- Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 08/10/2013 0:00 AM
Hầu như tất cả sản phẩm dòng Haswell mới của Intel đều đã có mặt đầy đủ hết trên thị trường cả main lẫn chip nhưng vẫn chưa thu hút được sự chú ý của người dùng. Đặc biệt ở phân khúc phổ thông và tầm trung, Haswell hầu như chẳng được ngó ngàng tới, trong khi đây mới là miền đất của số đông người dùng. Thậm chí nhiều người còn cho rằng mua Pentium và Core i3 socket 1150 thời điểm này là phí tiền bởi giá cho 1 combo main-chip đang quá cao.
Chỉ cần chưa đến 2 triệu đồng, bạn đã có thể chọn 1 combo Ivy hiệu năng chấp nhận được, sau đó cắm card đồ họa rời phổ thông là đã có thể yên tâm chiến game. Trong khi đó tìm đến Haswell thì ít nhất phải chi 3 triệu cho main + chip, thành ra phải chạy VGA “cùi” hoặc thậm chí là onboard. Khi giá tiền trở thành vấn đề, thứ mà chúng ta cần chính là một bo mạch chủ giá tốt cắt giảm chức năng “thừa” mà người dùng phân khúc phổ thông không cần đến.
Hôm nay trước tiên tôi muốn giới thiệu bo mạch chủ ASRock H81M-HDS cho người dùng đang háo hức Haswell. Sau là thử nghiệm hiệu năng combo giữa main này với Core i3-4130 đời mới xem đáng tiền đến đâu, vì theo tôi đây là cặp đôi đẹp nhất của Haswell ở dưới phân khúc cao cấp. Còn ngoài ra thì chắc chắn Pentium và các mẫu Core i3 khác của Haswell chưa có cửa cạnh tranh với Ivy vì giá đang bất hợp lý quá.
Thông số
CPU: Supports 4th generation Intel Core i7 / i5 / i3 / Xeon / Pentium / Celeron LGA 1150
Chipset: Intel H81
Memory: 2 x DDR3 DIMM Slots; 16 GB Max
Slots: 1 x PCIe 2.0 x16; 1x PCIe 2.0 x1
VGA Output: D-Sub, DVI-D, HDMI
LAN: Realtek Gigabit LAN
Audio: 5.1 CH HD Audio (Realtek ALC662)
SATA: 2 x SATA3; 2 x SATA2
Form Factor: Micro ATX Form Factor
Back Panel I/O
1 x PS/2 Mouse Port
1 x PS/2 Keyboard Port
1 x D-Sub Port
1 x DVI-D Port
1 x HDMI Port
4 x USB 2.0 Ports
2 x USB 3.0 Ports
1 x RJ-45 LAN Port
HD Audio Jacks: Line in / Front Speaker / Microphone
Box và phụ kiện
Dòng sản phẩm mới của ASRock sử dụng thiết kế hộp mới bắt mắt. Các công nghệ và tiện ích tích hợp trên main được trình bày theo phong cách đậm chất “Gear”, dù đây chỉ là sản phẩm dòng phổ thông, không có tính năng đặc biệt gì cho game thủ hết.
Bên phía hông cung cấp các thông tin về cổng giao tiếp và xuất xứ hàng hóa. H81M-HDS cũng như các sản phẩm phổ thông (H61) hoặc thậm chí một số mã sản phẩm tầm trung (H87) đều có thể được sản xuất tại Bình Dương.
