Card đồ họa Asus R9 285 Strix: Cú đêm săn mồi

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/12/2014 05:00 PM

Hiệu năng mạnh mẽ với độ im lặng tuyệt đối là 2 ưu điểm nổi bật của chiếc card đồ họa Asus R9 285 Strix.

“Strix” - trong tiếng La Mã và Hy Lạp cổ - có nghĩa là “con cú”. Cú là loài chim hoạt động về đêm với bản năng săn mồi cực mạnh. Con mồi của chúng thường là những động vật nhỏ như chuột, sóc… Chúng đều là nạn nhân của đôi mắt xuyên đêm tinh tường, đôi tai cực thính, sự kiên nhẫn rình rập, phản xạ cực nhanh và những cú bổ nhào không tiếng động.

Lấy cảm hứng từ loài vật có rất nhiều đặc điểm của game thủ, Asus đã cho ra đời dòng sản phẩm chơi game Strix với độ phủ rất rộng từ phần cứng máy tính cho tới Gaming Gear: Card đồ họa, chuột chơi game, bàn phím, tai nghe và bàn di chuột.

Nằm trong brand Strix, sản phẩm hôm nay tôi muốn giới thiệu là Asus R9 285 Strix - một card đồ họa đánh vào phân khúc chơi game cao cấp của AMD. Đây cũng là phiên bản R9 285 duy nhất đang được bán tại Việt Nam, có giá 7.300.000 VNĐ tại Phong Vũ Computer. Với giá này, Asus R9 285 hiện đang nằm giữa GTX 760 và GTX 770 của Nvidia. Hãy xem chiếc card có thể làm được những gì.

Asus R9 285 Strix

Chiếc card tôi nhận được là sample của hãng, không có vỏ hộp. Đập vào mắt tôi ngay lập tức là một… con cú vọ, đôi mắt trợn trừng mở to, nhìn chất lừ.

Là sản phẩm phân khúc cao cấp, card tương đối dài và cứng cáp. Đặc biệt board mạch được đỡ bằng một miếng back plate dày. Miếng này có nhiệm vụ giúp board mạch đỡ sức nặng của tản nhiệt, chống cong vênh tuyệt đối.

Card yêu cầu 2 nguồn phụ 6 pin, nghĩa là điện năng tiêu thụ tối đa rơi vào 225W - thấp hơn 75W so với người anh em R9 280X. Người dùng sẽ cần một bộ nguồn công suất thực khoảng 500W để sử dụng R9 285.

Từ 2 góc nhìn này, tôi đếm thấy có tổng cộng 3 heat-pipe bằng đồng, đường kính lớn. Tất cả đều được mạ niken chống oxy hóa. Đồng là chất rất dễ bị xỉn do oxy hóa, đặc biệt với nhiệt độ hoạt động cỡ 80 độ C của VGA.

Quạt tản nhiệt 11 cánh đường kính lớn, hoạt động vừa êm ái vừa hiệu quả.

Các cổng xuất hình gồm: 2 cổng DVI, 1 cổng HDMI và 1 cổng DisplayPort.

Phiên bản Strix được ép xung sẵn lên 954/1375 MHz, cao hơn 4% so với mức 918/1375 MHz của AMD.

Tản nhiệt & linh kiện

Nước mạch màu đen cứng cáp nhìn rất thích mắt.

Card được trang bị 5 phase điện dung tích lớn cho GPU. Mỗi phase được lọc bởi 2 tụ lọc. Ngoài ra, khi chịu tải nặng dàn mosfet rất hay nóng nên được Asus gắn thêm một heat-sink tản nhiệt.

2 phase cấp điện cho IMC và bộ nhớ nằm ở mép phải board mạch. 2 phase này cũng được trang bị cuổn cảm dung tích lớn và 3 mosfet điều khiển mỗi phase.

8 chip nhớ Elpida dung lượng 256 MB nằm quanh GPU, hợp thành bộ nhớ 2 GB.

GPU được trét keo tản nhiệt rất kỹ. Nhìn lớp keo dàn đều có thể thấy GPU tiếp xúc rất tốt với đế tản nhiệt.

Tản nhiệt được gia công kỹ càng. Các lá nhôm bóng loáng đều tăm tắp.

3 ống dẫn nhiệt bằng đồng tiếp xúc trực tiếp với GPU.

