Vào thời điểm này đối với các tín đồ PC, GTX 960 đang là mối quan tâm bậc nhất. Nhìn vào những gì GTX 750, 750 Ti và 970 đã thể hiện, GTX 960 cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên một con bão hiệu năng và p/p giống như thế.
Trước khi card chính thức lên kệ, có rất nhiều lời đồn đoán GTX 960 sẽ có hiệu năng nằm trong khoảng giữa GTX 760 và 770 và được set giá ngang với GTX 760. Cộng thêm điện năng tiêu thụ thấp và yêu cầu chỉ 1 nguồn phụ, GTX 960 sẽ là sản phẩm phù hợp với các cấu hình tầm giá 14 đến 17 triệu đồng.
Bài review ngày hôm nay sẽ bao gồm 2 nội dung: Một là đánh giá chi tiết hiệu năng của chiếc card đồ họa GTX 960, và hai là giới thiệu đến độc giả Gainward GTX 960 Phantom - sản phẩm mang thiết kế rất độc và lạ.
Hiện GTX 960 đang có giá từ 5.200.000 tới 7.300.000 VNĐ tùy hãng và tùy phiên bản. Chiếc Gainward GTX 960 Phantom trong bài viết này có giá bán lẻ là 5.820.000 VNĐ.
Thay đổi trong kiến trúc
Nói về kiến trúc, ở GTX 960 có cả tin tốt lẫn tin xấu. Tin tốt là GPU GM206 sản xuất dựa trên kiến trúc Maxwell - tối ưu rất nhiều về hiệu năng lẫn điện năng tiêu thụ so với Kepler trước đó. GTX 750, 750 Ti, 970 và 980 là 4 card đồ họa thể hiện sự ưu việt của kiến trúc này. GTX 750 và 750 Ti hiện đang là 2 card đồ họa không nguồn phụ mạnh nhất, còn GTX 970 cũng hô phong hoán vũ ở phân khúc cao cấp với p/p cao không tưởng.
Còn tin xấu? GM206 bị cắt giảm bề rộng nhớ chỉ còn 128 bit, chỉ bằng một nửa GTX 760. Do đó dù xung nhớ rất cao nhưng băng thông của GTX 960 vẫn thấp hơn GTX 760 rất nhiều. Điều này có thể dẫn tới 2 hệ quả:
- Hiệu năng của kiến trúc không được khai thác hết vì nghẽn băng thông.
- Hiệu năng ép xung hạn chế, cũng do nghẽn băng thông.
Có thể Nvidia cố tình làm vậy để hạn chế hiệu năng của GM206, để dành bề rộng nhớ 192 bit cho một sản phẩm mạnh hơn nằm giữa GTX 960 và 970, nhiều khả năng là GTX 960 Ti.
Gainward GTX 960 Phantom
Gainward GTX 960 Phantom mang dáng dấp của một sản phẩm cao cấp. Vỏ hộp to, cứng và có hẳn quai xách.
Sản phẩm được đóng gói chắc chắn với 1 lớp hộp nhựa bên trong nữa.
Phụ kiện đi kèm bao gồm sách hướng dẫn, đĩa cài driver, cổng chuyển DVI-Dsub và dây nguồn từ molex ra 6 pin.
Chiếc card khoác trên mình tản nhiệt Phantom trứ danh của Gainward. Trong khi đa phần các hãng đều chạy theo xu hướng hầm hố thì Gainward lại chọn hướng đi rất riêng: Đó là phong cách classic cổ điển. Hoàn toàn không có những đường nét cầu kỳ, góc cạnh sắc lẹm hay màu mè hoa mỹ.
Nhìn từ bất kỳ góc nào, GTX 960 Phantom cũng cho tôi một cảm giác rất lạ.
Một trong những ưu điểm lớn của GTX 960 nói riêng và kiến trúc Maxwell nói chung nằm khả năng tiết kiệm điện. GTX 960 Phantom chỉ yêu cầu một nguồn phụ 6 pin, điện năng tiêu thụ khoảng 120W. Do vậy chiếc card là lựa chọn nâng cấp sáng giá cho các cấu hình cũ, cũng như build mới khi người dùng có thể giảm chi phí bộ nguồn để đầu tư thêm vào RAM hay CPU.
Thiết kế tản nhiệt chính là điểm độc đáo nhất của dòng Phantom. Khả năng tháo lắp linh hoạt cho phép người dùng dễ dàng vệ sinh tản nhiệt mà không cần phải tháo tung card ra.
Đang chụp dở thì có fan hâm mộ quá khích xông vào pose hình ké:
Linh kiện và tản nhiệt
Thông thường phần này tôi sẽ mở tản nhiệt để chụp ảnh và đánh giá trực tiếp. Tuy nhiên sản phẩm bị dán tem niêm phong lên ốc, sẽ bị mất bảo hành nếu tháo tản nhiệt.
Vì thế tôi đành mượn tạm một tấm hình được chụp bởi một site công nghệ khác:
Gainward GTX 960 Phantom được trang bị 3 + 1 phase điện: 3 phase cho GPU và 1 phase cho bộ khiển VRAM. Đây là lượng phase điện thường thấy ở các card đồ họa 1 nguồn phụ. GTX 960 có TDP chỉ 120W nên số lượng này theo tôi là đủ. Bộ nhớ 2 GB DDR5 với 4 chip nhớ 512 MB do Samsung sản xuất.
Xung nhịp hoạt động - Ép xung
Gainward GTX 960 Phantom được ép xung sẵn lên 1203/1800 MHz so với mặc định 1127/1750 MHz của Nvidia. Khi chơi game, card hoạt động ở xung boost 1354/1800 MHz.