Mặt sau main cung cấp khá nhiều thông tin như main sử dụng 100% tụ rắn, hỗ trợ công nghệ XFast 555, được trang bị các tiện ích A-Tuning, USB Key…
Sẵn có chiếc B75M-GL để benchmark so sánh hiệu năng Ivy và Haswell, tôi thử lôi ra so sánh với H81M-HDS một vài điểm xem với giá thuộc loại tốt nhất trong các main H81 hiện nay, người dùng được gì và mất gì so với nền tảng cũ. (Hiện nay trên thị trường ASRock còn một mã sản phẩm rẻ hơn đôi chút là H81M-DGS)
B75M-GL cũng là một bo mạch chủ có thiết kế tốt và đặc biệt là p/p cao trong loạt chipset B75. Giá tham khảo của 2 sản phẩm:
- ASRock H81M-HDS: 1.379.000 VNĐ
- ASRock B75M-GL: 1.540.000 VNĐ
Main sử dụng tông màu tối quen thuộc của dòng sản phẩm phổ thông của ASRock. Board mạch màu nâu cafe và các khe cắm PCI, khe cắm RAM đều màu đen, ngay cả tản nhiệt chipset cũng màu đen nốt. Linh kiện được xếp khá gọn gàng. Sản phẩm sử dụng toàn bộ tụ rắn đem lại độ ổn định và tuổi thọ lâu hơn.
Điểm đầu tiên đập vào mắt khiến tôi phải chú ý là main có tới 4 phase cấp điện. Trong khi các bo mạch chủ khác đắt tiền hơn đều chỉ trang bị 3 phase (có main thậm chí chỉ có 2) thì ASRock rộng rãi cho tận 4! Ngoài việc yên tâm không lo quá tải, số lượng phase nhiều cũng khiến tải trên mỗi phase nhỏ hơn, làm nhiệt độ hoạt động thấp hơn nhờ đó bền bỉ hơn. Tuy nhiên chân cấp nguồn CPU là loại 4 pin cho thấy ASRock không khuyến khích người dùng cắm CPU từ Core i5 trở lên vào bo mạch chủ này của họ.
Điều này cũng không hề vô lý vì với sản phẩm phân khúc phổ thông như H81M-HDS thì hỗ trợ tốt Core i3 đã là quá ổn rồi. Kể ra với điện năng tiêu thụ thấp của Pentium và Core i3 Haswell thì 3 phase cũng tạm đủ dùng, còn các bo mạch chủ 2 phase thì tôi không chắc có nên cắm Core i3 hay không. Một điểm đáng khen nữa là ASRock đã “nâng cấp” lên mosfet 8 chân mới chứ không phải 6 chân như thế hệ cũ. Mỗi phase điện được điều khiển bởi 2 mosfet có tên mã là K03J4 và K03J5 – cùng loại trên các bo mạch chủ Z87 tầm trung như Z87 Extreme4.
Tuy nhiên ASRock lại bỏ đi mất một chi tiết mà theo tôi là nên giữ lại. Đó là choke lọc nguồn – thứ vẫn được trang bị trên B75M-GL (cạnh chân nguồn 4 pin). Hiện nay khi mà nhận thức của người dùng đã được nâng cao và nhất là đã dùng đến Haswell chắc sẽ ít ai sử dụng nguồn noname chất lượng thấp nhiễu cao. Thế nhưng trong điều kiện điện lưới kém ổn định như ở Việt Nam thì choke lọc này thiết nghĩ không nên bỏ.
Các bo mạch chủ H81 đều chỉ có 2 khe RAM, hỗ trợ Dual Channel. ASRock H81M-HDS cũng vậy. Đối với người dùng phổ thông như vậy là quá đủ khi 2 x 4 GB đã thừa cho nhu cầu sử dụng hàng ngày. Do chỉ có 2 khe nên ASRock chỉ trang bị 1 phase điện cho khu vực này. Một số bo mạch chủ khác vẫn đủ 2 phase như trên các model 4 khe RAM, hơi thừa không cần thiết.
4 cổng SATA gồm 2 cổng SATA2 và 2 cổng SATA3 nằm gọn gàng bên dưới chân 24 pin, sát dưới đó là hàng jumper USB 3.0.
