Có 10 triệu Đồng, dựng máy tính chơi game dịp Tết sao cho ngon bổ rẻ?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 27/01/2016 02:30 PM

Một thắc mắc của nhiều anh em game thủ với túi tiền không mấy rủng rỉnh, đó là với 10 triệu, liệu có thể ráp một chiếc máy tính có cấu hình đủ chơi game hay không?

Trong bài này chúng ta sẽ cùng ráp một chiếc máy tính để bàn (desktop PC) và đánh giá hiệu năng của nó nhằm giải đáp một thắc mắc của nhiều anh em là với 10 triệu, liệu có thể ráp một chiếc máy có cấu hình đủ chơi game hay không?

*Mình cũng lưu ý là giá 10 triệu chưa gồm màn hình và các thiết bị ngoại vi như chuột, phím và tất cả linh kiện đều là hàng mới. Mình chỉ ráp một cấu hình tham khảo và mục tiêu của bài này cũng là xin ý kiến của anh em về những phần cứng tốt hơn trong cùng tầm giá. Dưới đây là những gì mình mượn được dựa trên giá tiền:

Thùng máy (case) giá khoảng 300 ngàn;

Bo mạch chủ (motherboard): ASRock B85M Pro4 microATX dùng chipset Intel B85, socket LGA 1150 giá khoảng 1 triệu 450 ngàn;

CPU: Intel Core i3-4150 Haswell giá khoảng 2 triệu 500 ngàn;

RAM: 2 thanh Panram Performance 4 GB bus 1600 giá khoảng 1 triệu;

Ổ cứng: Western Digital Caviar Blue dung lượng 1 TB/7200 rpm/SATA 3 giá 1 triệu 200 ngàn;

Card đồ họa: Palit GTX 750Ti StormX Dual 2 GB GDDR5 giá khoảng 3 triệu;

Nguồn ATX: Zalman ZM300-LE 300 W giá khoảng 400 ngàn.

Mức giá trên mình tham khảo giữa nhiều đại lý phân phối chính hãng hiện nay. Nếu cộng hết lại thì chưa đến 10 triệu, anh em có thể lựa chọn linh hoạt hơn để có giá rẻ hơn nữa. Còn vì sao mình chọn CPU, GPU, bo mạch hay RAM như vậy thì mình cũng giải thích sơ qua như sau:

1. CPU Intel Core i3:

Mình chọn Core i3-4150 bởi hiệu năng của nó khá tốt và giá dễ chịu. Đây là CPU thế hệ Haswell, 2 lõi, 4 luồng, quy trình 22 nm, TDP 54 W. Mặc dù không hỗ trợ Turbo Boost nhưng xung nhịp của con Core i3-4150 này rất cao, ở 3,5 GHz. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ tối đa 32 GB RAM bus tối đa 1600 MHz và tích hợp GPU Intel HD Graphics 4400 khá mạnh trong phân khúc vi xử lý đồ họa tích hợp.

Do đó, nếu không dùng card rời đi nữa thì bạn vẫn có thể khai thác GPU này để làm việc và chơi game với thiết lập cấu hình thấp. Độ phân giải tối đa mà Intel HD Graphics 4400 có thể trình xuất qua HDMI 1.4 là 4096 x 2304 ở 24 Hz và 3840 x 2160 ở tốc độ 60 Hz qua DisplayPort.

*Lựa chọn khác: hiện tại với thế hệ Skylake thì anh em có thể chọn Intel Core i3-6100 (Skylake) 3,7 GHz với mức giá tương đương, đều dưới 2,8 triệu. Cần lưu ý là nếu chọn mua CPU thế hệ Skylake thì bạn cũng cần phải chọn mua bo mạch chủ hỗ trợ socket LGA 1151. Bo mạch chủ hỗ trợ socket LGA 1150 chỉ dùng được với các CPU Haswell hoặc Broadwell.

2. Bo mạch chủ :

ASRock B85M Pro4 không mới, tạm gọi là "đời 2013" bởi nó dùng chipset Intel B85 và mình chọn bởi hiệu năng/giá trị, chưa đến 1,5 triệu. ASRock B85M Pro 4 dùng socket LGA 1150 nên nó hỗ trợ các vi xử lý thế hệ Haswell và Broadwell. Ngoài chipset B85 thì bo mạch này hỗ trợ 4 khe DDR3/DDR3L DIMM đặc biệt là hỗ trợ Dual-Channel 1600 MHzz, tối đa 8 x USB 2.0 và 4 x USB 3.0. Ngoài ra, bo mạch còn có 1 khe PCI Express 3.0 x16, 1 PCI Express 2.0 x16 và 2 x PCI.

