Đóng cửa game - Đây là chuyện không thể tránh khỏi với bất kỳ thị trường trò chơi nào trên thế giới. Đơn giản vì MMO cũng như một món hàng, có lúc thịnh và có lúc suy, có lúc đông khách và có lúc ảm đạm không còn nguồn thu. Có điều với các fan hâm mộ thì chẳng dễ gì chấp nhận được chuyện này.
Còn nhớ đúng giờ này năm ngoái (15/06), thị trường game online Việt Nam phải
đóng cửa 6 game liền (trung bình mỗi tháng 1 game). Trong đó có không ít sản phẩm gây nhiều "đau đớn" như
Cửu Long Tranh Bá, Maple Story, Xích Bích... Thế nhưng năm nay mọi chuyện có vẻ đi theo chiều hướng tốt hơn.
Thông báo đóng cửa Band Master.
Cụ thể, suốt 6 tháng gần đây mới chỉ có
3 ứng viên phải nói lời chia tay là
Band Master, HotStep và
Truyền Thuyết Rồng. Lý do nào dẫn tới việc các NPH "giữ hàng" tốt hơn hẳn như vậy?
Năm ngoái đóng cửa quá nhiều
Nguyên nhân đầu tiên và có lẽ là cốt yếu nhất dẫn đến việc số lượng game online đóng cửa tại Việt Nam trở nên ít hơn thời gian qua là vì năm 2010 đã... ra đi quá nhiều. Tính tổng cộng có 20 MMO nói lời vĩnh biệt giới trẻ nước nhà trong giai đoạn khủng hoảng của dải đất hình chữ S.
Chính động thái trên khiến đa phần các sản phẩm ảm đạm hoặc vắng khách đã bị "quét" hết. Thậm chí ngay cả một số tựa game còn triển vọng nhưng nguy hiểm về mặt pháp lý cũng nhanh chóng tuyên bố ngừng vận hành (như Special Force hay Sudden Attack). Các NPH bắt đầu trở nên "rảnh tay" hơn, họ đủ nhân lực để duy trì dự án cũ chứ không đến nỗi bi đát mà đóng cửa.
Năm 2010 đã quét sạch những MMO ảm đạm.
Hãy nhìn vào danh sách 3 MMO vừa được khai tử, có thể thấy ngoài Band Master có chút "thoi thóp", cả HotStep và Truyền Thuyết Rồng đều đã bị lãng quên trong trí nhớ của gamer Việt. Việc chúng ra đi chỉ là vấn đề thủ tục chứ chẳng ảnh hưởng gì tới cộng đồng, cũng chẳng gamer nào lên tiếng kêu ca như trường hợp của Maple Story hay Zing Dance năm ngoái.
Không cần thiết phải ngừng vận hành
Như đã phân tích ở trên, lượng game đóng cửa nhiều khiến nhân lực tại các NPH trở nên thừa thãi. Điển hình là Asiasoft đã sa thải tới 50% nhân viên và hãng này cũng chỉ còn nắm trong tay vài đầu game mà thôi, hiện tại việc duy trì số sản phẩm còn lại là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay nên chẳng cần khai tử làm gì.
Lượng nhân viên đã đủ để duy trì các game còn lại.
Nên nhớ rằng không phải mọi MMO tại Việt Nam đều có một đội ngũ GM hay vận hành đầy đủ, thông thường họ bị thuyên chuyển thường xuyên tới các dự án mới khiến "hàng cũ" rơi vào quên lãng. Thậm chí có game chỉ còn đúng... 1, 2 người trực và đến khi nào nguồn thu tăng lên họ mới được tăng thêm số lượng để update phiên bản mới.
Càng nhập game về nhiều mà lượng nhân viên không tăng thì dĩ nhiên dẫn đến thiếu thốn, còn khi game đã đóng cửa gần hết thì mọi chuyện trở nên tươi sáng hơn nhiều. Đó là chưa kể tới việc với một số NPH, số tiền bỏ ra để duy trì vài ba dự án đã thoi thóp là điều không quá khó khăn (thực ra chúng cũng chỉ còn 1, 2 server mà thôi).
Ngay cả một game đã rệu rã như Chúa Tể Phục Sinh nhưng vẫn chưa cần đóng cửa.
Ngày nay, quá nhiều webgame cập bến Việt Nam cũng khiến số lượng đóng cửa giảm xuống. Điểm lại từ trước đến nay cũng chỉ có vài ba webgame nói lời chia tay, đơn giản vì duy trì chúng ít tốn kém chứ không khổ sở như MMO cài đặt client thông thường. Với một số webgame, chỉ cần... 1 người phụ trách kỹ thuật là ổn.
Danh dự
Vẫn biết tại thị trường game Việt thì bức xúc của game thủ gần như không "xi nhê" gì với NPH, tuy nhiên với mỗi doanh nghiệp, họ cũng không muốn mình mất đi niềm tin nơi khách hàng. Trường hợp điển hình như Asiasoft trước đây, do đóng cửa quá nhiều game nên cứ nhắc đến NPH này là gamer đã tỏ ra sợ sệt.
Với VLTK, dù ảm đạm có lẽ VNG cũng không khai tử.
Ngoài ra còn là vấn đề danh dự, phải đóng cửa trò chơi đồng nghĩa với việc "sức mạnh" của mình giảm xuống trong mắt các đối thủ, thậm chí còn ảnh hưởng cả tới hình ảnh đã tốn công gây dựng nhiều năm. Trường hợp này giống với Võ Lâm Truyền Kỳ, có thể nói VNG sẽ không bao giờ rút ống thở MMO này vì nó gắn liền với lịch sử công ty.
Nửa năm còn lại thì sao?
Năm ngoái, nếu như 6 tháng đầu chỉ tiễn đưa 6 đầu game thì 6 tháng cuối cùng gamer Việt phải chia tay tới... 14 ứng viên. Chính vì thế không có gì đảm bảo rằng thời gian còn lại của năm 2011 này mọi chuyện không diễn ra theo chiều hướng đó. Tuy nhiên với những phân tích bên trên, điều xấu nhất rất khó xảy ra.
6 tháng còn lại của năm 2011 khó có "biến" xảy ra.
Nên biết rằng với gần chục đầu game mới cập bến gần đây, dẫu có thứ thành công và có thứ ảm đạm, nhưng chắc chắn không NPH nào vội vàng đóng cửa chúng. Nói cách khác, tín đồ ảo nước nhà có thể yên tâm trải nghiệm mà không lo lắng mình mất cả chì lẫn chài.