3 năm. Cùng với G910 Orion Spark, G310 ấn định sự trở lại của hãng phụ kiện Thụy Sĩ với thị trường thiết bị chơi game cao cấp do đó nó mang nhiều đặc điểm thiết kế, công nghệ và tính năng thể hiện chất riêng của Logitech G-Series. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua những điểm đáng chú ý trên chiếc bàn phím này dưới đây.​

Đầu tiên là về thiết kế, dòng sản phẩm gaming của Logitech mang sắc xanh dương đặc trưng kèm logo G cách điệu và G310 cũng thừa hưởng những đặc điểm này. Thiết kế của G310 khá hầm hố nhưng vẫn mang đặc tính công thái học - một triết lý thiết kế được Logitech đặt làm trọng tâm trong tất cả các sản phẩm của mình nên hình thù của nó có thể nói là khá lạ mắt.

Tinhte.vn_Logitech_G310-3.

Là một bàn phím nhỏ gọn kiểu tenkeyless nhưng G310 lại có kích thước lớn hơn đôi chút với những sản phẩm tương tự. Nếu như hầu hết các loại phím cơ tenkeyless thường có thiết kế vuông vắn, tận dụng tối đa diện tích thì G310 lại có thiết kế dàn trải, layout phím rộng rãi hơn và thậm chí còn có một phần chiếu nghỉ tay nhỏ, chống mỏi cho tay trái. Chiều dài của G310 vào khoảng 39 cm, tương đương chiều dài của một chiếc máy laptop 15,6" tiêu chuẩn.

Tinhte.vn_Logitech_G310-10.

Logitech gọi G310 là "một chiếc bàn phím cơ nhỏ gọn" và hãng cũng hướng đến tính di động khi thiết kế bàn phím với một phần quai xách, tương tự kiểu quai xách của CMStorm Mech và trọng lượng của G310 rất nhẹ, chỉ 765 g.

Tinhte.vn_Logitech_G310-2.

2 cạnh bàn phím được thiết kế vát chéo hướng xuống và 2 góc dưới được cắt tạo bố cục hình ngũ giác khá giống kiểu thiết kế của dòng phím Roccat Pyros MK Pro. Vỏ bàn phím được chế tạo bằng chất liệu nhựa cứng và bề mặt được xử lý tùy theo khu vực, chẳng hạn như vỉ phím thì được xử lý nhẵn mịn còn các rìa phím thì được xử lý nhám, tạo cảm giác tiếp xúc tốt.

Tại phần chiếu nghỉ tay, Logitech còn thêm một số họa tiết trang trí kiểu hình tam giác đan xen nhau, kiểu họa tiết này hiện đang được hãng áp dụng trên nhiều sản phẩm thuộc dòng G-Series như chuột G402, G502 và bàn phím G910 Orion Sparks.

Tinhte.vn_Logitech_G310-9.
Tinhte.vn_Logitech_G310-8.

Mặt dưới của phím được làm bằng một tấm nhựa màu xanh dương, 4 miếng nhựa dẻo chống trượt cỡ lớn và 2 chân chống chắc chắn khi mở sẽ nâng phần sau phím lên 3 cm, tạo góc nghiêng khoảng 6 độ. Với góc nghiêng này cùng với phần chiếu nghỉ tay thì bạn có thể đặt tay lên gõ tự nhiên và đỡ mỏi hơn hơn so với kiểu thiết kế có phần hơi cao của nhiều bàn phím tenkeyless.

Tinhte.vn_Logitech_G310-25.

Ngoài ra G310 cũng được thiết kế một khay để điện thoại, Logitech gọi là ARX Dock bởi bạn có thể cài ứng dụng cùng tên trên điện thoại Android hoặc iOS để tùy biến chiếc bàn phím này.​

Tiếp theo là về công nghệ phím, cụ thể là loại switch Romer-G do Logitech hợp tác cùng Omron phát triển (Omron là một hãng chuyên làm switch cho chuột chơi game). Loại switch này về thiết kế rất khác biệt so với Cherry MX switch. Nếu như Cherry MX dùng chân tiếp xúc đơn theo kiểu crosspoint thì Romer-G dùng 2 chân tiếp xúc, mỗi chân liền với một lá kim loại lót quanh khung phím.

Khi nhấn phím xuống, slider sẽ ép vào 2 lá nhôm khiến chúng chạm vào 2 chân tiếp xúc để kích hoạt. Chưa rõ kiểu thiết kế này có đảm bảo độ bền cho phím hay không chỉ biết Logitech nói là 70 triệu lần bấm, so với tuổi thọ thông thường của bàn phím dùng switch Cherry MX là 50 triệu lần thì con số này hiển nhiên đáng chú ý hơn.

Tinhte.vn_Logitech_G310-15.

