Game thủ Việt với “hàng Trung Quốc”: Chơi thì cứ chơi, ghét thì vẫn cứ ghét!

JiveLive  - Theo Helino | 27/02/2018 06:12 PM

Kim Dung Quần Hiệp Truyện
07/06/2017 NCB: Đang cập nhật NPH:

"Sống chung với lũ" hơn 10 năm nhưng vẫn nhất định đòi tẩy chay? Điều này thoạt nghe như vô lý, nhưng nhìn vào hiện thực làng game Việt nhiều năm qua có thể thấy những lý do rất rõ ràng cho quan điểm này của game thủ Việt.

Với vị thế của NSX và phân phối game toàn cầu, lại là nước lân cận, có cùng văn hóa phương Đông và bị ảnh hưởng từ các sản phẩm kiếm hiệp tiên hiệp, không có gì khó hiểu khi Trung Quốc là nguồn cung game chủ yếu của nước ta suốt hơn một thập kỷ qua. Dễ thấy, bí quyết thành công của chúng không hẳn đến từ gameplay, đồ họa quá vượt trội mà một phần lớn trong đó đến từ chính bối cảnh, các class nhân vật ăn theo những đại môn phái như Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi... cũng như những chiêu thức skill với cái tên rất quen thuộc như Hàng Long Thập Bát Chưởng, Dịch Cân Kinh...

Công bằng mà nói, không thể phủ nhận một điều rằng thị trường game online Việt có được sự phát triển như ngày nay là nhờ dòng sản phẩm game ồ ạt tới từ Trung Quốc. Tuy nhiên có vẻ như điều này không thể thay đổi được sự thực rằng: Game thủ Việt vẫn luôn có một ác cảm nhất định với các sản phẩm gắn mác China. Thử đặt lên bàn cân 2 tựa game từ Hàn Quốc và Trung Quốc, chưa cần quan tâm đến bối cảnh, cốt truyện, nền tảng đồ họa hay gameplay, cam đoan 100% ý kiến sẽ “đặt cửa” cho xứ sở Kim Chi mà thôi.


Nòi gì thì nói, game Hàn vẫn là một đẳng cấp hoàn toàn khác

Nòi gì thì nói, game Hàn vẫn là một đẳng cấp hoàn toàn khác

Sống chung với lũ 10 năm nhưng vẫn nhất định đòi tẩy chay? Điều này thoạt nghe như vô lý, nhưng nhìn vào hiện thực làng game Việt nhiều năm qua có thể thấy những lý do rất rõ ràng cho quan điểm này của game thủ Việt.

Chất lượng game nhập về "dậm chân tại chỗ" trong nhiều năm liền

Từ một đứa trẻ non dại thì nay, bằng sự phát triển vượt bậc cùng sự hậu thuẫn đến từ nền kinh tế, Trung Quốc đã trở thành thị trường game lớn nhất. Các sản phẩm ở sứ xở Gấu Trúc dẫu vẫn có sự chênh lệch nhất định với Hàn Quốc tuy nhiên đã đạt đến ngưỡng đỉnh cao được cả thế giới công nhận, thậm chí nhiều cái tên đã thành công vang dội và oanh tạc hàng loạt các thị trường khó tính.


Game Trung Quốc cũng đã đạt đến ngưỡng đồ họa đẹp siêu thực

Game Trung Quốc cũng đã đạt đến ngưỡng đồ họa đẹp siêu thực

Thế nhưng thật buồn rằng, thay vì những top game chất lượng ấy, các NPH Việt lại chỉ nhập về các sản phẩm phân khúc dưới, tầm trung thậm chí là “game rác”. Chúng ta sẽ không bàn tới chuyện tài chính hay cách vận hành của các NPH ở đây, nhưng lâu dần điều này sẽ hình thành định kiến trong đầu game thủ rằng: Cứ game Trung Quốc về Việt Nam là kiểu gì cũng chán!

Theo như không ít những nhận xét ghi nhận được của cộng đồng game thủ, thì rất nhiều tựa game Trung Quốc có mặt tại Việt Nam chỉ là những MMO với đồ họa lẫn lối chơi được sao chép từ rất nhiều những game online thành công khác trên thế giới. Cho dù gần đây, nhiều NPH lớn đã bắt đầu lưu tâm đến vấn đề này, chịu chi nhập về các sản phẩm có tên tuổi nhưng một vài ngọn đuốc nhỏ ấy vẫn chưa thể nào thắp sáng lại niềm tin của cộng đồng sau hàng trăm tựa game rác mà họ đã “phải” chơi.

“Ngưng hỗ trợ sản phẩm” - thảm cảnh của game Trung Quốc

Đối với các NSX game, việc đàm phán đối với các NPH để đưa sản phẩm của họ sang thị trường khác phải trải qua nhiều thủ tục và điều khoản. Game càng lớn, điều khoản càng khắt khe, thậm chí nhiều NSX còn bắt các NPH chứng minh năng lực tài chính và khả năng quản lý vận hành trước khi trao tay đứa con cưng của họ.