Cấu hình thử nghiệm

Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4

Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz

Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866

Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

Nguồn: 660W

Card đồ họa:

- Asus R9 270 DCII OC – 975/1400 MHz (xung gốc của AMD 900/1400 MHz)

- Asus R9 285 Strix – 954/1375 MHz (xung gốc của AMD 918/1375 MHz)

- Sapphire R9 280X Dual-X – 1020/1400 MHz (xung gốc của AMD 1000/1500 MHz)

- Gainward GTX 760 Phantom – 1072/1550 MHz (xung gốc của Nvidia 980/1502 MHz)

- Zotac GTX 660 – 993/1502 MHz (xung gốc của Nvidia 980/1502 MHz)

- Zotac GTX 770 – 1059/1753 MHz (xung gốc của Nvidia 1046/1753 MHz)

Phần mềm và game thử nghiệm

- Nvidia Driver 344.75 WHQL

- AMD Driver Catalyst 14.4 WHQL

- 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024)

- 3DMark 11: Thiết lập Performance Preset (1280 x 720)

- 3DMark 2013: Fire Strike

- Batman: Origins (DX 11)

- BioShock Infinite (DX 11)

- Crysis 3 (DX 11)

- Dirt 3 (DX 11)

- Hitman Absolution (DX 11)

- Metro: Last Light (DX 11)

- Total War Rome 2 (DX 11)

- Sleeping Dogs (DX 11)

- Sniper Elite V2 (DX 11)

- Thief (DX 11)

- Tomb Raider (DX 11)

Kết quả thử nghiệm

Ép xung - nhiệt độ - độ ồn

Thời điểm test của tôi diễn ra vào lúc Hà Nội còn chưa lạnh, nhiệt độ phòng đang là 27 độ C.

Tản nhiệt của Asus R9 285 Strix hoạt động theo chế độ rất đặc biệt:

- Dưới 64 độ C: cả 2 quạt không quay.

- 64 -> 66 độ C: chỉ 1 quạt hoạt động.

- 67 độ C trở lên: cả 2 quạt hoạt động.

Nhờ vào chế độ hoạt động như vậy, card im lặng tuyệt đối khi người dùng treo máy ban đêm, không làm phiền đến giấc ngủ. Ngay cả khi chơi game fan quay 45%, tôi cũng không nghe thấy một tiếng ồn động nào từ card dù là nhỏ nhất. Phải dùng phần mềm tăng tốc độ quạt lên 60% tôi mới bắt đầu nghe thấy tiếng gió nhỏ. Về độ im lặng khi hoạt động, Asus R9 285 là một chiếc card hoàn hảo.

Có hiệu năng gần bằng R9 280X và điện năng tiêu thụ tối đa thấp hơn 75W, khả năng OC của R9 285 là không nhiều. Tôi chỉ kéo lên được 1040/1500 MHz (so với ban đầu 954/1375 MHz). Hiệu năng tăng 8,2%:

Nhiệt độ hoạt động của Asus R9 285 Strix (nhiệt độ phòng 27 độ C, benchtable): - Idle: 40 độ C. - Gaming (Default 954/1375 MHz): 74 độ C; fan 44%. - Gaming (@1040/1500 MHz): 75 độ C, fan 47%. Tổng kết Biểu đồ tổng kết hiệu năng các

card đồ họa tham gia bài viết:

Tản nhiệt Strix là một phá cách trong thiết kế của Asus. Card có hình thức độc đáo lạ mắt, và quan trọng nhất là hoạt động cực êm cùng hiệu năng tản nhiệt cực tốt. Với chế độ hoạt động của quạt, người dùng có thể yên tâm về sự yên lặng tuyệt đối của Strix, cũng như nhiệt độ của GPU. Sau khi tiếp xúc với R9 285 Strix, thiện cảm của tôi về cái tên Strix tăng lên rất nhiều.

Còn về R9 285, đây là một sản phẩm có p/p bình thường trong phân khúc của GTX 760, GTX 770 và R9 280X. Card có khả năng chiến đa số game offline hiện nay với thiết lập cao nhất. Nếu chưa đủ khả năng chạm tới GTX 970 nhưng GTX 660 lại chưa đủ nhu cầu, bạn nên đưa R9 285 Strix vào danh sách lựa chọn.

Ưu:

- Thiết kế phá cách.

- Tản nhiệt mát, êm tuyệt đối.

Nhược:

- Khả năng ép xung không cao.

- Ít nơi bán.

Giá tham khảo các sản phẩm được so sánh trong bài viết theo báo giá của An Phát. Xin cảm ơn Công ty Máy tính An Phát và AMD Việt Nam đã hỗ trợ sản phẩm cho bài viết.

- Asus R9 270 DCII OC: 5.700.000 VNĐ

- Asus R9 285 Strix: 7.300.000 VNĐ (theo Phong Vũ Computer)

- Sapphire R9 280X Dual-X: 7.900.000 VNĐ

- Gainward GTX 760 Phantom: 6.490.000 VNĐ

- Zotac GTX 660: 4.087.000 VNĐ

- Zotac GTX 770: 8.260.000 VNĐ

>> Lộ diện thông tin về card đồ họa R9 390X mới của AMD