Thiết kế chuột máy tính giờ đây đã được cải tiến theo phong cách công thái học nhằm mang lại cảm giác sử dụng thoải mái nhất, tránh gây tổn thương cho bàn tay và cổ tay. Một trong những thiết kế chuột theo xu hướng này là chuột dọc (vertical mouse) và trong bài hôm nay, mình sẽ giới thiệu đến các bạn một mẫu chuột laser khá thú vị của Anker với tên gọi Wireless Vertical Mouse.
Thiết kế chuột dọc có gì hay và liệu có mang lại trải nghiệm sử dụng tốt hơn so với thiết kế chuột truyền thống hay không thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu. Hình ảnh một con chuột máy tính nằm ngang trên bàn với 2 phím chuột trái/phải và bánh xe ở giữa đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta. Như một thói quen, khi sử dụng máy tính, chúng ta đưa bàn tay phải hoặc trái, úp lòng bàn tay lên con chuột, để ngón tay lên 2 phím chuột và rê để di chuyển trỏ chuột.
Dù chuột sử dụng bi lăn, chuột quang hay chuột laser thì cách chúng ta dùng chuột xưa nay vẫn không khác nhiều. Tuy nhiên với chuột dọc thì mọi chuyện có hơi khác một chút, khác ở chính thiết kế của nó.
Thiết kế
Anker Wireless Vertical Mouse có thiết kế không giống bất cứ loại chuột nào mà chúng ta vẫn hay dùng. Nó không "bò bò" trên bàn mà thay vào đó dựng thẳng lên như một ngọn tháp nho nhỏ. Khi mình sử dụng con chuột này thì nhiều người bạn của mình đã mô tả vui về thiết kế của nó như sau. 1 người nói: "Con chuột gì trông giống cái bánh ú vậy", người khác lại nói: "Nhìn xa xa giống cánh buồm quá", 1 người nữa lại nói: "Cầm giống cách cầm cây vợt bóng bàn".
Tất cả những ý kiến này đều có phần chính xác với vẻ ngoài của Anker Wireless Vertical Mouse. Về chất liệu thì Anker Wireless Vertical Mouse được làm hoàn toàn bằng nhựa, bề mặt được hoàn thiện dạng soft-touch với một lớp phủ mềm mang lại cảm giác cầm rất thích, êm tay và cảm nhận cao cấp. Lớp phủ vẫn hơi bám vân tay nhưng khá dễ lau chùi.
Riêng mặt dưới chuột là một lớp nhựa cứng hơn, hơi sần với các miếng nhựa trơn ở 4 góc như thiết kế chuột truyền thống. Mặt dưới còn có, nút bật/tắt thiết kế khá thô, mắt quang học laser công nghệ Optical Tracking cho độ nhạy cao hơn, thao tác mượt mà và chính xác hơi trên nhiều bề mặt. Ngay dưới mắt quang học là khe pin, dùng 2 viên pin AAA và khe nhét nano receiver tần số 2,4 GHz, cự ly sử dụng 10 m. Về thiết kế, Anker Wireless Vertical Mouse trông khá là giống một cánh buồm căng gió nếu nhìn từ mặt bên. Thân chuột có nhiều đường nét lồi lõm nhằm ăn khớp với lòng bàn tay của chúng ta khi cầm.
Nhìn từ sau nơi có logo Anker, thân chuột nghiêng về bên trái với một phần lõm nơi bạn sẽ đặt lòng bàn tay và ngón cái vào. Trong phần lõm này được tích hợp một dải màu trắng trong mờ, ôm theo đường cong của chuột, trông khá giống logo Nike. Đây chính là đèn báo kết nối và báo chuyển đổi độ nhạy DPI cho chuột.
Ngay phía trên phần lõm là một mảng được cắt phẳng, tại rìa dưới có 2 nút Back/Forward và phía trên là nút điều chỉnh DPI với 3 mốc là 800/1200/1600 DPI. Vị trí các phím bấm khá hợp lý, vừa tầm với của ngón tay cái, phím to và mềm rất dễ bấm.
Nhìn từ mặt ngoài chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các phím quen thuộc là chuột trái/phải và bánh xe cuộn. Các phím to, độ nẩy tốt nên khi nhấp, cảm giác rất tự tin chứ không hụt tay. Bánh xe được làm khá chất lượng với viền cao su có khía chuống trượt, ốp 2 bên là 2 đĩa nhựa mạ chrome tạo điểm nhấn. Bánh xe hỗ trợ thao tác cuộn theo nấc và kiêm luôn nút chuột giữa khi nhấn vào.
Trải nghiệm
Với thiết kế như vậy, cách bạn cầm chuột cũng khác. Thay vì úp bàn tay lên chuột thì bạn có thể cầm dọc. Bạn mở lòng bàn tay như đang chuẩn bị cầm ly nước và áp vào phần lõm trên thân chuột và nắm lại. Lúc này, ngón tay cái của bạn sẽ nằm trong phần lõm, .. bàn tay và các ngón tay nằm ở phần lồi bên ngoài. Cổ tay xoay hơi nghiêng hướng lên giống như tư thế bắt tay thay vì nằm ngang trên mặt bàn. Do đó, thao tác cổ tay sẽ tự nhiên hơn, đỡ mỏi hơn như khi dùng chuột thông thường.
