- Theo Trí Thức Trẻ | 11/12/2015 04:23 PM
Đôi khi bạn nhìn vào cửa hàng linh kiện máy tính và hoài nghi, một cái màn hình 20 triệu nhìn đẹp thì công nhận là cũng đẹp thật, nhưng liệu có hơn gì màn Dell Ultrasharp đang dùng chơi game ở nhà hay không? Câu trả lời là có, rất nhiều. Đối với game thủ, họ có thể dễ dàng kiếm những món đồ ngon, rẻ và phù hợp với khả năng tài chính cũng như nhu cầu chơi game của mình. Nhưng lần này thì khác, chúng ta được cận cảnh một món đồ chơi công nghệ chuyên game “đắt nhưng xắt ra miếng”.
Giờ đây muốn mua một màn hình với công nghệ G-Sync độc quyền cho card đồ họa Nvidia, game thủ sẽ phải bỏ khoản tiền gấp đôi một chiếc card đồ họa tử tế đủ chiến game offline. Con số này thừa sức mua một màn hình LCD hoặc LED khủng đặt ở phòng khách và một máy PS4 ngon lành chiến game trong thời gian rảnh. Nhưng phàm là một game thủ cuồng PC, thì những khoản đầu tư vào máy chơi game console hầu hết đều bị bỏ ngoài tai…
Việc bỏ tiền tấn ra thay vì nâng cấp lên một card đồ họa với 4GB VRAM có vẻ chất hơn nhiều, tất cả nhờ vào con chip xử lý của công nghệ G-Sync mà Nvidia giới thiệu hai năm về trước.
Xé hình là hiện tượng xảy ra khi một khung hình được vẽ xong và xuất ra lệch với thời điểm màn hình làm tươi hình ảnh. Kết quả: Trên màn hình hiển thị một khung hình lỗi, là sự trộn của 2 hoặc 3 khung hình khác nhau (thậm chí nhiều hơn) như hình minh họa dưới đây:
Hiện tượng xé hình có thể xảy ra dù FPS cao hay thấp. Vì thời gian tồn tại của khung hình lỗi chỉ rơi vào khoảng 16 ms (đối với màn 60 Hz) nên game thủ không thể nhìn rõ điều gì vừa xảy ra, chỉ biết hình ảnh giật giật một cách khó hiểu cho dù FPS có đang cao chăng nữa. Để hiểu rõ hơn xé hình xảy ra như thế nào, các bạn hãy nhìn vào hình dưới:
Với việc V-Sync được kích hoạt, toàn bộ mọi thành phần của hệ thống như GPU, CPU, game… đều được đồng bộ lại, nhắm đến việc vẽ và xuất ra đúng 1 khung hình mỗi 1/60 giây (đối với màn 60 Hz). GPU và CPU đều load thấp hơn so với khi không bật V-Sync. Giải pháp này khắc phục nguyên nhân gây ra xé hình, nhưng lại gây ra lag trễ. Đó là khi thời gian vẽ xong 1 khung hình lâu hơn chu kỳ làm tươi của màn hình, cụ thể như sau:
Hồi năm 2013, Nvidia bắt đầu nghiên cứu phát triển một công nghệ đồng bộ hình ảnh mang tên G-Sync, nhằm khắc phục nhược điểm của V-Sync. Giải pháp họ đưa ra là đưa thêm 1 module vào trong màn hình. Module này là cầu nối giữa GPU và màn hình. Quy trình diễn ra như sau:
- Bước 1: GPU vẽ xong 1 khung hình.
- Bước 2: GPU báo cho module G-Sync về việc đó.
- Bước 3: Module G-Sync điều khiển màn hình làm tươi hình ảnh.
Điều này có nghĩa là các màn hình hỗ trợ G-Sync có tần số làm tươi động, không cứng nhắc làm tươi định kỳ mỗi 16 ms một lần nữa (đối với màn 60 Hz), mà nó chỉ làm tươi mỗi khi có khung hình mới được vẽ xong. Nhờ đó G-Sync vẫn khắc phục hiện tượng xé hình nhưng không xuất hiện lag trễ như V-Sync, hình ảnh mượt mà tuyệt đối.
Hai điều kiện bắt buộc để sử dụng G-Sync là phải sử dụng card đồ họa Nvidia và màn hình phải hỗ trợ tính năng này (có module G-Sync bên trong). Và thế là, những mẫu màn hình sử dụng công nghệ khủng này của Nvidia cũng có giá trên trời, không như những màn hình trang bị khả năng sử dụng công nghệ Freesync của AMD, vốn có giá khá rẻ, chỉ khoảng 4 đến 5 triệu Đồng ở thời điểm hiện tại.
Cái giá 20 triệu tròn trĩnh ở thị trường Việt Nam của mẫu màn hình 144Hz trang bị công nghệ G-Sync mang tên PG278Q của Asus thừa sức cho phép game thủ Việt sở hữu cho mình một case máy tính từ A đến Z, có cả SSD lẫn card đồ họa tầm trung cao cấp đủ chiến game offline. Thế nhưng nếu không có khác biệt gì so với những màn hình chơi game 144Hz khác, có lẽ Asus cũng chẳng dại gì đặt cho PG278Q cái giá trên trời như vậy. Với công nghệ làm mượt hình ảnh, mà theo nhiều game thủ cho biết là khung hình tốc độ càng cao thì trải nghiệm game càng mượt mà, ít xé hình, rõ ràng đây là cái giá của một thiết bị PC High end, mà bất kỳ ai trong số chúng ta cũng phải mơ ước.