- Theo Trí Thức Trẻ | 15/06/2016 06:31 PM
Giờ đây mọi lời hoa mỹ dành cho Skyrim, phiên bản thứ 5 của series game nhập vai ăn khách The Elder Scrolls có lẽ đều đã trở thành thừa thãi. Năm năm trôi qua và sức hút của Skyrim vẫn còn đó. Những siêu phẩm game bom tấn cứ thế đến và đi, nhưng chắc chắn chỉ có rất ít game tạo ra sức hút và cả một "nét văn hóa" trên mạng internet như tựa game của Bethesda. Người ta vẫn chơi nó, vẫn nói về nó, vẫn tiếp tục phát triển những bản mod đồ họa đẹp lung linh để khiến tựa game 5 năm tuổi trở nên thời thượng như mới.
Và khi thông tin phiên bản Skyrim Special Edition được công bố, tất cả lại một lần nữa vỡ òa trong sung sướng, kể cả khi tựa game chẳng có gì mới, trừ nền đồ họa tân thời.
Tại sao game thủ lại dành nhiều “tình yêu” cho The Elder Scrolls đến vậy? Có thể là do thế giới mở rộng lớn, lối chơi nhập vai mang tới cho gamer nhiều “quyền lợi” để khám phá thế giới ấy. Và với thể loại game thế này cũng được chia thành nhiều dạng khác nhau. Điển hình của từng dạng có thể kể đến như tựa game Grand Thief Auto, The Elder Scrolls và Assassin’s Creed. Khó có thể nói game nào tốt hơn game nào, để “phân loại” được thì chỉ có thể đi sâu vào việc “phóng đại” cụ thể về đặc điểm của từng thế giới mở ấy.
Xét về cách người chơi tham gia vào cốt truyện thì Assassin’s Creed và The Elder Scrolls nằm ở hai phía đối ngược nhau. Với cốt truyện khá sâu sắc với nhiều chi tiết khắc họa sống động mạnh mẽ, Assassin’s Creed khuyến khích người chơi đi theo cốt truyện thay vì việc tập trung khám phá thế giới “lộn xộn” xung quanh mình. Grand Thief Auto lại đứng ở vị trí “trung gian” với những nhiệm vụ thuộc dạng tàn sát trong thế giới mở đi kèm cốt truyện. Bởi vậy đôi khi những game thủ tham gia vào GTA chỉ đơn giản “thỏa mãn” sở thích bắn nhau ngoài đường và gây nên những vụ hỗn loạn mang tầm “quốc tế”.
Với Skyrim thì khác, khi tham gia game, người chơi không cần hoàn toàn tập trung vào cốt truyện, không cần thiết phải đi từ đầu tới cuối theo đúng kịch bản như trong Assassin’s Creed. Thay vào đó, người chơi “được dịp” là chính mình và tự do khám phá thế giới mở rộng lớn và bí hiểm xung quanh. Điều này tạo nên điểm nổi bật riêng có của series The Elder Scrolls.
Điểm không ràng buộc này của The Elder Scrolls có thể xem như “vừa có lợi vừa có hại”. Lợi thế ở đây chính là việc phá vỡ ranh giới của game, thách thức người chơi khám phá tất cả những điều không được đề cập tới trong cốt truyện, bởi vậy sự sáng tạo và bí ẩn dường như vô tận. Tuy nhiên, điều này dường như lại đem đến nhược điểm cho game bởi trò chơi sẽ có thể mang kết thúc không đúng với cốt truyện cũng như tên tiêu đề, đồng nghĩa với việc phản lại “ý đồ” của nhà phát triển.
Một phần cũng bởi thế mà không ít người chơi “tỏ vẻ” không hứng thú với Skyrim, bởi họ không có thời gian để đầu tư vào game mà không biết đâu là điểm kết thúc. Cũng bởi lẽ đó mà không ít game có thể hoàn toàn bị “chinh phục” trong vòng 5 giờ lại được ca ngợi hết mực. Với Skyrim, nhà phát triển đã biến game trở thành một sản phẩm với điểm nổi bật tạo nên sự thay đổi trong ngành công nghiệp game, và trò chơi này chỉ dành cho những game thủ nào có đủ thời gian và sự tâm huyết đối với tựa game đó.
(Tổng hợp)