Từ xưa đến nay vấn nạn lừa đảo trong giao dịch đã trở nên quá phổ biến không chỉ trong Võ Lâm Truyền Kỳ mà còn là trên toàn thế giới game online. Có rất nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, phần lớn trong số chúng đều dựa vào một nguyên tắc là đánh vào sự bất cẩn của người chơi. Ví dụ bạn đang rất vội nên cần giao dịch thật nhanh, sau khi thấy đối phương đặt đúng món đồ lên thì cố gắng đồng ý, bất ngờ hắn hủy giao dịch và đề nghị giao dịch lại. Lúc này đối phương sẽ cho một món đồ nhìn bề ngoài y hệt lên rồi sau đó ấn giao dịch và chỉ cần không chú ý thôi thì bạn đã trở thành nạn nhân của nạn lừa đảo này.
Lừa đảo giao dịch xuất hiện rất nhiều trong thế giới VLTK
Đây chỉ là một ví dụ điển hình, trên thực tế còn có rất nhiều cách lừa đảo khác tương tự trong đó nguy hiểm nhất là lừa đảo giao dịch tiền bạc qua mạng. Thế nhưng giờ đây, khi mà các game thủ đã ít nhiều được biết tới chúng thì vấn này đã được giảm thiểu khá nhiều. Tuy nhiên gần đây trong thế giới VLTK lại xuất hiện một kiểu lừa đảo mới, nó khiến cho người chơi cảm thấy như mình đã nắm đằng chuôi nhưng thực ra đang cầm đằng lưỡi mà không biết.
Cụ thể, khi đối phương muốn mua một món đồ hoặc một bộ đồ của bạn bằng tiền mặt nhưng cả hai lại ở quá xa nhau để có thể giao dịch trực tiếp. Vậy nên buộc phải thực hiện giao dịch qua mạng, nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người chuyển tiền (vật phẩm) trước? Sẽ chẳng ai là người muốn làm điều đó trước cả bởi có tới 99% sau khi đối phương nhận được đồ sẽ lặn mất tăm (trừ trường hợp thân quen).
Tuy nhiên trong trường hợp này, người đi mua đồ sẽ đồng ý thanh toán tiền trước với điều kiện người bán đăng nhập vào một account lởm do người mua cung cấp và để những món đồ giao dịch vào hòm đồ rồi chụp ảnh lại. Ý của người mua ở đây là muốn có những tấm hình xác nhận rằng món đồ đã được chuyển vào account và sau đó sẽ chuyển tiền.
Thoạt nhìn chúng ta có thể thấy rằng người bán chẳng có gì phải lo lắng, chỉ là đề tạm đồ vào một account mà mình đang đăng nhập sau đó là nhận tiền. Nếu người mua không trả tiền thì chỉ cần giao dịch chuyển lại đồ về account mình là xong. Thậm chí nhiều người xấu tính còn nghĩ tới trường hợp chờ đối phương chuyển tiền rồi rút lại đồ xong mới thoát account, nhưng tất cả đã nhầm.
Khi bạn vừa thực hiện thao tác giao dịch đồ sang account chỉ định của người mua thì lập tức xuất hiện trường hợp bị disconnect tài khoản ra ngoài. Khi đăng nhập lại thì bị báo sai mật khẩu và đương nhiên món đồ để trong account kia cũng mất luôn. Hãy cùng theo dõi đoạn chia sẻ của game thủ hunglaem để rõ hơn về vấn đề này:
“Tôi vừa bị lừa một cú, dù ấm ức nhưng vẫn không thể hiểu nổi vì sao bị lừa vậy. Hôm qua có người hỏi mua set thương lang bằng thẻ zing, nó bảo tôi chuyển đồ sang account cấp 1 của nó rồi gửi hình lên để nó biết đã gửi qua đó rồi. Xong không hiểu tự nhiên account bị mất kết nối, bị out ra vào lại thấy mật khẩu không đúng. Cho em hỏi vì sao nó có thể kick out acc đó trong khi em không gõ lệnh autoreply? Ai biết xin chỉ giáo, cảm ơn!”.
Vâng, giờ chúng ta đã biết thêm được một kiểu lừa đảo trong giao dịch mới. Hi vọng rằng các bạn sẽ không bao giờ bị lâm vào tình trạng trên và cẩn thận hơn trong mọi giao dịch của mình. Nếu thấy có chút gì đó bất thường thì thà không giao dịch còn hơn là làm để rồi hối hận cũng đã quá muộn.