Pin Cmos đặt phía trên khe PCIe x16, rất tiện lợi tháo pin clear Cmos. Nhiều main do khu vực xung quanh socket quá rối rắm nên viên pin này phải đặt xen giữa hàng khe PCIe, mỗi lần muốn clear phải tháo VGA ra rất bực mình.
Phía cổng I/O được trang bị đủ cả 3 giao tiếp video thông dụng hiện nay là D-Sub (VGA), DVI và HDMI. Sự xuất hiện của cổng HDMI so với B75M-GL nâng tính năng giải trí của H81M-HDS lên rất nhiều. Một điểm mạnh nữa là phía back panel I/O này có tới 6 cổng USB. Đa số bo mạch chủ trong tầm giá này đều chỉ có 4 cổng sát nhau, nếu cắm bàn phím + chuột là bị cấn chẳng cắm thêm được thiết bị gì khác.
Card LAN trên H81M-HDS là Realtek Gigabit RTL8111G – loại được trang bị nhiều trên các bo mạch chủ tầm trung trở xuống.
Khe PCIe x16 được thiết kế với chốt bấm loại lớn. Điểm hạn chế chung của các main H81 là chỉ cung cấp băng thông 2.0 cho khe PCIe x16 này. Nhưng điều này cũng chẳng quan trọng vì chắc không ai lại đi cắm VGA khủng cỡ GTX 770, 780 vào main này cả. Còn lại duy nhất 1 khe PCIe 2.0 x1 để cắm thiết bị khác như card wifi, soundcard. Sự vắng bóng của khe PCI có thể gây khó chịu khi một số người vẫn có nhu cầu sử dụng khe này.
Soi kĩ hơn một chút vào khu vực khe PCIe này, tôi nhận thấy một điểm bất hợp lý trong thiết kế của ASRock: đó là chân cắm fan đặt ngay trên khe PCIe x1, nếu cắm VGA vào sẽ đè khuất ngay và không sử dụng được chân này. Chân fan còn lại đặt ở phía trên cạnh 2 khe RAM, vị trí này có thể cắm fan hông hay fan sau thùng máy đều tiện. Chân fan CPU thì dời xuống bên cạnh socket.
Hàng jumper Power – Reset được dời sang mép phải thay vì mép dưới như thông thường. Thay đổi này khá hay khi dây Power – Reset nối từ mặt trước case có thể đi gọn hơn một chút thay vì chạy thòng xuống dưới rồi cắm vòng lên trên.
Jumper Audio cũng vậy. Nếu để ý từ khi lắp linh kiện, người dùng có thể luồn dây Audio của case bên dưới main để giấu dây này cho gọn hơn.
Chip âm thanh trang bị trên main là Realtek ALC662 (hỗ trợ 5.1 CH HD Audio). Việc sử dụng chip này tôi đánh giá là hợp lý trên một bo mạch chủ phổ thông giá mềm như thế này. Nhiều người cứ đòi hỏi phải dùng chip ALC887 hỗ trợ âm thanh 7.1 cho “oai” trong khi phân khúc này chẳng ai có tai nghe xịn thế mà dùng.
Ngoài 2 cổng USB 3.0 ở back panel I/O do chipset H81 hỗ trợ, ASRock còn trang bị thêm chip ASMedia ASM1042 cung cấp thêm 2 cổng front panel nữa cho người dùng.
Trong khi thu dọn, có một điều khiến tôi chú ý là kích thước của 2 bo mạch chủ này. H81M-HDS có kích thước nhỏ hơn B75M-GL, đặc biệt là chiều ngang rõ ràng là hẹp hơn hẳn. Do main nhỏ nên các lỗ bắt ốc đã nằm sát ngay mép main, không sợ bị cong gây đứt gãy đường mạch nếu ấn jack 24 pin không cẩn thận.
Tuy nhiên ưu mặt này thì lại nhược mất mặt khác. Do hẹp hơn nhiều nên 2 khe RAM bị đẩy sát vào trong rất gần với khe cắm VGA, khiến việc tháo lắp VGA khá bất tiện và khó khăn do bị cấn với chốt RAM.
