- Theo Trí Thức Trẻ | 24/08/2016 0:00 AM
Hiện tại, các quán net tại Việt Nam đang rơi vào tình trạng cạnh tranh khốc liệt với nhiều hình thức như đua cấu hình cực khủng trên mây, hay phổ biến hơn là giá thành cực thấp, trung bình chỉ khoảng 5000 đồng một giờ, thậm chí nhiều nơi còn tụt xuống chỉ còn 2000 đồng một giờ.
Nếu như hai năm về trước là thời điểm những phòng máy chơi game tại Việt Nam có bước chuyển mình dữ dội để bắt kịp với phong trào eSports đang ngày một sâu rộng trong cộng đồng game thủ nước nhà với những tựa game nổi đình nổi đám như DOTA 2 hay Liên Minh Huyền Thoại, thì năm 2015 vừa mới qua đi lại là thời gian khó khăn đối với không ít những người kinh doanh phòng máy chơi game bình dân, hay những "anh em trong nghề" hay gọi là net cỏ.
Mọi chuyện bắt đầu kể từ mùa hè năm 2015, các quán Net 'cỏ' đang đồng loạt triển khai kế hoạch cạnh tranh mãnh mẽ với phương pháp hạ giá kịch sàn với mức giá giờ chơi gần như không tưởng là 2000 đồng. Trong bối cảnh các chi phí hoạt động của quán đều tăng mạnh, đặc biệt là tiền điện thì mức thu trên có thể nói là... lỗ vốn.
Có thể nói, kinh doanh quán net – một hình thức kinh doanh không còn xa lạ với tất cả người dân trên toàn mảnh đất hình chữ S này. Bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, quán net mọc lên ngày càng nhiều, từ thành phố cho tới thị trấn nhỏ bé, thậm chí còn lan tới cả vùng nông thôn đang phát triển.
Đây là hình thức kinh doanh đang rất hot trên thị trường hiện nay bởi ngành nghề này đem lại một nguồn lãi cực lớn nếu không có sai sót gì xảy ra. Với một gaming tầm trung hoặc tầm cao, nếu thuận lợi, chủ quán có thể thu hồi vốn sau khoảng 1-2 năm tùy thời vận. Tuy nhiên, yêu cầu của ngành nghề này là cần khá nhiều vốn, tầm 3-5 tỉ ở Hà Nội, và khoảng vài trăm triệu ở ngoại thành.
Net cỏ, nói đi nói lại, vẫn luôn luôn có một lợi thế cực kỳ khủng khiếp so với những cyber game cao cấp tại các vùng thành phố lớn: Mức giá. Đừng bao giờ mong cạnh tranh giá cả với những người làm phòng net bình dân. Chỉ với 2.000 hoặc cùng lắm là 3.000 Đồng, chúng ta đã có thể ngồi 1 tiếng đồng hồ chơi game thả ga. Còn đối với các cyber cao cấp, số tiền bỏ ra không bao giờ có chuyện dưới 5.000 Đồng, phụ thuộc vào cấu hình và "đồ chơi" của phòng máy cao cấp.
Nếu so sánh như vậy thì tại sao lại phải vào cyber game? Xin thưa, bù lại số tiền lớn, đôi khi gấp đôi gấp ba cho mỗi giờ chơi game, những cyber game luôn có một lợi thế rất mạnh, đó là dịch vụ. Các bạn thấy đấy, sau năm 2014 với sự bùng nổ của những cyber game cao cấp, thay vì cố gắng ngồi ở những quán net với điều kiện trang thiết bị chưa thực sự tốt, cũng như trải nghiệm game không hoàn hảo với không gian chật chội, gò bó, ngày càng nhiều game thủ đã lựa chọn cho mình những địa điểm cao cấp hơn, bất chấp mức giá không hề rẻ nhưng bù lại là cơ sở vật chất cao cấp với phần cứng đủ để họ thoải mái trải nghiệm bất kỳ tựa game nào.
Những tựa game mà các game thủ chuyên nghiệp hay chơi hầu hết nằm trong hệ thống các môn eSports , được nhiều người biết đến và đòi hỏi một cấu hình máy tính tương đối mạnh. Hầu hết các tựa game này vẫn có thể được tìm thấy ở các quán Internet bình dân hiện nay, tuy nhiên lại khó lòng thỏa mãn được sự khó tính của các game thủ.
Đã từng có thời kỳ, chúng tôi làm một cuộc điều tra để xem game thủ có sẵn sàng bỏ thêm tiền để vào cyber, với những lợi thế nhất định như chỗ ngồi, phòng rộng rãi, không khói thuốc và cấu hình máy mạnh hay không, và bất ngờ là rất đông game thủ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn, miễn là dịch vụ phải tốt.
Giờ đây, một trong những nghề "làm dâu trăm họ" của xã hội đã không chỉ còn là chiều chuộng khách hàng với máy tính khỏe, mà còn trở thành một nghề dịch vụ nơi họ phải nâng cao chất lượng phục vụ để giữ được những vị khách trẻ tuổi. Từ những đĩa cơm, chỗ ngồi, cho tới cả nhân viên cũng đã và đang phải thay đổi để bắt kịp với tốc độ phát triển chóng mặt của những phòng máy chơi game tại mảnh đất hình chữ S. Và không ai khác, chính chúng ta sẽ là những người được hưởng lợi.