Cách chúng ta rê chuột cũng thay đổi và có vẻ hơi thiếu tự nhiên. Với chuột thông thường, chúng ta đặt bàn tay lên và rê giống như xòe lòng bàn tay xoa trên mặt bàn. Trong trường hợp cần trỏ chuột di chuyển chính xác, chẳng hạn như chỉnh sửa đồ họa, vẽ … thì chúng ta có thể tì thêm ngón tay xuống bề mặt và giảm DPI để hãm tốc trỏ chuột. Với Anker Wireless Vertical Mouse, chúng ta sẽ phải làm quen với kiểu cầm chuột dọc và rê theo kiểu cầm ly nước và xoa đáy ly trên mặt bàn. Chúng ta vẫn có thể hãm tốc trỏ chuột bằng cách đặt ngón út và má ngoài bàn tay xuống tì nhưng có vẻ như cảm giác vẫn không tự tin như kiểu cầm chuột thông thường.
Thêm nữa, thiết kế chuột khá nhẹ, khoảng 113 g chưa tính 2 cục pin AAA và phần đế lại bị thu hẹp làm giảm diện tích tiếp xúc khi rê chuột. Do đó, khi cầm và rê chuột thì mình cảm thấy hơi thiếu một chút gì đó về độ nặng. Ngoài ra, do đế nhỏ nên mình gặp phải tình trạng là dễ làm đổ, đánh rơi chuột. Theo thói quen đang gõ phím trên máy tính, mình đưa tay sang phải cầm chuột nhưng do chuột thiết kế dọc, cao hẳn lên khỏi mặt bàn nên vô tình hất sang bên rơi xuống bàn, may mắn là chụp lại được.
Về độ nhạy, với 3 mốc DPI 800/1200/1600 thì Anker Wireless Vertical Mouse cho phép bạn điều chỉnh tốc độ chuột khá thoải mái. Mình thường dùng 800 DPI để làm việc và chơi game ở 1200 DPI. Công nghệ Optical Tracking cho phép chuột hoạt động trên nhiều bề mặt và chính xác nhưng vẫn chào thua với kính mỏng. Kết nối 2,4 GHz cũng đảm bảo tín hiệu ổn định, qua sử dụng thì mình không phát hiện tình trạng giật, lag của chuột.
Nói chung trải nghiệm khi làm việc với chuột khá dễ dàng nhưng chơi game thì không thật sự thuận tiện. Nhất là với những game như FPS thì tốc độ chuột, độ chính xác và sự thoải mái khi thao tác là yếu tố hàng đầu quyết định thắng thua. Dĩ nhiên Anker Wireless Vertical Mouse có thể đáp ứng 3 yếu tố này nhưng phải mất nhiều thời gian để làm quen.
Về độ bền, Anker cho biết chuột có số lần click khoảng 1 triệu lần. Đây là một con số lớn nhưng vấn đề mình quan tâm là chất liệu của chuột. Lớp phủ soft-touch bên ngoài qua thời gian có thể bị mòn đi ảnh hưởng đến thẩm mỹ và trải nghiệm sử dụng. Hy vọng Anker đã hoàn thiện tốt lớp phủ này.
Qua sử dụng, mình cảm thấy rằng tay mình phải bóp vào thân chuột với mối cú click. Thiết kế phím chuột to, độ phản hồi tốt nhưng hơi cứng yêu cầu một lực kha khá. Đặc biệt là với bánh xe, khi muốn click chuột giữa thì mình phải dùng một lực khá mạnh và tì ngón tay cái vào thân chuột để ấn xuống.
Receiver của Anker lớn hơn một chút so với Receiver của Logitech G Series.
Về tương thích hệ thống, Anker Wireless Vertical Mouse hỗ trợ Windows từ XP đến Windows 8, Linux và Mac OSX. Nano receiver theo chuột chỉ cần cắm vào là dùng, không cần ghép nối hay cài đặt phần mềm gì thêm, rất đơn giản. Mình đã thử nghiệm chuột trên cả 3 nền tảng Windows 8.1, Linux và Mac OSX. Kết quả là tất cả các nút trên chuột đều hoạt động bình thường với Windows và Linux, riêng Mac OSX thì 2 phím Back/Forward không dùng được.
Anh em dùng Mac OSX nên lưu ý điều này nếu muốn dùng Anker Wireless Vertical Mouse. Về pin, Anker không bán kèm pin cho chuột, phải mua riêng nên thời lượng pin còn tùy thuộc vào dung lượng pin mà bạn dùng cho chuột. Trước mắt sau 4 ngày sử dụng thì chuột vẫn chạy ngon lành, chưa thấy báo hết pin. Ngoài ra, chuột còn được tích hợp chế độ tiết kiệm pin khá hay. Sau 8 phút không hoạt động, nguồn điện sẽ được ngắt hoàn toàn. Tổng kết:
Anker Wireless Vertical Mouse là một con chuột độc đáo, vừa đẹp mắt vừa mang thiết kế công thái học giảm thiểu chấn thương cổ tay. Qua sử dụng, mình khá hài lòng với nó ngoại trừ một số nhược điểm về thiết kế như đã nêu trong bài. Nếu bạn quan tâm đến sức khỏe hay chỉ đơn thuần là muốn thử một trải nghiệm mới lạ thì bạn có thể đầu tư.
Tóm tắt ưu nhược điểm:
Ưu điểm: Thiết kế công thái học, giảm thiểu chấn thương cổ tay; Hoàn thiện khá tốt, mang lại trải nghiệm sử dụng thú vị; Cảm biến quang học cho độ nhạy, độ chính xác cao; 3 tùy chọn DPI với đèn báo; Các phím Back/Forward bố trí hợp lý, dễ bấm.
Nhược điểm: Chuột khá nhẹ, hơi thiếu cân bằng; Phím chuột trái/phải/giữa khá cứng, cần nhiều lực hơn để nhấn; Tương thích chưa tốt với Mac OSX; Không kèm pin theo chuột.
(Theo Tinh Tế)
>> Những chú chuột chơi game đáng mua nhất hiện nay