Vì sao tôi bỏ game online để đến với DOTA 2 và LMHT

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 13/03/2014 12:03 AM

Cùng nghe những chia sẻ của game thủ DOTA 2 và LMHT về việc vì sao họ gắn bó với game MOBA thay vì game online.

Game online đã có mặt tại Việt Nam trong khoảng thời gian trên dưới 10 năm qua. Trong khi đó, những custom map đầu tiên xuất hiện trong tựa game chiến thuật thời gian thực Warcraft III mà điển hình là DotA cũng xuất hiện trên thế giới vào đúng thời điểm đó.

Vì sao tôi bỏ game online để đến với DOTA 2 và LMHT 1

Bỏ qua những cái tên game online từng rất hot vào thời kỳ bấy giờ như MU Hà Nội, GunBound hay sau này không lâu là Audition hoặc Priston Tale, cũng như khi Defense of the Ancients trở thành một trong những hiện tượng trên làng eSports thế giới trong những năm 2004 và 2005, thì tại khắp các quán game tại Việt Nam, cộng đồng game thủ nước nhà cũng đã kịp "nhẵn mặt" với Dday Judgement, một trong những custom map vô cùng thành công của WarCraft 3.

Xét về lối chơi cũng như hệ thống nhân vật, thì Dday Judgement hoàn toàn có thể coi như một thứ gì đó rất sơ khai đưa game thủ Việt làm quen với thể loại game MOBA với những cái tên nổi đình nổi đám hiện tại như DotA 2 hay Liên Minh Huyền Thoại.

Vì sao tôi bỏ game online để đến với DOTA 2 và LMHT 2

Điều này có nghĩa là, những game online nhiều thể loại như bắn súng, nhập vai, casual,… và những MOBA đều đã có lịch sử phát triển tại Việt Nam với bề dày không quá khác biệt. Cũng không hề thiếu những game thủ từng vô cùng đam mê những tựa game kiếm hiệp đầy ấn tượng hay những MMOFPS nghẹt thở, nhưng rồi sau cùng họ lại dành tình yêu của mình với DOTA 2 hay LMHT ở thời điểm hiện tại.

Vậy lý do gì đã khiến cho những game thủ này thay đổi hoàn toàn thói quen cũng như sở thích của họ như vậy? Hãy cùng GameK tìm hiểu thông qua chính chia sẻ của những game thủ MOBA Việt Nam.

Trải nghiệm game

Trong một bài viết trước đây phân tích những lợi thế của MOBA, GameK cũng đã đề cập tới trải nghiệm PvP khiến cho những tựa game như DOTA 2 hay LMHT thu hút được đông đảo game thủ Việt.

Vì sao tôi bỏ game online để đến với DOTA 2 và LMHT 3

Một trong những sở thích của người Việt kể từ khi những tựa game online đầu tiên tấn công làng game nước ta chính là PvP. Những trận đấu phân cao thấp giữa người chơi với nhau luôn có được sức hút hơn rất nhiều so với việc raid boss hay đánh quái do máy điều khiển. Ở một mức độ nào đó, xét về tâm lý game thủ, rõ ràng chiến thắng trước một nhân vật do người điều khiển luôn đáng tự hào hơn việc hạ gục một con quái thông thường.

Minh Quang, một game thủ Liên Minh Huyền Thoại chia sẻ: “Không giống như ngày xưa cày cuốc Võ Lâm, giờ mỗi trận đấu lại đòi hỏi sự tỉnh táo, kinh nghiệm và quan trọng nhất là sự hợp tác giữa cả 5 game thủ trong cùng một đội. Đa số trường hợp, chỉ cần một người ‘thọt’ hay pick tướng theo kiểu ích kỷ, không hợp với đội hình là cả team có thể thua ngay vì combat rất khó phối hợp.”

Vì sao tôi bỏ game online để đến với DOTA 2 và LMHT 4

Trong khi đó một game thủ DOTA 2 có nickname ThuongGiaBuonHanh thì cho biết: “Cảm giác cắm được một cái mắt trong rừng của đối phương rồi vài người trong đội cùng nhảy vào gank anh chàng xấu số của đội bạn đang mải farm rừng mà quên mắt mũi lúc nào cũng khiến trận đấu thêm phần kịch tính.

