Võ Lâm Truyền Kỳ (
VLTK), nói không ngoa, chính là một “huyền thoại” của game online Việt Nam. Không những là game có quãng đời dài nhất, thu hút nhiều người chơi nhất, có doanh thu lớn và bền nhất… đây còn là game online khai mở và chắp cánh cho nhiều phương thức kinh doanh game, cách kết nối cộng đồng, tác động đến hạ tầng internet. Phần nhiều trong các khởi đầu đó đến nay vẫn còn tác động đến làng game online.
Ở thời điểm năm 2005, khi
VLTK bắt đầu rộ lên ở VN, thật khó ai hình dung game online sẽ có một tương lai như chúng ta đang thấy hiện nay. Khi ấy đường truyền internet vẫn rất giới hạn về tốc độ, ADSL còn là một khái niệm “xa xỉ”, số lượng người tiếp cận với internet không nhiều đến mức để hi vọng có thể kiếm nhiều tiền bằng cách phát hành một trò chơi mà người chơi có thể tương tác với nhau qua mạng toàn cầu. Vậy mà, chỉ sau khi
VLTK ra đời, tất cả điều ấy đã thay đổi.
Nhiều tựa game khao khát thành tích của VLTK
Cho đến giờ, VLTK vẫn là game online thu phí giờ chơi của game thủ mà vẫn được ủng hộ mạnh mẽ nhất. Điều ấy chứng tỏ sức hút của game này. Nhiều chuyên gia vẫn cho rằng đây là trường hợp thành công đặc biệt và kỳ lạ, khó có khả năng lặp lại lần nữa. Nhiều game đi sau đã áp dụng hầu hết các biện pháp của VLTK nhưng đều không đạt được thành công như mong muốn.
Tựu chung, các ý kiến về thành công của VLTK có thể khuôn vào các yếu tố như đúng điểm rơi khi những người trẻ mới tiếp xúc với internet đã tò mò về trò chơi có thể kết nối khác hẳn với các game offline khi họ phải xoay sở một mình trong thế giới game, một cốt truyện kiếm hiệp phù hợp với văn hóa đọc và xem của phần lớn người Việt… Tất nhiên ý kiến đó hoàn toàn có cơ sở, nhưng để níu chân người chơi một cách lâu dài lại là các ảnh hưởng khác.
Đầu tiên là các vật phẩm ảo. Những vật phẩm có các tính năng cao luôn được tạo ra với khối lượng ít đủ để nhiều người chơi khao khát sở hữu. Theo chân việc đó, các cuộc đấu giá tài sản ảo (một phần tiền được sử dụng vào công việc từ thiện, giúp đỡ cộng đồng) đã quy tụ rất nhiều người chơi trên toàn quốc.
Còn nhớ vào năm 2007, một game thủ có nick Excavator đã sở hữu chiếc nhẫn xanh +2 kill trong cuộc đấu giá lần đầu tiên của VLTK với số tiền hơn 250 triệu đồng. Người săn vật phẩm để bán, kẻ tìm vật phẩm để mua đã tạo một không khí rất sôi động trong game lúc ấy. Các cuộc đấu giá cũng là kênh kết nối cộng đồng rất thành công, nói như một game thủ là chủ doanh nghiệp IT lớn ở Hà Nội, các cuộc gặp gỡ ấy không chỉ cho anh dịp gặp bạn bè trong game mà còn là cả cơ hội thương mại.
Chủ nhân của chiếc nhẫn trăm triệu
Tiếp theo đó là các công ty kinh doanh vật phẩm ảo đã ra đời. Ngoài việc là trung gian cho các bên có thể trao đổi, mua bán các vật phẩm có tính năng cao trong game, các công ty này còn thu mua “tiền vạn” - vật trao đổi trong game và bán lại cho người cần. Ở thời điểm 2008, khi đã có nhiều game online ra đời, các công ty này thậm chí còn niêm yết giá của tiền trao đổi trong từng game theo ngày, đổi tiền từ game này qua game kia. Tất cả việc ấy chỉ bắt đầu từ sức hút của VLTK.
Các hoạt động ngoài game như các kỳ Đại hội Võ Lâm đã thu hút hàng chục ngàn người tham dự. Ngoài việc kết nối các game thủ, các dịp này đã điều chỉnh các hoạt động văn hóa liên quan đến game.
VLTK còn là tiêu đề hay cảm hứng của bộ phim ăn khách cùng tên game và nhiều vở kịch, phim truyền hình khác. Đến bây giờ, vào quán karaoke, rất có thể bạn sẽ nghe “Ngày xưa yêu nhau bên gốc mai Phượng Tường, kề vai ngắm trăng Thanh Thành Sơn…”, đó là lời bài hát “Ta Đi Tìm Em” vốn được giải trong cuộc thi sáng tác nhạc của VLTK. Bài hát từ một cuộc thi vẫn được hát lên từ nhiều chỗ. Đó là một bài hát sống. Sức sống đó từ cảm hứng VLTK và yêu mến bởi những người gắn bó với game.
Có lẽ cũng nên nói thêm rằng, có khá nhiều gương mặt nổi lên của làng giải trí và showbiz Việt đã có khởi đầu là một người chơi và tham dự cuộc thi “Thập Đại Mỹ Nhân” của game này vào 2006. Ca sĩ Bảo Thy vốn chỉ nổi lên sau khi đạt giải thưởng này. Diễn viên Ngân Khánh cũng là một trong mười mỹ nhân của cuộc thi ấy. Ngọc Hân, hoa hậu Việt Nam năm 2010 đạt danh hiệu “Vạn Kiếm Công Chúa”, sánh vai cùng diễn viên và ca sĩ trên trong cuộc thi.
Vạn Kiếm Công Chúa trở thành hoa hậu Việt Nam
Tất cả những điều ấy đã khiến VLTK thành một động lực cho giới trẻ… nâng cấp đường truyền. Có thể tin rằng, việc băng thông rộng hay internet tốc độ cao có thể nhanh chóng phổ cập đến vậy ở nước ta có góp công không nhỏ của game online mà VLTK là thành tố chính.
Trong khi mọi người đều cho rằng, 6 năm đã là mốc cuối của vòng đời một game online, thì đến giờ, tựa game kiếm hiệp này đã bước qua tuổi lên 09. Đó là một trường hợp đặc biệt, vượt ra ngoài vòng dự đoán của các chuyên gia như thế xứng đáng có một cuộc họp mặt lớn mừng sự đồng hành cùng làng game Việt. Được biết trong đầu tháng 9 này, VNG và cùng đại diện nhà sản xuất KingSoft sẽ tổ chức Hội nghị “Hành trình VLTK 09 năm”. Đồng thời, game cũng bước sang trang mới với
sự ra mắt của
phiên bản 3D đặc sắc.
Phiên bản 3D đặc sắc của VLTK
Hãy chờ xem VLTK có thể tồn tại đến bao lâu, mọi kỷ lục và quy trình đều có thể bị phá vỡ nếu VLTK còn biết cách nuôi dưỡng sự yêu mến và đồng hành của người chơi như họ từng làm được.