[GameK Đào Mộ] Call of Duty Modern Warfare 2 - Hậu bản tuyệt hay nhưng bị chê bai

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 05/09/2016 06:35 PM

Call of Duty Modern Warfare 2 vẫn xứng đáng là một hậu bản hay, ấn tượng và đầy cảm xúc với người chơi.

Vào năm 2007, Activision và Infinity Ward đã tạo ra một siêu phẩm, đánh dấu thời kỳ mới của những tựa game bắn súng bom tấn: Call of Duty 4: Modern Warfare. Chuyển tiếp từ thế chiến thứ 2 đẫm máu nhưng bi tráng, Call of Duty 4 bắt đầu với một bối cảnh hiện đại, với cuộc chiến chống khủng bố, một chủ đề cực kỳ nóng hổi sau vụ khủng bố ngày 11/09/2001. Trong lòng các fan hâm mộ, phần 4 của series game bắn súng thường niên này luôn được ghi nhớ như là một trong số những phiên bản hay nhất của cả dòng game. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, 2 năm sau, phần 2 của sub-series Modern Warfare ra đời.

Dù chịu nhiều tai tiếng, nhiều lùm xùm khi Jason West và Vince Zampella phải rời khỏi Infinity Ward ngay sau khi hoàn thành tựa game, nhưng Modern Warfare 2 vẫn xứng đáng là một hậu bản hay, ấn tượng và đầy cảm xúc với người chơi.

Thời kỳ mới, đối thủ mới

Call of Duty: Modern Warfare 2 (MW2) không chỉ tiếp tục đề tài chiến tranh hiện đại như Call of Duty 4: Modern Warfare (COD4) mà còn nối tiếp ngay sau phiên bản này. Câu chuyện của MW2 bắt đầu 5 năm sau các sự kiện trong COD4. Nếu từng chơi COD4, hẳn bạn còn nhớ kẻ địch chính trong game là gã trùm khủng bố Imran Zakhaev đã bị tiêu diệt. Thế nhưng, tổ chức của hắn vẫn còn tồn tại.

Trong MW2, Zakhaev đã có được “truyền nhân”, thậm chí còn độc ác và tàn bạo hơn là Vladimir Makarov, tiếp tục thực hiện các âm mưu khủng bố chống lại cộng đồng thế giới vì những lý tưởng điên rồ. Đối đầu với Makarov, một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia mang tên Task Force 141 được lập nên, với mục tiêu là quét sạch bọn khủng bố.

Chúng ta sẽ gặp lại nhân vật chính của COD4 là “Soap” McTavish, lúc này đã là chỉ huy của Task Force 141. Cũng như truyền thống của dòng game, phần cốt truyện đưa bạn vào vai của nhiều nhân vật. Trong đó chiếm đa phần là Binh nhì James Ramirez thuộc trung đoàn số 75 Army Ranger với nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ trước sự tấn công của bọn khủng bố và Trung sĩ Gary “Roach” Sanderson thuộc đội Task Force 141 “lãnh ấn” truy tìm Makarov.

Có thể nói, câu chuyện trong MW2 được Infinity Ward dẫn dắt cực kỳ ấn tượng, giàu tình tiết, gay cấn như các bộ phim hành động hoành tráng của Hollywood. Người chơi lập tức bị cuốn vào những tình tiết dồn dập trong game khi cùng các chiến sĩ xông pha hết từ mặt trận này đến chiến trường khác: từ vùng băng tuyết Siberia lạnh giá đến khu phố phức tạp ở thành phố Rio de Janeiro, Brazil; hay từ hang ổ của bọn khủng bố tại Afghanistan cho đến cố thủ tại thủ đô Washington.

Không chỉ tình huống dồn dập, các nhiệm vụ bạn được giao cũng rất đa dạng như phá hủy căn cứ đối phương, lùng bắt tội phạm, đánh cắp thông tin cho đến giải cứu con tin. Địa điểm và nhiệm vụ dành cho người chơi luôn thay đổi liên tục, nhưng tất cả đều kết nối với nhau một cách chặt chẽ, tạo nên một câu chuyện liền mạch cực kỳ hấp dẫn, cộng thêm không khí chiến đấu dữ dội luôn sục sôi trong tất cả các màn chơi sẽ khiến bạn phải dán mắt vào màn hình từ đầu chí cuối.