Trong các bo mạch chủ đã dùng qua, tôi đánh giá cao giao diện UEFI của ASRock vì tính đơn giản, gần gũi với người dùng. Các tùy chỉnh cũng được chia gói rất khoa học, muốn tìm gì cũng rất dễ dàng. H81M-HDS được nâng cấp lên giao diện nền đen rất đẹp từng sử dụng trên Z77 OC Formula.
- Tab ‘Main’ trình bày các thông số của CPU và RAM. Người dùng có thể thay đổi Tab mặc định khi vừa truy cập Bios qua tính năng ‘Active Page on Entry’. Đối với H81 không nhiều thứ để vọc vạch tính năng này cũng không thể hiện nhiều, nhưng trên các bo mạch chủ Z87 thì rất tiện lợi cho OC.
- Tab ‘OC Tweaker’ cho phép điều chỉnh các thông số như xung nhịp và điện áp, phục vụ ép xung. Các main chipset H81 không cho phép OC CPU nên không có gì để chỉnh nhiều. Chỉ có iGPU có thể ép xung lên một chút để tăng hiệu năng đồ họa.
- Tab ‘Advanced’: Tất cả các thiết lập của CPU, chipset, ổ cứng, I/O, AHCI… nói chung là những gì giao tiếp với bo mạch chủ đều được chia nhỏ theo nội dung và cất trong mục này.
- Tab ‘Tool’ chứa các công cụ Flash Tool, tính năng chống ẩm ‘Dehumidifier’, ‘Tech Service’ và 3 profile để save thiết lập. Trên H81M-HDS các profile thiết lập không nằm Tab ‘OC Tweaker’ nữa mà chuyển qua Tab ‘Tool’. Ngoài ra ASRock cung cấp thêm công cụ ‘Tech Service’ – hỗ trợ kỹ thuật qua mạng internet mà không cần phải boot vào hệ điều hành.
- Tab ‘H/W Monitor’: Các thông số về nhiệt độ, tốc độ quạt và đo đường điện ra của PSU đều đặt trong này. Nói chung là để quản lý nhiệt độ và độ ồn quạt tản nhiệt.
A-Tuning
‘A-Tuning’ là phần mềm đa năng, tương tác giữa người dùng với các tính năng, công nghệ trang bị trên bo mạch chủ như XFast RAM, OC Tweaker. Giao diện đẹp và dễ sử dụng.
Đây là bộ tính năng tăng tốc ASRock cung cấp cho hầu hết sản phẩm của họ. XFast RAM tận dụng bộ nhớ RAM còn thừa làm page file thay cho ổ cứng, chạy ứng dụng nhanh hơn rất nhiều. XFast USB và XFast USB đúng như tên gọi: tăng tốc độ cho USB và mạng nội bộ LAN.
Đây là tính năng kiểm soát nội dung và thời gian vào mạng, thích hợp cho phụ huynh quản lý con cái. Điểm mạnh của tính năng này là thiết lập trong BIOS nên các quý tử không thể unlock bằng phần mềm hay mánh khóe.
‘FAN-Tastic Tuning’ cho phép điều chỉnh tốc độ quạt theo từng mốc nhiệt độ cụ thể. Sử dụng tính năng này, người dùng có thể chủ động kiểm soát nhiệt độ và độ ồn của hệ thống tản nhiệt chứ không bị động như khi sử dụng các profile “Low”, “Medium”, “High” có sẵn.
Ngày nay khi mà mọi thứ đều được phân phối qua mạng internet, ổ CD/DVD trở thành thiết bị không cần thiết và nhiều người đã loại bỏ nó khỏi hệ thống cho đỡ lãng phí. Driver bo mạch chủ có thể dễ dàng tìm thấy và tải về trên trang chủ của hãng, nhưng ASRock khiến chuyện còn đơn giản hơn với ‘Easy Driver Installer’. Chỉ cần sử dụng tính năng này trong Bios UEFI, driver sẽ tự động được tải về và cài đặt vào máy tính.