*Lựa chọn khác: tầm giá trên dưới 1,5 triệu một chút thì bạn có nhiều lựa chọn tùy thương hiệu như Gigabyte dòng GA-H81M, GA-B85M, ASUS H81M-F Plus, MSI B85M-P33…

3. RAM:

Với 1 triệu thì anh em có thể lắp cho hệ thống 2 cây RAM 4 GB. Giá của RAM 4 GB hiện tại vào khoảng 500 - 600 ngàn tùy thương hiệu, bus 1600 MHz trở lên. Mình mượn được 2 cây Panram bus 1600 4 GB DDR3 để chạy kênh đôi tốt hơn trên bo mạch chủ ASRock B85M.

*Lựa chọn khác: tầm giá từ 1 triệu đến 1,3 triệu bạn có thể mua 2 cây Kingston HyperX Fury Red 4 GB hoặc 2 cây G.Skill dòng Ripjaws, RipjawsX, Aegis 4 GB hoặc Corsair Vengeance.

4. Ổ cứng:

Để chơi game thì chúng ta sẽ cần một chiếc ổ cứng đủ nhanh và dung lượng lớn để chứa dữ liệu trò chơi. Trong trường hợp kinh tế eo hẹp thì anh em có thể mua ổ HDD 3,5" trước, từ từ nâng cấp SSD sau. Theo tham khảo của mình thì hiện tại ổ WD dung lượng 1 TB có giá khá rẻ, các dòng Green hay Blue đều rơi vào khoảng 1,3 triệu đổ lại. Về kinh tế thì mình chọn 1 ổ Blue 1 TB 7200 rpm.

*Lựa chọn khác: nếu thích SSD thì ở tầm giá 1,3 triệu thì dung lượng ổ SSD thường 120 GB đến 128 GB. Các thương hiệu bạn có thể mua gồm SanDisk dòng X110, X210, Kingston V300, Samsung 850 EVO hay Intel 530-25. Tuy nhiên, với dung lượng ít ỏi thì bạn vẫn cần đến một ổ HDD. Do đó giải pháp SSD cho thùng máy 10 triệu mình cho là không kinh tế bằng HDD thường.

5. Card đồ họa:

​ Dĩ nhiên chơi game thì phải có card đồ họa, card càng mạnh chơi càng sướng nhưng bài toán kinh tế là rào cản kiềm hãm sự sung sướng này

Thôi thì tầm 3 triệu chúng ta mua được VGA gì. Khi nghĩ đến card đồ họa giá rẻ thì mình thường chọn Palit, 1 phần cũng vì chính sách bảo hành cháy nổ khá ngon. Tầm 3 triệu thì bạn chỉ có thể mua được card Nvidia GeForce GTX 700 Series và mình chọn con GTX 750Ti. Lý do chọn con này là nó dùng chip đồ họa GM107 thế hệ Maxwell 1 ngon hơn hẳn mấy con dùng GK107 (Kepler) trên các phiên bản GTX 700 Series còn lại. Thêm nữa là GTX 750 Ti có xung nhịp cơ bản lẫn boost trên 1 GHz và bộ nhớ GDDR5 có băng thông cao.

*Lựa chọn khác: theo mình thì tầm 3 triệu đến 3,4 triệu thì GTX 750Ti vẫn là lựa chọn kinh tế. Ngoài thương hiệu Palit thì bạn có thể chọn GTX 750Ti của ASUS, Gigabyte, MSI hay Zotac. Ngoài Nvidia GTX thì ở tầm giá này, bạn cũng có thể chọn AMD Radeon R7 260X. Về các thông số thì R7 260X có một vài điểm cao hơn GTX 750Ti chẳng hạn như xung nhịp bộ nhớ hiệu quả cao, băng thông bộ nhớ cao hơn một chút nhưng về hiệu năng thì thua kém so với GTX 750Ti theo đánh giá của nhiều trang công nghệ. Thêm nữa là nhiều tựa game cũng hỗ trợ chưa tốt card đồ họa của AMD.

6. Nguồn PSU:

​Với các thành phần ăn điện thì bạn nên trang bị cho máy 1 cục nguồn từ 300 W trở lên. Ở tầm giá 600 ngàn đổ lại thì chúng ta có một số lựa chọn như Cooler Master Elite Power, Thermaltake Litepower hay Zalman ZM300-LE.

7. Case máy tính:

Cái này thì vô vàn lựa chọn, bạn có thể mua case mới giá rẻ hoặc tìm mua case cũ. Nếu không quan tâm đến vẻ ngoài thì bạn thậm chí có thể tự chế một bảng gỗ, mica … để gắn các thành phần phần cứng. Mình cũng từng gắn hết phần cứng lên một tấm mica và tiết kiệm được kha khá chi phí. Vài trăm ngàn dư ra bạn có thể mua chuột phím vô tư.

(Tham khảo Tinh Tế)