- Theo Trí Thức Trẻ | 25/08/2016 06:06 PM
Ngay từ khi những hình ảnh đầu tiên về Crysis 3 được Crytek trình diễn tại sự kiện Gamescom 2011 dưới dạng một bản tech demo cho Cry Engine 3, không ít người hâm mộ đã rất hào hứng vì chất lượng hình ảnh mà tựa game này mang lại. Số khác không kém phần lo âu, khi Cevat Yerli đã “dọa dẫm” rằng Crysis 3 có thể nướng chín dàn PC của bạn.
Điều này âu cũng là hợp lý bởi Crysis 2 nhận được không ít những nhận xét tiêu cực từ cộng đồng fan cũng như giới hâm mộ PC khi chạy theo trào lưu console hóa và bỏ đi không ít những chức năng đồ họa tiên tiến. Nhưng nhìn vào cấu hình yêu cầu hay ngắn gọn hơn là việc bỏ rơi những chiếc VGA không hỗ trợ DirectX 11 của Crysis 3, có thể thấy con quái vật đầu tiên ra mắt trong năm 2013 chắc chắn sẽ chẳng nể nang gì những cỗ máy già nua, yếu ớt.
Hai mươi năm sau, một khoảng thời gian khá dài, tập đoàn CELL đã kịp chớp lấy thời cơ trời cho để vươn bàn tay quyền lực ra với tham vọng thống trị địa cầu với việc bán năng lượng giá rẻ trích xuất từ công nghệ của người ngoài hành tinh. Thêm vào đó loài Ceph vẫn chưa bị quét sạch hoàn toàn và đe dọa sẽ trở lại Trái Đất bất kỳ lúc nào.
Tái hợp với người đồng đội một thời Psycho, Prophet khám phá ra New York ngày nào đã trở thành một đặc khu biệt lập, với chủng loài ceph và nhân sự của CELL ở khắp mọi nơi. Anh gặp lại không ít “người cũ” như Claire Fontanelli, Karl Ernst Rasch cũng như Tara Strickland từ phần 2. Tất cả đều có chung kẻ thù là tập đoàn CELL. Thế nhưng câu chuyện có đơn giản như vậy, hay mỗi cá nhân đều có những toan tính riêng của họ? Điều này xin đề dành cho các bạn tự khám phá.
Thẳng thắn mà nói, so với phần 2, Crysis 3 là một bước tiến quá xa. Ứng dụng nhiều khả năng đồ họa cao cấp, “The Dome” bỗng biến thành một vùng đất với vẻ đẹp của thiên đường. Cây cối, nhà cửa hay những xác tàu điện ngầm được trau chuốt cực kỳ tỉ mỉ, qua thời gian bộ giáp của Prophet cũng không còn bóng bẩy như trước, hiệu ứng ánh sáng, mặt nước không có gì phải chê trách...
Thế nhưng để đổi lại chất lượng hình ảnh như vậy, cỗ máy của bạn cũng sẽ phải sở hữu sức mạnh chẳng kém gì nhân vật chính Prophet của chúng ta. Về lý thuyết, việc Crysis 3 nói không với những chiếc card đồ họa không hỗ trợ DirectX 11 là một minh chứng, còn trên thực tế game cũng ăn phần cứng rất nhiều. Ngay cả khi bạn sở hữu những card đồ họa tốt thời bấy giờ, chơi được mọi game "bình thường" như GTX 660 Ti thì cũng chỉ dừng lại ở tùy chỉnh đồ họa trung bình cao. Rõ ràng, Crysis 3 trong tương lai sẽ là dấu mốc đặt ra cho không ít các tay chơi phần cứng PC.
Không chỉ bị phàn nàn về đồ họa, mà chính lối chơi của Crysis 2 đã vô tình biến nó thành “tội đồ”. Ít lựa chọn, môi trường chiến đấu chật hẹp và gò bó hơn nhiều so với phần đầu tiên. Rút kinh nghiệm từ khiếm khuyết này, đến Crysis 3 người chơi một lần nữa được đến với những môi trường rộng lớn của mỗi màn chơi. Bên cạnh những mục tiêu di động, bên trong New York của năm 2047 còn đầy rẫy những cạm bẫy chết người như mìn, những trụ phòng vệ sẽ quét sạch mọi mục tiêu chúng nhìn thấy, hay những tên Ceph Stalker ẩn hiện trong những đám cỏ bạt ngàn, chỉ chờ thời cơ tấn công.
Mọi chuyện đã thay đổi, New York cũng đã thay đổi. Prophet nay phải sử dụng mọi kỹ năng anh có để vượt qua hàng lớp kẻ địch (cũng đang cắn xé lẫn nhau) để đạt được mục tiêu của anh. Vì thế việc hoàn thành màn chơi của Prophet tùy thuộc vào hướng đi của bạn. Bạn có thể tàng hình và lẻn qua những tên địch đang căng mắt tìm mục tiêu, hoặc "hóa" rambo với Armor Mode và giải quyết mọi chuyện theo phong cách phim hành động Mỹ.
Dĩ nhiên không thể không nhắc đến bộ giáp Nanosuit. Có thể nói thiết bị này không có thay đổi nhiều so với phần 2 khi vẫn sở hữu hai chế độ giáp và tàng hình có thể luân chuyển một cách linh hoạt. Tuy nhiên hệ thống thu thập Nano Catalyst để nâng cấp như ở phần 2 đã không còn, thay vào đó bạn sẽ phải đi tìm những ki-ốt nâng cấp để thu thập nano.
Có cả thảy 16 mục nâng cấp, từ khả năng chiến đấu đến tốc độ và sức bền. Tuy nhiên để Prophet không quá "imba", hệ thống game chỉ cho phép người chơi sử dụng cùng lúc 4 khả năng riêng biệt. Bạn có thể biến hóa Prophet từ một sát thủ thầm lặng đến một rambo máu lạnh dựa vào hệ thống skill như vậy.
Sở hữu những tiềm năng có thể biến Crysis 3 thành tựa game FPS của năm, thế nhưng dường như Crytek lại quá tập trung vào việc biến phần 3 của cuộc phiêu lưu đến tương lai loài người trở thành một màn phô diễn đồ họa. Dĩ nhiên, họ đã thành công, thế nhưng phản ứng phụ kéo tới, biến Crysis 3 trở thành một game với chất lượng chỉ dừng lại ở mức khá.