Tiến hành ép xung card, mức cao nhất mà tôi đạt được là 1375/1975 MHz. Thực tế card hoạt động ở xung boost 1552/1975 MHz.
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4
Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz
Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866
Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
Nguồn: 660W
Card đồ họa:
- Nvidia GTX 660
- Nvidia GTX 760
- Nvidia GTX 770
- Nvidia GTX 960
- Nvidia GTX 970
- AMD R9 280X
- AMD R9 285
- Gainward GTX 960 Phantom
Phần mềm và game thử nghiệm
- Nvidia Driver 347.25 WHQL
- AMD Driver Catalyst 14.12 WHQL
- 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024)
- 3DMark 11: Thiết lập Extreme Preset (1920 x 1080)
- 3DMark 2013: Fire Strike
- Batman: Origins (DX 11)
- BioShock Infinite (DX 11)
- Crysis 3 (DX 11)
- Dirt 3 (DX 11)
- Hitman Absolution (DX 11)
- Metro: Last Light (DX 11)
- Total War Rome 2 (DX 11)
- Sleeping Dogs (DX 11)
- Sniper Elite V2 (DX 11)
- Thief (DX 11)
- Tomb Raider (DX 11)
Kết quả thử nghiệm
Có một vấn đề xảy ra với GTX 960: Đó là nghẽn băng thông. Với việc cắt giảm giao tiếp nhớ xuống còn 128 bit (so với 256 bit trên GTX 760), băng thông của GTX 960 theo đó cũng giảm 1 nửa so với người tiền nhiệm. Vì thế ta có thể thấy tại một số game, GTX 960 cho khung hình kém hơn GTX 760.
Nhiệt độ - Độ ồn
Vào thời điểm thực hiện bài test này, nhiệt độ phòng đang là 21 độ C. Nhiệt độ hoạt động của Gainward GTX 960 Phantom trên benchtable:
- Idle: 30 độ C.
- Game (Default): 62 độ C, fan 51% ~ 1380 vòng/phút.
- Game (@1375/1975 MHz): 66 độ C, fan 56% ~ 1500 vòng/phút.
Đối với series GTX 900, nhiệt độ hoạt động dưới 80 độ C là đạt yêu cầu vì khi chạm ngưỡng này xung boost giảm dần để duy trì nhiệt độ. Theo đó, tản nhiệt Phantom đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong môi trường 21 độ C, card chỉ chạm mức 62 độ ở xung nhịp mặc định và 66 độ khi OC hết cỡ. Bên cạnh đó, card hoạt động hoàn toàn êm ái, xứng đáng chấm điểm tuyệt đối!
Tổng kết
Tổng quan hiệu năng GTX 960 và các sản phẩm khác trong phân khúc:
Gainward GTX 960 Phantom nói riêng và GTX 960 nói chung là sản phẩm rất ngon, hoàn toàn bá chủ trong phân khúc 5 đến 8 triệu đồng. Không chỉ hiệu năng mạnh và p/p cao, GTX 960 còn có điện năng tiêu thụ rất thấp chỉ 120W, yêu cầu 1 nguồn phụ 6 pin và bộ nguồn công suất thực 450W. Cùng lúc GTX 960 thay thế 2 đàn anh 760 và 770, đồng thời đánh bật cả 2 đối thủ AMD là R9 285 và 280X giá cao hơn rất nhiều. Đây sẽ là lựa chọn nâng cấp hot nhất trong thời gian tới, đồng thời đáp ứng dải build case rất rộng từ 14 tới 17 triệu đồng.
Tuy nhiên, GTX 960 không phải là sản phẩm không có điểm yếu. Bị cắt giảm bề rộng nhớ xuống còn 128 bit khiến băng thông hạn chế, hiệu năng của card khi ép xung tăng lên không nhiều. Đây sẽ là điểm cần cân nhắc đối với các dân chơi đam mê OC.
Trên đây là những nhận xét về GTX 960 nói chung, còn riêng về chiếc GTX 960 Phantom của Gainward, tôi đánh giá đây là một sản phẩm toàn diện về mọi mặt. Card có thiết kế độc và lạ, mang nét cổ điển riêng biệt, ngược hoàn toàn với phong cách hầm hố mà các hãng đều đang theo đuổi. Tản nhiệt xứng đáng chấm hơn điểm tuyệt đối, ngoài nhiệt độ mát và độ ồn siêu thấp còn rất dễ vệ sinh nhờ thiết kế fan dễ dàng tháo rời. Khả năng ép xung của card cũng vô cùng ấn tượng khi đạt tới 1375/1975 MHz (thực tế boost lên 1552/1975 MHz).
Gainward GTX 960 Phantom hiện có giá bán lẻ 5.820.000 VNĐ.
Ưu:
- Hiệu năng mạnh, p/p ngon.
- Phong cách classic cổ điển.
- Tản nhiệt 4 heat pipe mát, êm tuyệt đối.
- Thiết kế tản nhiệt độc đáo, dễ dàng tháo lắp vệ sinh.
- Ép xung sẵn.
- Khả năng ép xung thêm rất cao.
- Giá hợp lý.
Nhược:
- Hiệu năng tăng không tương xứng khi ép xung thêm.
- Dán tem niêm phong lên ốc, tháo tản nhiệt sẽ mất bảo hành.
Xin cảm ơn Công ty Máy tính An Phát và Công ty TNHH Vinmed Việt Nam đã hỗ trợ sản phẩm cho bài viết.
>> Trên tay card đồ họa ZOTAC GeForce GTX 960 AMP cực độc tại Việt Nam