USB Key
Trong môi trường làm việc tập thể, việc lộ mật khẩu máy tính rất dễ xảy ra. ASRock cung cấp tính năng USB Key nhằm khắc phục nguy cơ này. Với việc cài đặt tài khoản và mật khẩu Windows vào USB, thiết bị nhỏ này sẽ trở thành chìa khóa đăng nhập nhanh chóng, không cần phải dùng tay gõ lại mật khẩu.
Dehumidifier
Độ ẩm cao là một trong những kẻ thù lớn nhất của linh kiện máy tính. Đặc biệt sau những chuyến đi xa, máy tính không được khởi động trong một thời gian dài sẽ bị nhiễm ẩm và khả năng hư hại là rất cao. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân khiến các thiết bị điện tử ít được sử dụng rất chóng hỏng. Nhằm giải quyết hiện tượng này, ASRock thêm vào tính năng Dehumidifier (chống ẩm) cho các bo mạch chủ của họ.
Khi kích hoạt tính năng này, hệ thống sẽ tự động bật-tắt theo chu kì mà người dùng cài đặt. Đối với khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam, ‘Dehumidifier’ ngăn ngừa triệt để nguy cơ chập mạch do nhiễm ẩm.
Đối với người dùng hệ điều hành Windows 8, công nghệ Fast Boot mang lại tốc độ boot cực nhanh: chỉ mất 1,5 giây là vào tới Windows từ boot “nguội”, bạn có thể ngồi xuống và làm việc ngay không cần chờ đợi.
‘Restart to UEFI’ là tính năng hữu ích ASRock thiết kế cho người dùng cần điều chỉnh Bios thường xuyên (các OCer chẳng hạn). Sử dụng tính năng này, hệ thống sẽ tự động truy cập Bios trong lần khởi động tiếp theo, không cần phải canh thời điểm Boot và giữ phím Del nữa.
Trong phần này tôi sẽ thử nghiệm và so sánh hiệu năng của cặp main-chip Core i3 Haswell so với Ivy. Với giá chênh lệch hơn đôi chút, liệu rằng hiệu năng thu lại có xứng đáng hay không? Giá tham khảo của các sản phẩm:
- ASRock H81M-HDS: 1.379.000 VNĐ
- ASRock B75M-GL: 1.540.000 VNĐ
- Intel Core i3-4130: 3.090.000 VNĐ
- Intel Core i3-3220: 2.710.000 VNĐ
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: ASRock H81M-HDS
ASRock B75M-GL
Bộ xử lý: Intel Core i3-4130 (3400 MHz)
Intel Core i3-3220 (3300 MHz)
Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 @1600 9-9-9
Card đồ họa: Zotac GTX 660
Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
Nguồn: 660W
Hiệu năng đồ họa với card đồ họa rời: Các phần mềm 3DMark
3DMark Vantage cho thấy nền tảng Haswell có sự nhỉnh hơn về hiệu năng. Điểm CPU của Core i3-4130 cao hơn người tiền nhiệm 13%. Trong khi đó cùng sử dụng card đồ họa Zotac GTX 660, điểm GPU cũng được chấm cao hơn.
Trong phần này tôi bench 3 game là Dirt 3, Metro Last Light và Company of Heroes 2. Dirt 3 thiết lập cao nhất, 4xAA và độ phân giải Full HD. 2 game còn lại hơi nặng nên tôi chỉ thiết lập High (chưa phải cao nhất), độ phân giải vẫn là Full HD. Phần này tôi bonus thêm cả Core i5-3570K cho các bạn nào còn lăn tăn Core i3 đi với VGA cỡ nào thì bị nghẽn.
