Xem bói số phận làng game Việt trong 300 ngày tới

Vĩnh Hậu  | 15/02/2011 0:00 AM

Sự thành công được tình bắng những game đang chập chờn trên bệ phóng, bằng niềm đam mê game cháy bỏng của gamer nước nhà.

Trong suốt một thập kỷ phát triển, game online Việt chưa bao giờ trải qua một vụ mùa thất bát như năm 2010. Đó là một tai ương rõ ràng và quá lớn nếu đem so với những gì mà làng game nước nhà gặt hái được mỗi năm. Hàng loạt các game bị “thảm sát” không ngừng nghỉ, cùng với việc bị cấm hẳn việc quảng bá cùng với phát hành game mới, điều đó khiến cho không khí làng game từ nửa năm đến nay chùng xuống trầm trọng.

 
Điều đó làm nảy sinh một tâm lý lo lắng trong suốt một khoảng thời gian dài, mà cho đến tận ngày hôm nay vẫn chưa dứt. Liệu rằng tình hình có được cải thiện? Đó là câu hỏi khiến không ít người trăn trở. Năm 2011 đã bước qua và tình hình có vẻ cũng chưa được cải thiện bao nhiêu. Vẫn còn đến 10 tháng cho năm Mão sắp đến, chuyện gì sẽ xảy ra?
 
Sẽ trở lại vụ mùa bội thu…
 
Có nhiều điều kiện cho điều này trở thành sự thật. Dĩ nhiên nếu không có quá nhiều thay đổi, sự bùng nổ trong năm 2011 sẽ thật sự xảy ra ở thị trường game online Việt. Nhưng để mọi thứ trở nên mỹ mãn không hề dễ dàng.



Việt Nam là thị trường game hàng đầu Đông Nam Á với số lượng game thủ rất đông đảo. Lượng tiền bỏ vào thế giới ảo của đại đa số game thủ luôn ở mức cao, và sự biến động của thị trường cũng rất lớn bởi hầu hết game thủ Việt đều dễ thay đổi xu thế, thay đổi lối chơi. Tuy nhiên điểm chung nhất của các game thủ này chính là lòng đam mê và chơi game hết mình. Họ luôn tìm tòi khám phá những game mới ra mắt, cũng như bám trụ lại những game mà mình yêu thích đến cùng.

Với một lượng khách hàng quá tiềm năng như thế, nếu như có trò chơi nào ra mắt, chúng sẽ có được ít nhất là một sự thành công nhất định. Và bên cạnh lòng đam mê vốn có, chính tâm lý khát game mới suốt nửa sau năm 2010 đến nay càng khiến cho giới trẻ nước nhà chờ đợi sự xuất hiện của những cái tên mới.



Hàng loạt cái tên đình đám đã và đang được “thông nòng”, sẵn sàng trên bệ phóng. Những cái tên như Võ Lâm Truyền Kỳ 3 hay Dragon Ball đủ sức để cám dỗ bất cứ gamer nào. Chờ đợi càng lâu, gamer Việt càng háo hức, càng khát game hơn. Nếu như mọi sự thuận lợi, thời điểm những game trên ra mắt sẽ không còn lâu nữa. Và khi mà mọi thứ được lên lịch, sự bùng nổ sẽ đem đến cho thị trường Việt Nam một cú hích lớn.
 
… Hay tiếp tục là một năm ảm đạm?
 
Mọi thứ vẫn có thể xảy ra. Trong giai đoạn chuyển mình này, nhiều sự thay đổi sẽ đến, và sự thay đổi đó khó mà tránh khỏi. Câu hỏi là tiếp sau sự thất bát của năm 2010 thì năm nay mọi thứ đã an bài hay chưa?

Tháng 4, nếu mọi chuyện tốt đẹp thì quy chế quản lý game online sẽ chính thức chào đời. Cái gì có trong bản quy chế đó là câu hỏi mà ai cũng hồi hộp chờ đợi. Điều quan trọng đầu tiên là giới hạn giờ chơi. Hiện tại thì nhiều game đã phải đóng server sau 23 giờ đêm, và liệu rằng chuyện đó có thể bị khép chặt thêm nữa?



Một chuyện khác hoàn toàn có thể xảy ra đó là thêm nhiều game sẽ bị xét đến các yếu tố nhạy cảm. Câu chuyện Đột Kích là môt ví dụ, cũng may là VTC Game đã khôn khéo loại bỏ những yếu tố không phù hợp, thế nhưng nếu như tiêu chuẩn về bạo lực hay nhạy cảm bị xiết chặt hơn thì chắc hẳn là sẽ thêm nhiều game khác phải sửa đổi. Và nếu như các NPH không thể vững vàng, game ra đi là điều tất yếu.
 
Ở thời điểm hiện tại, việc cấp phép lưu hành game mới vẫn chưa được mở lại. Điều cần tin tưởng là sẽ vẫn có game mới ra mắt trong tương lai, tuy nhiên có phải là năm 2011 không thì vẫn còn chưa thể biết được. Dù cho ít xảy ra thì khả năng bị “quản thúc” nhiều hơn nữa của game online vẫn còn lơ lửng trên đầu, và năm nay không hẳn là một năm lành với các tín đồ thế giới ảo nước nhà.
 
Chúng ta phải làm gì?

 
Một sự vào cuộc lớn? Không cần thiết. Điều mà mỗi game thủ cần làm đó là tận dụng trong lúc không khí game đang chùng để hoàn thiện bản thân mình hơn, làm tốt công việc, để cho những người khác không đánh giá về game qua sự bê tha của bản thân từng người. Xã hội đã không còn lên án game mạnh mẽ, những vụ việc tiêu cực cũng không còn, đó là điều cần giữ.

Cũng không nên quá lo lắng về việc game sẽ bị “triệt tiêu” nhiều hơn. Đã có hẳn 20 game ra đi trong năm 2010, và những game còn lại là những cái tên được chăm bẵm nhiều của các NPH. Nếu mất thêm con cưng trong bối cảnh vẫn chưa được cấp phép ra game mới, có nghĩa là “cần câu cơm” của họ mất đi. Chắc chắn không NPH nào để lâm vào tình cảnh như vậy, nên họ sẽ làm hết sức để giữ game của mình ở lại.



Thêm nữa, năm 2011 có lẽ là thời điểm của game thuần Việt, khi có hàng loạt dự án đã phong phanh tin đồn và được ấp ủ đã lâu. Và game thuần Việt cũng sẽ được sự hậu thuẫn của các bên quản lý, dễ dàng hơn trong việc cấp phép, hoạt động. Trong khoảng thời gian mà các game ngoại nhập bị kiểm soát gắt gao, đó là khoảng thời gian vàng của các đơn vị phát triển trò chơi nội địa.