Phần chơi mạng được lột xác

Lối chơi của MW2 cơ bản không khác mấy so với COD4 cũng như những phiên bản khác trong dòng game. Người chơi sẽ lại một lần nữa được cảm nhận bầu không khí chiến tranh ác liệt, sục sôi, hoành tráng. Dù game vẫn không đi ra khỏi phong cách “chạy và bắn” thuần túy, chỉ có một đường “tuyến tính” duy nhất để tiến lên, nhưng không vì thế mà game trở nên nhàm chán. Chủ yếu là do bạn phải chiến đấu liên tục không ngừng nghỉ trước đông đảo kẻ thù, cùng những tình tiết được đan xen hấp dẫn như phim mà ở trên đã nói. Tổng thể thì không có sự khác biệt, nhưng MW2 vẫn có thêm những thứ “râu ria” để tạo thêm càm giác mới mẻ.

Đó là những trường đoạn vừa lái xe trượt tuyết hay thuyền cao su, vừa bắn súng chiến đấu với những kẻ truy đuổi, tạo cảm giác phấn khích cao độ. Hay có những lúc bạn phải tạm thời cất súng, sử dụng tấm khiên che chắn, thu hút hỏa lực địch để đồng đội được an toàn chiến đấu thay. Hơn nữa, giờ đây bạn còn có thêm khả năng sử dụng 2 tay 2 súng hệt như dòng game Halo, dĩ nhiên chỉ với những khẩu súng nhỏ. Ngoài ra, hấp dẫn không chê vào đâu được là những cảnh dùng mìn phá cửa, xông vào trong thời gian quay chậm (Slow-motion) và nhanh chóng “tỉa” gọn gàng những kẻ đang phục kích bên trong.

Đó là chưa kể đến lượng vũ khí đồ sộ mà Infinity Ward đưa vào game, nào là các loại súng trường, súng tiểu liên, súng máy hạng nhẹ, súng lục, súng lục tự động, súng phóng tên lửa, thậm chí cả những thứ “hạng nặng” như chiếc laptop dùng để gọi máy bay không người lái Predator phóng tên lửa không đối đất yểm trợ… Đảm bảo “kho vũ khí” cực kỳ đa dạng, nhiều hơn hẳn COD4 của game sẽ làm thỏa mãn bất kỳ fan kỳ cựu nào của thể loại game hành động bắn súng.

Nhắc đến loạt game COD mà không nhắc đến phần chơi mạng thì quả là thiếu sót lớn. Từ lâu, chơi mạng đã trở thành “linh hồn” và giúp dòng game gắn bó với game thủ hết ngày này tháng nọ. Phần chơi mạng trong COD4 đã được đánh giá rất cao khi tích hợp hệ thống lên cấp cùng các kỹ năng Perk, mang ít nhiều phong cách game nhập vai đã giúp các game thủ có thêm nhiều lý do gắn bó lâu dài. Ở MW2, hệ thống Perk được nâng cấp thêm nữa khi xuất hiện thêm các phiên bản “Pro” của từng loại Perk, mở rộng và nâng cao hơn kỹ năng đã có.

Ngoài ra, số lượng Kill Streak (phần thưởng khi tiêu diệt địch liên tục mà không chết) cũng được nâng cao đáng kể, lên đến 15 loại thay vì chỉ có 3 trong COD4. Chưa hết, MW2 còn giới thiệu thêm các phần thưởng Death Streak, có chức năng ngược lại với Kill Streak, sẽ được thưởng cho những người… bị giết liền tù tì mà không hạ được ai.

Chắc chắn hãng sản xuất đã nghĩ đến những game thủ “gà” mới tham gia chơi và Death Streak coi như là phần thưởng “an ủi” giúp họ không nản chí mà bỏ game sớm. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ thấy Iinfinity Ward đã chăm chút cho phần chơi mạng trong MW2 đến thế nào, với mục tiêu trên hết là giúp các game thủ được tận hưởng cảm giác thi tài qua mạng một cách thú vị, hào hứng và lâu dài nhất.