Vì sao tôi ghét game online Việt Nam

Nghi Lâm  | 06/06/2011 0:00 AM

Tâm sự của một game thủ từng gắn bó với game online Việt Nam kể từ những ngày đầu.

Với 20 triệu người sử dụng internet và chắc chắn không dưới 20% trong số đó có chơi game online, Việt Nam đang là thị trường MMO vào loại lớn nhất Đông Nam Á về quy mô. Thế nhưng như đã phân tích trong bài viết trước, chúng ta chỉ đứng đầu về số lượng chứ chất lượng vẫn còn quá nhiều điều bất cập.
 
Mới đây, một game thủ khá kỳ cựu đã gửi những dòng suy nghĩ của anh với chủ đề "Vì sao tôi ngày càng ghét game online Việt Nam". Tuy không tránh khỏi những lập luận mang tính chủ quan, nhưng dù sao nó cũng cho thấy những mặt trái của ngành công nghiệp game nước nhà.
 
 
"Tôi yêu game online
 
Trước tiên, phải khẳng định một điều rằng tôi là fan hâm mộ từ lâu của trò chơi trực tuyến. Còn nhớ cách đây gần chục năm khi GO còn chưa về Việt Nam, tôi đã từng mê mẩn những tựa game chơi mutiplayer qua LAN như CS, AoE. Tới năm 2003 khi phong trào MU tràn về, tôi cùng bạn bè gần như không bỏ lỡ bất kỳ một phiên bản "lậu" nào, từ MU Trung Quốc tới Trống Đồng...
 
Thế rồi lần lượt tới VLTK 1, 2, Gunbound, Hiệp Khách, Tam Quốc Chí và thậm chí cả những tựa game mà bây giờ hiếm bạn nào còn nhớ nó từng về Việt Nam là RAN Online cũng lần lượt qua tay tôi "cày kéo". Nói ra không phải để khoe khoang, nhưng số tiền cũng như công sức mà bản thân bỏ ra cho món ăn tinh thần này chắc không đếm nổi.
 
 
Bây giờ tôi thấy nhiều bạn cho rằng game online chỉ là thể loại "hạ cấp" hoặc coi những trò chơi cũ như VLTK là "thảm họa" của ngành game Việt thì không khỏi thấy buồn. Vẫn biết mỗi người đều được tự do ngôn luận, nhưng rõ ràng những nhận xét ấy thật quá một chiều, tôi có thể khẳng định game online đã mang lại cho bản thân mình khá nhiều thứ chứ không phải chỉ mất mát đơn thuần.
 
Chính vì thế, tôi không ngần ngại khẳng định rằng mình yêu game online và còn chơi lâu nữa dù tuổi tác chẳng còn trẻ trung gì. Chỉ có điều, tình yêu ấy lại ngày càng hướng tới các trò chơi nước ngoài thay vì Việt Nam. Thậm chí nói không ngoa, càng ngày tôi càng thấy... ghét ngành MMO nội địa.
 
Gần chục năm trời vẫn không có gì mới
 
Nếu như thị trường game online ngoại ngày càng tiến xa với những đầu game vượt trội cả về đồ họa lẫn gameplay so với cách đây 2, 3 năm, thì điểm lại những sản phẩm được mua về Việt Nam gần như chẳng thay đổi gì. Theo cá nhân tôi, chúng vẫn chỉ mang đồ họa tầm trung, game 2D, 2.5D còn quá nhiều trong khi game 3D cũng không để lại ấn tượng gì.
 
 
Đối với một thị trường đã tồn tại gần chục năm trời mà không có gì tiến triển như thế quả là một chuyện buồn. Vẫn biết lý do khách quan dẫn đến việc các NPH không dám mua game "đỉnh" về nước là vì thị hiếu cũng như nền tảng cấu hình máy trong nước còn nghèo nàn, thế nhưng nếu cứ mãi sợ sệt thế này thì chắc tới năm 2020 chúng ta vẫn chẳng khác gì hôm nay.
 
Thêm vào đó, trong khi nước ngoài họ có cả những câu lạc bộ game thủ nhằm hướng cộng đồng gamer đi theo một hướng lành mạnh thì tại Việt Nam tất cả vẫn chơi game một cách tự phát. Mạnh ai nấy chơi mà không cần quan tâm tới hành xử in-game của mình có văn hóa hay không, đơn cử như chuyện tranh chấp bãi train, hay giành giật nhau từng con boss.
 