Theo thông số thì switch Romer-G có lực nhấn khoảng 45 g và cảm nhận của mình trên G310 về lực nhấn thì nó khá giống Cherry MX Brown. Logitech quảng cáo rằng switch này cho tốc độ kích hoạt nhanh hơn 25% so với các loại switch khác, trải nghiệm thực tế cho thấy tốc độ phản hồi của phím rất nhanh.

Hành trình phản hồi của phím theo Logitech là vào khoảng 1,5 mm, so với các loại switch khác là 2 mm, ngắn hơn một chút nhưng đối với những game thủ khi thắng thua phân định chỉ trong vài chục ms thì độ nhạy của phím là một yếu tố được họ quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, slider của switch Romer-G cũng có một khấc tạo cảm nhận xúc giác (tactile pump) nhưng không phát ra tiếng click, đây cũng là lý do mình so sánh nó với switch Brown.

Tinhte.vn_Logitech_G310-17.

Thêm vào đó, với thiết kế "rỗng ruột" thì switch Romer-G cũng đem lại hiệu quả chiếu sáng nền tối ưu hơn so với switch Cherry MX. Thường thì trên những bàn phím dùng switch Cherry MX có tích hợp đèn nền LED, đèn được gắn lên switch và thường nằm lệch tâm switch để nhường chỗ cho cơ cấu vận hành linear của nó. Với kiểu đèn gắn lệch như vậy thì ánh sáng đèn bên cạnh việc chiếu sáng cho keycap che phía trên thì còn bị hắt xuống dưới vỉ phím (lọt sáng) và có thể chiếu sáng không đều.

Với Romer-G, Logitech thiết kế khoảng giữa trống, lò xo to ôm xung quanh slider và ở khoảng giữa này hãng đã tích hợp đèn LED theo kiểu thấu kính. Trên G310 thì nó chỉ đơn giản là một chiếc đèn LED tròn nhưng hiệu quả chiếu sáng nền rất tốt, có thể nói là trọn vẹn trên mỗi keycap và không bị lọt sáng ra ngoài.

Tinhte.vn_Logitech_G310-22.

Ngoài switch Romer-G, Logitech cũng thiết kế lại keycap, bề mặt keycap vẫn ôm theo độ lõm của ngón tay nhưng thay vì được làm cong tự nhiên thì Logitech lại vát chéo các cạnh, khiến bề mặt keycap gồ ghề hơn. Hãng nói là nhằm tăng độ chính xác nhưng thực tế trải nghiệm cho thấy, nếu chơi game, các ngón tay thường được để cố định tại một vài phím thì đúng là kiểu thiết kế này đảm bảo ngón tay bạn luôn bấm đúng vào phím cần bấm.

Tuy nhiên khi gõ văn bản, các ngón tay di chuyển nhanh và liên tục giữa các phím thì thiết kế keycap như vậy cho thấy nhược điểm rõ ràng. Mình mất khá nhiều thời gian để làm quen cũng như khó có thể đạt tốc độ gõ cao nhất trên bàn phím G310 do các ngón tay thường "đi lạc" và sự chuyển đổi nhanh giữa các phím cũng gặp trở ngại khi bề mặt các phím gồ ghề.​

G310 vẫn sử dụng phần mềm Logitech Gaming Software, cắm vào máy tính thì phần mềm tự phát hiện và đưa ra thiết lập riêng. Mặc dù vậy, G310 lại không phải là một chiếc bàn phím cơ mà bạn có thể tùy chỉnh nhiều, phần mềm LGS chỉ cho phép thiết lập vài thứ như độ sáng, đo khu vực gõ phím nhiều nhất (Heat map), khoanh vùng các phím để khi cần có thể vô hiệu hóa bằng một nút tắt và thiết lập Profile theo game. Ngoài ra Logitech còn trang bị một phần mềm có tên ARX Control cài đặt trên điện thoại Android và iOS, nó sẽ hiển thị thông tin về game cũng như giúp chuyển Profile giữa các game, tuy nhiên mình chưa thử nghiệm thành công.

Tinhte.vn_Logitech_G310-1.

Nhìn chung G310 là một làn gió mới trên thị trường bàn phím cơ nhất là phân khúc tenkeyless. Thiết kế lạ mắt, gọn nhẹ, switch kiểu mới là những điểm đáng chú ý nhất trên G310 và đây cũng là những gì Logitech muốn mang lại cho người dùng. G310 có thể là phép thử của Logitech và đối tượng người dùng theo mình sẽ là những fan Logitech hay những người dùng mới tập chơi phím cơ. Ngược lại những anh em chơi phím cơ lâu năm hay đã quen với switch Cherry MX thì sẽ không ưu tiện chọn G310 khi muốn mua một chiếc phím tenkeyless.

(Tham khảo Tinh Tế)