Không giống như mấy game MMORPG bây giờ, chỉ đi farm, làm nhiệm vụ rồi lại… lặp lại, lối chơi của DOTA 2 tuy vẫn dựa vào việc farm gold mua đồ cho nhân vật mạnh hơn, nhưng tính chiến thuật của nó lại đa dạng tới mức gần như không có trận đấu nào giống trận nào. Bạn có thể đi gank từ sớm để “đì” carry đối phương, hoặc cứ farm đủ đồ rồi xông vào combat,…”

Kỹ năng

Nói về vấn đề kỹ năng, ThuongGiaBuonHanh chia sẻ thêm: “Tất nhiên nếu nói đến những game chiến thuật thời gian thực, kỹ năng được chứng minh ở việc bạn làm chủ cả một đạo quân khổng lồ, vừa phải giải quyết tốt vấn đề kinh tế, lại vừa phải xây đủ quân để giao chiến với những đối thủ trên bản đồ. Điều này rõ là không dễ dàng chút nào.

Vì sao tôi bỏ game online để đến với DOTA 2 và LMHT 5

Trong khi đó với DOTA 2, tuy bạn chỉ điều khiển duy nhất một hero trong game, nhưng kỹ năng cũng chẳng hề kém về độ khó. Bạn phải quan sát minimap để phát hiện nhân vật nào đã biến mất khỏi vị trí, từ đó có những tính toán cẩn thận để tránh lên bảng. Tương tự, với những skill cũng như đồ dạng activate trong game như Blink, gậy đẩy hay Mekansm, việc sử dụng hợp lý và đúng lúc là chìa khóa để chiến thắng một combat, thậm chí là cả game.”

Vì sao tôi bỏ game online để đến với DOTA 2 và LMHT 6

Chính vì lẽ đó, tuy rằng là một thể loại game khó tiếp cận, nhưng MOBA vẫn là lựa chọn của rất nhiều game thủ nước ta, đơn giản vì đây là nơi họ có thể khẳng định được kỹ năng cá nhân.

Không bị ràng buộc

Một vấn đề còn tồn tại với rất nhiều game online đủ thể loại hiện nay chính là vấn đề cày cuốc. Đúng là chỉ có cày cuốc đánh quái train level mới giúp cho nhân vật của game thủ có thêm sức mạnh nhờ vào chỉ số cũng như đồ đạc. Tuy nhiên vẫn đề nảy sinh lại ở chỗ, lặp đi lặp lại quá trình này quá lâu sẽ dẫn tới nhàm chán.

Vì sao tôi bỏ game online để đến với DOTA 2 và LMHT 7

Trong khi đó, “giờ mình đi làm cả ngày, tối về nhà cơm nước xong xuôi vào bật máy làm một hai trận LoL rồi đi ngủ, cảm giác vẫn sướng và thư giãn chẳng kém gì ngày xưa cắm đầu vào cày Võ Lâm, thậm chí là còn hơn vì ít thấy nhàm”, Minh Quang cho biết.

“Một điều mình thấy rất hay ở LoL với những tựa game khác cùng thể loại là chẳng cần phải đi làm nhiệm vụ hàng ngày để lên level kiếm vàng mua đồ đập ngọc. Thay vào đó, mỗi trận đấu đều là một phần tách biệt. Mình chẳng cần phải ngồi lỳ trước máy tính cày cuốc cả ngày trời. Khi nào rảnh lại bật lên đánh một trận rồi thôi, rất thoải mái.

Vì sao tôi bỏ game online để đến với DOTA 2 và LMHT 8

Thế nhưng, chính những trận đấu có vẻ chẳng liên quan tới nhau như vậy lại khiến người chơi đúc rút ra những kinh nghiệm riêng, từ đó dần dần nâng cao kỹ năng của bản thân lên một tầm mới. Ví như trước đây mình cứ ù ù cạc cạc, vào game đánh với CPU còn bị ‘ăn hành’ vì chẳng biết khi nào nên dùng skill gì hay nên di chuyển ra sao. Nhưng giờ cũng có những tiến bộ nhất định rồi. 

Đúng là không cần cày cuốc cả ngày mà dựa vào những gì của trận đấu trước mà bạn có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho những trận đấu kế tiếp.”