Kích thước và độ phân giải màn hình
Màn hình có kích thước càng lớn càng tốt, như màn hình 27 inch giúp bạn có cơ hội trải nghiệm các game tốt hơn. Hiện có khá nhiều mẫu màn hình 27 inch thế hệ mới đạt đến độ phân giải WQHD (2560 x 1440 pixel). WQHD cho hình ảnh sắc nét hơn hẳn màn hình Full HD, nhưng máy tính cũng cần phải có một card đồ họa đủ mạnh mới có thể chơi các game có độ phân giải cao như vậy, nhất là khi mọi hiệu ứng đồ họa trong game đều được kích hoạt.
Nếu diện tích phòng hoặc hầu bao không cho phép, bạn có thể chọn một màn hình 23 - 24 inch trên thị trường. Tuy nhiên, ở kích thước này, màn hình thường chỉ có độ phân giải tối đa 1920 x 1080 pixel hoặc 1920 x 1200 pixel. Ngược lại, nếu phòng bạn đủ rộng và tiền bạc không phải là vấn đề lớn, hãy chọn ngay một màn hình 30 inch chuẩn 4K Ultra HD mới nhất với độ phân giải “khủng” 3840 x 2160 pixel để thỏa mãn từng khung hình như thật trong game.
Công nghệ tấm nền màn hình
Hiện nay có 3 công nghệ tấm nền màn hình chủ đạo là TN, VA và IPS, với những ưu nhược điểm riêng của mỗi loại. Màn TN có giá phải chăng và phổ biến nhất trong giới game thủ với tốc độ phản hồi nhanh và khả năng làm mới tốt, nhưng góc nhìn hẹp khiến hình ảnh bị đổi màu khi nhìn ở những góc không trực diện. Màn VA có tỷ lệ tương phản cao, màu sắc trung thực và có chiều sâu, tuy nhiên khi hiển thị những hình ảnh tốc độ nhanh, nó thường phát sinh hiện tượng “bóng ma”- hình ảnh bị lưu lại tại một vị trí trên màn hình lâu hơn bình thường, gây ảnh hưởng đến chất lượng game. Màn IPS cho góc nhìn rộng gần như tuyệt đối, cho màu sắc và độ tương phản tốt, tuy nhiên lại thua kém màn TN một ít về tốc độ phản hồi, ngoài ra nó thường tạo ra ảnh giả do chuyển động (motion artifact).
Tốc độ phản hồi và “làm tươi”
Nếu là một game thủ chuyên nghiệp, bạn nên chọn những loại màn hình có tốc độ phản hồi nhanh và tốc độ làm mới càng cao càng tốt. Tốc độ phản hồi thường được đo bằng mili-giây bằng phương pháp gray-to-gray (thời gian để một điểm ảnh từ sắc độ xám này chuyển sang sắc độ xám khác). Màn hình có tốc độ phản hồi nhanh sẽ hạn chế hiện tượng nhòe ảnh, đồng thời hiển thị hình ảnh mượt hơn so với màn hình có độ phản hồi chậm hơn. Độ phản hồi không quá 2 giây là khá lý tưởng cho mọi loại màn hình, nhưng tốc độ 4 giây vẫn ở mức chấp nhận được với một màn hình chơi game thông thường.
Song song đó, tốc độ “làm tươi” màn hình (refresh rate) là số lần hình ảnh trên màn hình được quét mỗi giây, đo bằng Hz. Phần lớn màn hình LED/LCD hiện nay đều có tốc độ làm mới khoảng 60Hz, nghĩa là màn hình được quét 60 lần/giây. Với màn hình chơi game, tốc độ này hoàn toàn phù hợp vì mắt người khó nhận biết được refresh rate trên 60Hz. Còn nếu muốn thật sự “pro”, bạn hãy tìm mua màn hình có tốc độ làm mới 120Hz. Đây cũng là mơ ước của nhiều game thủ có yêu cầu khắt khe để hiển thị các game 3D hành động mới nhất trên thị trường.
Cổng giao tiếp
Bạn nên chọn loại màn hình chơi game được trang bị nhiều cổng giao tiếp để kết nối dễ dàng với nhiều dòng card màn hình cũng như các loại máy chơi game hiện nay. Các máy chơi game dạng console như PS3/PS4/Xbox thường kết nối với màn hình bằng cổng HDMI, trong khi các card đồ họa cao cấp lại thường dùng kết nối DisplayPort và DVI. Những máy tính có tích hợp thêm cổng USB cũng là tính năng hữu dụng vì phần lớn các thiết bị ngoại vi như tay cầm chơi game (Gamepad), chuột, bàn phím… đều có thể sử dụng kết nối mở rộng này.
>> Đánh giá BenQ RL2455HM – Màn hình đáng lựa chọn cho game thủ