Kết quả cho thấy GTX 660 vẫn chưa phải ghê gớm để làm khó Core i3. Card đồ họa này vẫn chưa đủ mạnh để đẩy max setting các game nặng nên thắt nút vẫn nằm ở GPU chứ không phải CPU. Chưa lên tới VGA mạnh cỡ GTX 760 trở lên thì Core i3 vẫn cho p/p tốt hơn Core i5 nhiều.
Hiệu năng đồ họa với đồ họa tích hợp: Các phần mềm 3DMark
Một mối quan tâm của rất nhiều người dùng đó là hiệu năng của đồ họa tích hợp. 3DMark Vantage cho thấy hiệu năng của HD 4400 hơn hẳn so với HD 2500 trên Core i3-3220. Ngoài ra Dual Channel và xung bộ nhớ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu năng của HD 4400.
Dù mạnh hơn iGPU thế hệ trước rất nhiều nhưng đối với các game offline nặng ta không nên mong đợi nhiều. Tôi bench thử 3 game ở độ phân giải 1280 x 720 với thiết lập thấp nhất có thể. HD 4400 lê lết trong 2 game nặng là Metro LL và CoH2. Còn game cỡ trung bình như Dirt 3 thì khung hình tương đối “bay”, có thể tăng lên Medium cũng được. Ngoài ra có thể nhận thấy Dual Channel và xung RAM tác động đến hiệu năng khủng khiếp thế nào. Nếu có ý định dùng tạm iGPU để chơi game, người dùng nên trang bị bộ nhớ Dual Channel 1600 để hiệu năng đạt cao nhất. Hoặc trong tình hình giá RAM đắt như hiện nay thì chí ít cũng phải dùng 1 thanh 1600, không nên mua 1333 làm gì.
Ngoài 3 game offline trên tôi cũng thử làm 1 2 ván Dota 2 độ phân giải Full HD thiết lập min setting. FPS luôn đạt trên 60, game chạy mượt và không bị drop. Như vậy bạn có thể yên tâm chiến game MOBA và game online với HD 4400.
Hiệu năng xử lý
Ngoài điểm CPU của 3DMark Vantage và 3DMark 11 ở trên, tôi còn chạy thêm 3 test CPU nữa. Đầu tiên là Cinebench 11.5. Bài test này render một khung hình mẫu. Thời gian render của Core i3-4130 nhanh hơn 3220 tới 18%.
Tiếp đến tôi sử dụng Aiseesoft Total Media Converter Platinum để convert 1 MV ca nhạc dài 3 phút 27 giây, kích thước 1080p 5000 bitrate sang 720p 2000 bitrate để xem trên smartphone. MV tên là Ma Boy của nhóm SISTAR19, rất hấp dẫn, nếu bạn nào chưa biết thì nên search Youtube xem thử.
Cuối cùng là Excel – một ứng dụng văn phòng rất phổ biến. Tôi sử dụng bảng benchmark dựng sẵn để Excel tự động lập biểu đồ từ hơn 13000 số liệu rồi đo thời gian. Kết quả: Core i3-4130 hoàn thành biểu đồ sau 15 phút 11 giây, Core i3-3220 chậm hơn tới 5 phút!
Tôi sử dụng 2 phần mềm là AS SSD và Crystal DiskMark để thử nghiệm hiệu năng SATA3 trên 2 nền tảng này. Hơi ngạc nhiên là combo B75 nhanh hơn H81 một chút. Duy có tốc độ đọc-ghi 4K – điểm làm nên khác biệt rõ nét khi sử dụng giữa SSD và HDD – thì combo H81 nhanh hơn đáng kể. Cần lưu ý là ổ SSD này tôi đã cài windows và sử dụng hơn 1 năm nay chưa Clean lại.
