Có thể nói, chúng ta, những game thủ game online Việt Nam đã bỏ ra không ít công sức để bàn luận về vấn đề
nhà phát hành Việt cùng những tựa
game online đến từ Trung Quốc. Lật lại vấn đề một chút, trong những bài viết về làng game nước nhà, những bình luận với nội dung kêu gọi các NPH Việt bỏ tiền đầu tư những tựa game có chất lượng từ những thị trường như Hàn Quốc chẳng hạn, tránh để thị trường game Việt dần trở thành sân chơi riêng của những MMO Trung Quốc.
Thế nhưng liệu có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao nhà phát hành dường như phớt lờ những mong mỏi của chính cộng đồng game thủ, những khách hàng trực tiếp của họ? Nhiều game thủ cho rằng, NPH đứng ở vị trí muốn bắt game thủ Việt chơi gì thì cộng đồng phải ‘nghe’ theo. Kỳ thực không phải như vậy. Để mang được một tựa game online có xuất xứ từ Hàn Quốc về Việt Nam vốn đã không phải một nhiệm vụ dễ dàng. Việc duy trì tựa game thậm chí còn khó khăn hơn gấp bội.
Công bằng mà nói, lý do khiến cho những game online Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đứng tại thị trường Việt Nam đến từ cả các nhà phát hành lẫn cộng đồng game thủ.
Đầu tiên là về phần các nhà phát hành. Chọn được tựa game vừa ý mới chỉ là bước đầu tiên trong chặng đường vô cùng gian nan mà họ phải dấn thân, đơn giản chỉ để đem những game online hay, lối chơi có chiều sâu về phục vụ game thủ Việt.
Thông thường các nhà phát triển cũng như những bên nắm giữ bản quyền các tựa game online tại Hàn Quốc đều rất khắt khe trong việc trao bản quyền đứa con tinh thần của họ cho bất kỳ một nhà phát hành nào khác. Họ thường yêu cầu các nhà phát hành tại Việt Nam cũng như thế giới phải chứng minh được tiềm lực tài chính và khả năng quản lý tựa game.
Xét mặt bằng chung, chỉ có rất ít những nhà phát hành game Việt Nam, những NPH lớn mới có đủ khả năng đáp ứng và ‘chiều chuộng’ những yêu cầu và điều kiện của phía Hàn Quốc. Đó còn chưa kể cái giá “toát mồ hôi” phía Hàn Quốc đưa ra cho tựa game online nếu muốn đưa chúng sang một thị trường khác. Đây cũng là điều không phải nhà phát hành nào cũng có đủ khả năng đáp ứng.
Ấy là trước khi hai bên đặt bút ký vào hợp đồng. Thỏa thuận mua bản quyền thành công giữa hai bên không có nghĩa nhà phát hành Việt Nam sẽ có thể thảnh thơi mang game về giới thiệu, cho chạy thử và mở cửa. Lúc này, các nhà phát hành game phía Hàn Quốc sẽ cử đại diện của họ sang làm giám sát dự án tại nhà phát hành game online Việt Nam với mục đích hỗ trợ. Mọi thay đổi hay sự cố không đáng có của game đều sẽ được ghi nhận và tìm hướng giải quyết.
Chỉ sau khi đáp ứng được toàn bộ những yêu cầu cực kỳ khắt khe kể trên của các nhà phát hành game Hàn, các NPH nước ta mới có thể chính thức mở cửa game đến cộng đồng game thủ game online Việt Nam. Trong khi đó, việc mua bản quyền game đến từ Trung Quốc lại đòi hỏi những bước đi đơn giản và dễ thở hơn rất nhiều đối với những nhà phát hành Việt Nam.
Đó là về phần các nhà phát hành. Nhận xét chung của những game online Hàn Quốc, xứ sở coi game nói chung và game online nói riêng là một ngành công nghiệp quốc gia, đó là gameplay của các MMO Hàn đều có chiều sâu và yêu cầu nhiều thời gian nắm bắt hơn nhiều so với những webgame đang hoạt động tại Việt Nam hiện tại. Chính vì thế, nếu áp dụng vào thị trường Việt Nam, cụ thể hơn là đem chiều sâu gameplay Hàn áp đặt vào thói quen chơi game online của người Việt, thì chỗ đứng của chúng tương đối nhỏ, nếu không muốn nói là đã và đang bị game Trung Quốc chiếm dần chiếm mòn.
Game Tàu, nói đi cũng phải nói lại, sở hữu nhiều chi tiết gameplay cực kỳ đơn giản, dễ nắm bắt và dễ chơi. Bất kỳ ai cũng đều có thể tìm hiểu những game online dạng webgame đang hoạt động tại Việt Nam chỉ trong vài tiếng đồng hồ để nắm bắt hết những chức năng trong game, trước khi có thể thoải mái “bôn tẩu giang hồ”.
Thêm vào đó, nội dung game Hàn thường là những game mang sắc thái nghiêng về phương Tây hơn là khai thác chủ đề kiếm hiệp, tiên hiệp. Đương nhiên những game Hàn Quốc có nội dung kiếm hiệp cũng đã từng về Việt Nam, ví dụ như
Cửu Long Tranh Bá hay
Hiệp Khách Giang Hồ, tuy nhiên số lượng những game có nội dung tương tự tại thị trường Hàn Quốc là rất ít. Quay trở lại với thị trường Việt Nam, với
sở thích dành cho những game kiếm hiệp, tiên hiệp vẫn còn rất lớn, thì những cái tên như Granado Espada một thời phải dừng bước tại Việt Nam âu cũng là điều không quá khó hiểu.
Nói tóm lại, trên đây là những lý do chủ yếu khiến cho các nhà phát hành game Việt không mấy mặn mà với những game online Hàn Quốc, hoặc nếu có thì cũng là những tựa game casual hay thể thao.