- Theo Trí Thức Trẻ | 17/08/2017 01:23 PM
Không phải đến tận bây giờ We Happy Few, tựa game của Compulsion Games phát triển được giới thiệu. Thế nhưng tại sự kiện họp bảo E3 2016 của Microsoft vào năm ngoái, We Happy Few lại một lần nữa khiến giới hâm mộ vừa háo hức chờ đợi ngày game ra mắt, nhưng cùng lúc đó lại khiến cho game thủ phải khiếp sợ và bị cuốn ngay vào phong cách cực kỳ độc đáo của tựa game.
Sau một thời gian rất dài, cả một năm trời thử nghiệm cho người chơi thưởng thức thông qua tính năng Steam Early Access kể từ tháng 07/2016, cuối cùng thì We Happy Few cũng đã có ngày ra mắt chính thức. Gearbox Publishing, nhà phát hành tựa game sinh tồn lấy bối cảnh giả tưởng những năm 60 của thế kỷ trước đã công bố game sẽ chính thức ra mắt người chơi vào ngày 18/04/2018 tới.
Dĩ nhiên khi game ra mắt, người chơi sẽ phải mua key bản quyền với giá 1,2 triệu Đồng thay vì chỉ vài trăm nghìn như hồi Early Access, vì thế những người đã chịu bỏ tiền sớm để ủng hộ nhà phát triển sẽ là những người được lợi nhất, vừa được chơi game bản đầy đủ, vừa chỉ phải bỏ khoản tiền rất rẻ so với khi nó chính thức ra mắt.
Trong We Happy Few, không có một ai không hạnh phúc cả. Ai cũng nở những nụ cười ngoác đến mang tai. Bạn sẽ rất nhanh chóng đặt ra câu hỏi, trong xứ sở thiên đường nơi ai cũng tươi roi rói, vui vẻ nhiệt huyết thì có gì đáng để làm game? Lý do khiến tất cả những con người trong thế giới giả tưởng của London những năm 1960 bị bắt ép uống một loại thuốc có tên Joy khiến cho họ cảm thấy hạnh phúc. Và tác dụng phụ là gì? Ảo giác khủng khiếp khiến cuộc đời chỉ có màu hồng.
Vì sao họ lại phải uống Joy? Câu chuyện của We Happy Few lấy bối cảnh hậu thế chiến thứ ba giả tưởng, khi quân đội Nga xâm chiếm thành công đất nước Anh. Và cư dân Wellington Wells đã làm được một việc để đuổi quân Đức khỏi quê hương của họ, trong game chỉ được đề cập với cái tên "A Very Bad Thing" (Điều cực kỳ tồi tệ). Không ai còn nhớ chuyện đó là gì, xảy ra như thế nào, nhưng sau đó toàn bộ người dân đã phải hứng chịu cảm giác tội lỗi mãi về sau.
Lo sợ cảm giác tội lỗi và chán nản sẽ khiến cả cộng đồng suy sụp, Joy ra đời, giống như một thứ ma túy gây ảo giác, một món thuốc khiến rất nhiều nghệ sỹ nước Anh mê mẩn, tạo ra những tác phẩm âm nhạc để đời trong khi phê thuốc.
Có thể so sánh We Happy Few giống như một tựa game pha trộn giữa Bioshock, nơi có một cộng đồng quái đản nhưng người dân ai cũng nghĩ đó là điều bình thường, với những giá trị con người chỉ chực chờ sụp đổ nếu không được quản lý một cách tàn bạo và mạnh tay, với Don't Starve, nơi bạn phải lần mò từng xó xỉnh của thị trấn để tìm ra thức ăn nước uống và thuốc men để tồn tại. Chính những điều đến từ hai tựa game mà tôi thích nhất này đã khiến cho We Happy Few là một tựa game rất được trông đợi, và thậm chí là bỏ tiền mua game ngay từ khi nó còn chưa hoàn thành.