Sử dụng phần mềm MaxxMEM để đo băng thông RAM. Tốc độ Read tương đương nhau nhưng combo Haswell vượt trọio ở Copy và Write. Độ trễ Latency của bộ đôi Haswell cũng thấp hơn Ivy.
Khác với các thế hệ tock trước đây, Haswell chưa nhận được sự đón nhận mặn mà của người dùng Việt Nam. Tính trung bình, một combo main-chip Haswell đắt hơn Ivy khoảng 1 triệu đồng (so sánh cùng linh kiện và xung nhịp), trong khi hiệu năng hơn khoảng 10-20% tùy ứng dụng. Nếu như ở tầm cao cấp như i5 i7 người dùng còn hơi đắn đo cân nhắc, thì rõ ràng phân khúc phổ thông Haswell không tài nào hất nổi Ivy.
ASRock là hãng nổ phát súng khai hỏa cho cuộc chạy đua về giá khi nhập về mã sản phẩm H81M-HDS. Ở H81M-HDS, tôi nhận thấy những sự lược bỏ linh kiện rất hợp lý để có giá tốt hơn trong khi vẫn đảm bảo nhu cầu của người dùng phổ thông chạy Pentium hoặc Core i3. Thay vào đó người dùng được thêm vài thứ bổ ích thiết thực hơn như 4 phase điện, 2 cổng USB 3.0 front panel, cổng HDMI phục vụ giải trí.
Trong số đó 4 phase điện sử dụng mosfet 8 chân là yếu tố đáng giá nhất. Ngoài việc yên tâm không lo quá tải, số lượng phase nhiều cũng khiến tải trên mỗi phase nhỏ hơn, làm nhiệt độ hoạt động thấp hơn nhờ đó bền bỉ hơn. Với 4 phase này, H81M-HDS có thể hỗ trợ tốt các bộ xử lý từ Core i3 trở xuống. So với một số main H81 khác trên thị trường giá cao hơn mà chỉ có 2 phase thì đây rõ ràng là một ưu điểm nổi trội.
Thêm vào đó bộ các tính năng, tiện ích hữu dụng bao gồm A-Tuning, XFast 555, Fan-Tastic Tuning, Dehumidifier… cũng là trang bị khá hay ho trên một sản phẩm giá tốt như thế này.
H81M-HDS có giá bán lẻ là 1.379.000 VNĐ. Hiện nay ASRock còn có một mã sản phẩm khác rẻ hơn là H81M-DGS lược bỏ bớt cổng HDMI và 2 cổng USB 3.0 front panel, giá 1.290.000 VNĐ.
Khen:
- Sử dụng 100% tụ rắn giúp main hoạt động bền bỉ hơn.
- 4 phase điện – nhiều phase hơn cả các main khác hơn giá.
- Không còn sử dụng cuộn cảm hở lõi như 1 số sản phẩm giá rẻ đời trước
- Có 2 cổng SATA 6 Gbps so với B75 chỉ có 1 cổng.
- 6 cổng USB ở Panel I/O mặt sau so với nhiều main H81 khác chỉ có 4.
- Hỗ trợ thêm 2 cổng USB 3.0 front panel nhờ trang bị thêm chip ASMedia.
- Ngoài 2 cổng xuất hình D-Sub và DVI, có cả cổng HDMI phục vụ giải trí.
- Các chân jumper HD_AUDIO và POWER đặt ở vị trí khá hay, đi dây tín hiệu đỡ luộm thuộm.
- Bộ tính năng, công nghệ hữu ích đi kèm.
- Giá mềm.
Chê:
- Bỏ mất choke lọc cho dòng vào CPU.
- Tai RAM quá sát khe VGA, lúc tháo lắp RAM hay VGA sẽ gặp khó khăn.
- Tông màu main không bắt mắt.
- Bỏ mất khe PCI giờ vẫn còn người dùng.
- Một chân fan vị trí bất hợp lý, nếu cắm VGA sẽ không dùng được chân fan này.