Muốn đàm phán thành công một tựa game đỉnh cao, NPH Việt cần đáp ứng rất nhiều điều khoản khắt khe

Muốn đàm phán thành công một tựa game đỉnh cao, NPH Việt cần đáp ứng rất nhiều điều khoản khắt khe

Xét mặt bằng chung, chỉ có rất ít những NPH Việt Nam mới có đủ khả năng đáp ứng và “chiều chuộng” những yêu cầu và điều kiện kể trên. Thành ra lựa chọn làm việc với các NSX nhỏ và mua những tựa game rẻ lại là sự lựa chọn hợp lý nhất. Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bởi quy mô NSX sẽ tỉ lệ thuận với độ trách nhiệm. Tôi đã từng chứng kiến nhiều NPH điêu đứng khi phía Trung Quốc nghỉ lễ nửa tháng trời và không chịu hỗ trợ bất cứ một tí gì trong suốt khoảng thời gian đó, thậm chí có những tựa game Việt đang chạy bình thường bỗng nghe tin “ngừng hỗ trợ sản phẩm” đến từ đối tác vì công ty… phá sản. Đang yên đang lành, vừa đập cả đống tiền vào bỗng nhiên game đóng cửa thì hỏi ai không tức, không ghét?

Cách vận hành của các NPH Việt

Phải thừa nhận rằng, tư tưởng ăn xổi, cuốn chiếu, mì ăn liền của các NPH Việt vẫn còn hiện hữu. Cứ đếm số lượng game ra mắt trong năm qua thì thấy, một tháng vài con ra mắt/1 NPH là chuyện bình thường thậm chí còn “đấu đá” nhau khốc liệt không kém gì cạnh tranh với bên ngoài. Cứ như vậy lấy đâu ra nhân lực, nguồn vốn mà chạy ngần ấy con game lâu dài. Thế là con này có dấu hiệu doanh thu giảm là phải ra con khác ngay, kệ nó tự vận hành đến lúc chết thì thông báo đóng cửa là xong. Chẳng trách mà tuổi đời game online Việt hiện nay chỉ tính bằng tháng mà thôi.


Riêng tính trong tháng 01/2017, đã có tới 08 game online phải chia tay cộng đồng

Riêng tính trong tháng 01/2017, đã có tới 08 game online phải chia tay cộng đồng

Thêm nữa như đã nói ở trên, đến 90% những tựa game nằm trong số đó là game Trung Quốc. Ấy thế là cộng đồng lại có thêm lý do để quy chụp cho “hàng Tàu” là nhanh chết, chất lượng kém. Để rồi hễ có thông tin về một tựa game mới chuẩn bị về nước ta, chỉ cần biết nguồn gốc Trung Quốc là chắc chắn sẽ có không ít người lên tiếng tẩy chay không tiếc lời, đồng thời nói không với những game này, chưa cần biết chất lượng của tựa game chưa ra mắt sẽ ra sao.

Hướng đi nào cho làng game Việt?

Có thể khách quan đánh giá rằng, game Trung Quốc rất nhiều game đỉnh, chỉ là những sản phẩm được đưa về thị trường Việt Nam đa số lại nằm trong cái số còn lại mà thôi. Hơn nữa có lẽ trải qua hơn một thập kỷ xài hàng Trung Quốc, vẫn là những cốt truyện tiên hiệp, kiếm hiệp thú vị ban đầu nhưng nhàm chán về sau đã khiến cộng đồng dần mất đi cảm hứng. Trong năm 2017, một vài siêu phẩm đồ họa xuất sứ Trung Quốc được đưa về Việt Nam tuy chưa đủ, nhưng cũng là một dấu hiệu đáng mừng, nói cho cùng, lấy chất lượng đè bẹp số lượng chính là cách tốt nhất.

Ngoài ra còn hướng đi nữa, chính là các sản phẩm do chính tay người Việt sản xuất. Tuy rằng khó khăn hơn, tốn kém hơn và nhiều rủi ro hơn, nhưng không thể phủ nhận rằng khả năng tự sản xuất game của chúng ta là có. Cứ nhìn vào gương những tựa game từng được đánh giá ngang tầm quốc tế của những NSX Việt như Loạn Đấu Võ Lâm, Mộng Võ Lâm, Hải Tặc Bóng Đêm hay gần đây nhất là Kim Dung Quần Hiệp Truyện là đủ thấy, Developer Việt cũng giỏi không kém gì những đồng nghiệp ở nước ngoài. Thậm chí theo như thông tin chúng tôi ghi nhận được thì hiện tại, một sản phẩm game Việt ấp ủ 10 năm của eWings Stuido (cha đẻ của Kim Dung Quần Hiệp Truyện) hợp tác cùng SohaGame cũng đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng trước khi được công bố với cộng đồng. Ước mơ “người Việt chơi game Việt” đang dần được thực hiện thực hóa hơn bao giờ hết.


Game Việt hoàn toàn có thể đạt đến ngưỡng đồ họa cùng gameplay xuất sắc như thế này (Kim Dung Quần Hiệp Truyện)

Game Việt hoàn toàn có thể đạt đến ngưỡng đồ họa cùng gameplay xuất sắc như thế này (Kim Dung Quần Hiệp Truyện)

Những sản phẩm với mác "made in Vietnam" này luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối đến từ cộng đồng ngay từ thời điểm trước khi ra mắt. Thậm chí Kim Dung Quần Hiệp Truyện còn nhận được hàng trăm lời khen có cánh đến từ bạn bè Trung Quốc khi một đoạn video ngắn của game được đăng tải lên mạng xã hội Weibo. Nói gì thì nói, việc được chơi một tựa game làm riêng cho game thủ Việt, nơi mà game thủ hoàn toàn có thể yên tâm về "nguồn gốc xuất sứ", được đảm bảo quyền lợi và được cả NSX lẫn NPH lắng nghe ý kiến vẫn là điều tuyệt vời nhất!