 
Rồi hình ảnh gamer Việt trong mắt người nước ngoài vẫn nằm ở con số "0" tròn trĩnh. Đã từng có lần tôi chơi Granado Espada bản quốc tế và bị từ chối vào guild vì trót nhận mình là người Việt, lúc bấy giờ mới thấy đau xót làm sao. Nhiều lúc tôi ngồi cafe với hội bạn thân và thử lý giải vì sao một cộng đồng gamer phát triển trong 7, 8 năm trời mà vẫn không thay đổi được chút gì về ý thức, thế nhưng không ai trả lời được.
 
Nói chung, điều đầu tiên khiến tôi mất cảm tình với game online Việt Nam là vì nó vẫn dậm chân tại chỗ sau nhiều năm, trong khi nước ngoài đã tiến quá xa so với chúng ta.
 
Cộng đồng nhạt nhòa
 
Bên trên tôi đã đề cập tới việc văn hóa chơi game của gamer Việt hầu như không có thay đổi về mặt ý thức. Thế nhưng mọi chuyện còn bi đát hơn nữa khi sự gắn kết cộng đồng ngày càng nhạt nhòa dần, ngày nay dường như các bạn trẻ chơi game không còn mấy tâm huyết đối với trò chơi mình đang gắn bó, họ cả thèm chóng chán vô cùng.
 
Ngoại trừ các MMO vào hàng lão làng đã tích lũy được cộng đồng lớn mạnh từ xưa như VLTK, Audition... Gần như mọi tựa game mới về nước trong 2, 3 năm trở lại đây đều rơi vào tình trạng ảm đạm sau khoảng 6 tháng, tuổi thọ của chúng nói không ngoa giờ chỉ trung bình khoảng 2 năm, trong đó phân nửa thời gian là thoi thóp.
 
 
Tình trạng trên chính là vì sự cả thèm chóng chán của gamer, và sâu xa hơn chính là do mặt bằng thị trường không có gì thay đổi. Vẫn những tựa game na ná nhau ra đời thì làm sao giữ chân được người chơi? Dần dà tôi không còn cảm nhận được sự gắn kết cộng đồng trong game online Việt nữa, mà bạn cũng biết rằng với trò chơi trực tuyến, cộng đồng là trái tim.
 
Tôi còn nhớ trước kia, nhiều hôm cả bang tụ hội ngoài hàng net (dù phần lớn đều có mạng ở nhà) để thi đấu, công thành chiến rất vui, anh em trong bang như người một nhà vậy. Còn bây giờ thì sao? Mạnh ai nấy chơi, hẹn hò cũng chẳng buồn tham gia và quit game vô tội vạ, đơn giản vì họ vừa mới tìm thấy một tựa game mới và tranh thủ sang sớm để cày kéo.
 
Quyền lợi không bảo đảm
 
Thú thực, đã từng chơi nhiều game tại server nước ngoài và tôi chưa bao giờ thấy bất an như khi chơi game tại Việt Nam. Có lẽ không cần phải nhắc lại nhiều về phong cách làm việc của một số NPH trong nước vì có quá nhiều lời kêu ca rồi. Chính vì tâm lý đặt lợi nhuận lên cao nhất cộng với một lứa game thủ mù quáng chơi bất chấp mình bị đối xử khổ sở đã khiến ngành game xuống dốc như bây giờ.
 
 
Thậm chí có những tựa game hack tràn lan, NPH bất lực nhưng gamer chơi vẫn đông, họ sẵn sàng chấp nhận bị hack vì... quen rồi. Hay có những phần thưởng bị "quịt" cả vài tháng trời nhưng họ vẫn xuề xòa cho qua vì biết rằng đòi cũng... không được. Khả năng chịu đựng tuyệt vời của gamer Việt vô hình chung đã khiến quyền lợi khách hàng ngày một bị coi nhẹ.
 
Hay như gần đây, có hiện tượng game phát hành nhưng chẳng biết tên tuổi NPH là ai, ngoại trừ dòng thông báo bản quyền thuộc về doanh nghiệp xa lắc xa lơ tận đẩu tận đâu. Thế mới có chuyện mua thẻ rồi nạp bị lỗi, gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng rồi nhận được câu trả lời: "Game này không phải do chúng tôi phát hành thưa bạn!?".
 
Tài sản ảo không được công nhận, doanh nghiệp lại càng không đảm bảo được quyền lợi khách hàng, vì thế tôi thực sự chán ghét ngành game Việt Nam"
 
Còn bạn, bạn nghĩ sao về những suy nghĩ trên?