- Theo Trí Thức Trẻ | 02/03/2016 02:00 PM
Đĩa mềm 3 1/2" chỉ có dung lượng khoảng 1,44 MB hay 2,88 MB nhưng trong video dưới đây, bạn sẽ thấy một chiếc đĩa mềm tương tự nhưng có dung lượng đến 128 GB? Thật khó tin nhưng anh chàng modder có biệt danh DrModdnstine đã làm được, vậy bằng cách nào? Đĩa mềm có lẽ không quen thuộc với một số anh em mới dùng máy tính gần đây, nhưng khoảng 20 năm trước thì nó phổ biến như USB hay như ổ cứng di động hiện nay. Thậm chí còn hơn vì chúng ta có thể cài cả một hệ điều hành Windows từ 10 ổ di động này...
Đĩa mềm... 120GB
Câu trả lời thì hẳn các bạn đã có vào cuối video. Thực ra DrModdnstine đã nhét một chiếc thẻ nhớ SD vào đĩa mềm và chế lại ổ đĩa Floppy thành một đầu đọc thẻ nhớ.
Đầu tiên để tạo ra chiếc đĩa mềm dung lượng 128 GB, anh ta đã cắt thêm một phần dưới cửa trập (Shutter) của đĩa mềm, đủ để nhét vừa chiếc thẻ nhớ SD sao cho chân tiếp xúc của thẻ nhớ lộ ra tại cửa trập. Dung lượng này giúp anh cùng lúc "nhét" vừa rất nhiều game khủng bên trong như Fallout 4, The Witcher 3 hay cả MGS V, khi tổng dung lượng của cả ba tựa game này cũng chỉ lần lượt là 40, 30 và 20GB, còn chưa chiếm hết chiếc thẻ nhớ nhỏ mà có võ.
Tiếp theo là bước phức tạp hơn, chế ổ Floppy thành đầu đọc thẻ nhớ. Quy tình này đòi hỏi kiến thức về hàn và nối dây. DrModdnstine cho biết anh phát hiện ra rằng đầu cáp kết dẹt IDE kết nối ổ Floppy cỡ 5 1/4" có khoảng cách giữa các chân pin trùng khớp với khoảng cách giữa các chân tiếp xúc trên thẻ nhớ SD.
Vậy là đầu cáp này được cắt ra, các chân pin được xếp theo hàng để làm "mắt đọc" cho thẻ nhớ SD trong khi các dây kết nối được tách ra và hàn với các chân tiếp xúc trong khe đọc thẻ. DrModdntine dùng một chiếc đầu đọc dùng chuẩn USB 3.0 của Transcend, giá chỉ 6 đô.
Khi gắn chiếc " thẻ nhớ đội lốt đĩa mềm " vào ổ Floppy thì cửa trập sẽ được kéo ngang nhờ cơ cấu nguyên thủy của ổ Floppy và các chân tiếp xúc trên thẻ nhớ sẽ khớp với các chân pin từ cáp IDE. Nhờ kết nối USB, hệ thống ổ Floppy kiêm đầu đọc thẻ này sở hữu kết nối đủ nhanh để đảm bảo tốc độ truyền tải của thẻ SD.
Điều thú vị hơn cả trong video là các bạn có thể thấy chiếc máy tính được DrModdnstine dùng là chiếc IBM Aptiva 350 2168 đời 1995. Nếu theo cấu hình gốc của chiếc máy này thì nó chạy CPU Intel i486DX2 tốc độ chỉ 66 MHz, RAM 4 MB (64 MB tối đa), ổ cứng Maxtor 7540AV 540 MB PATA 3600 rpm và dùng nguồn Astec 145 W. Vậy làm sao máy có thể nhận đến 128 GB? Khi nhét cái "thẻ SD đội lốt đĩa mềm" vào máy thì bạn có thể thấy giao diện hệ điều hành là Windows 10? Vậy làm sao cấu hình trên có thể chạy nổi phiên bản hệ điều hành này?
Chúng ta đã bị DrModdnstine troll bởi anh ta đã chế lại toàn bộ chiếc IBM Aptiva và bên trong thùng máy cũ kỹ đó là một cấu hình rất khủng với:
CPU: Intel Core i7-6700K 4 lõi 8 luồng, tốc độ 4 GHz (Turbo Boost 4,2 GHz);
Tản nhiệt CPU: Corsair H80i 77.0 CFM Liquid Cooler;
GPU: ASUS Radeon R9 390 8 GB;
Bo mạch chủ: ASUS MAXIMUS VIII Gene Micro ATXX LGA1151;
RAM: Corsair Vengeance LPX 16 GB (2 x 8 GB) DDR4-3000;
Ổ cứng: Samsung 850 EVO 250 GB SSD 2,5";
Nguồn: Corsair RM 750W 80+ ATX PSU.
Như vậy, Dr Moddnstine đã tạo ra một dàn máy bàn cổ điển khá hoàn chỉnh với thùng máy IBM Aptiva và để tăng thêm độ cổ thì anh ta còn trang bị thêm bàn phím buckling spring IBM Model M, những chiếc đĩa mềm 3 1/2 và thậm chí có cả chiếc điện thoại cục gạch nữa. Chỉ riêng con chuột Logitech G430, dàn loa và màn hình HP thì chưa đồng điệu lắm thôi.
(Tham khảo Tinh Tế)