Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một game Việt nào có thể coi là thành công trọn vẹn. Những game đạt được mục tiêu về doanh thu thì lại thất bại nếu đánh giá theo chất lượng (điển hình là những Social Game made in Việt Nam và "học tập" từ nước ngoài) còn những game thành công về mặt chất lượng (như 7554 chẳng hạn) lại có mức doanh thu thấp đến thảm hại (đặc biệt so với chi phí sản xuất game).
Đâu là nguyên nhân của những thất bại này, con đường nào khả dĩ cho game Việt (cả MMO lẫn off-line) thành công? Đâu là mấu chốt của sự thất bại bấy lâu nay của game Việt?
Tiềm lực
Nguyên nhân nhiều người biện minh cho sự thất bại của game Việt là sự thua kém về trình độ so với các đối thủ. Thật tế thì phần nào đó cũng đúng như vậy, chúng ta chưa có kinh nghiệm làm game, chưa có quy trình làm game chuyên nghiệp và cũng chưa có đội ngũ lập trình viên "sống chết" với game...
Tuy nhiên, đây không phải lý do chính. Doanh thu của riêng mảng game của Vinagame năm ngoái là 1700 tỷ đồng (khoảng 90 triệu USD) một con số không hề nhỏ. Dòng tiền, lợi nhuận của VNG từ game thừa sức cho ra đời một sản phẩm tầm trung bình khá (theo chuẩn của làng game thế giới), VTC cũng tương tự vậy. Emobile game đâu có nhiều tiền mà sản phẩm của họ (7554) lại rất tốt?
Mà thực tế, tiềm lực nhỏ đâu có nghĩa là không thể thành công? Hãy nhìn Rovio - nhà sản xuất Angry Bird. Thời ra mắt Angry Bird, họ đâu có nhiều tiền cũng như kinh nghiệm. Thực tế đã chứng minh, thành công trong ngành game, đặc biệt ngành game hiện đại, phục thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Động lực làm game
Cũng khó trách VNG hay VTC không cho ra mắt vài tựa game chất lượng cao. Đơn giản, bởi họ không nhìn thấy tiềm năng từ việc ra mắt một game như vậy. Xét cho cùng, VNG hay bất cứ công ty nào khác thì mục đích cuối cùng vẫn là kiếm tiền, họ đâu có phải là quỹ từ thiện để ra sức làm ra một sản phẩm tốt, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc và công sức để rồi cuối cùng không thu về, thậm chí, là đủ vốn ban đầu???
Hãy nhìn cái cách game thủ Việt chọn và chơi game? Những game nội dung hấp dẫn, đồ họa vô cùng đẹp, hệ thống nhiệm vụ và hoạt động trong game đa dạng và phong phú thì lại ngắc ngoải ngay từ khi mới về Việt Nam trong khi những game xầu mù, toàn auto, nội dung quanh đi quẩn lại đánh quái, lên cấp, đi phụ bản, đi chiến trường hay những game đơn giản chỉ cần copy nội dung, gameplay, thay đổi đồ họa chút xíu và dịch sang tiếng Việt thì lại thu về cả núi tiền cho NPH?
Rõ ràng, thị hiếu của game thủ Việt không cho phép các NPH đầu tư tiền bạc, công sức để làm một sản phẩm để đời. Bởi vì, dù có ra mắt thì nó cũng nhanh chóng thất bại. Nếu là bạn, bạn có bỏ tiền cho một dự án dài hơi, tốn công sức và tính rủi ro cực cao như vậy hay không?
Không sáng tạo
Nói đi thì cũng phải nói lại, lỗi của game thủ không nhỏ nhưng không vì thế mà NPH có thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Sự thật là các studio game Việt đang quá thiếu đi những cái đầu có khả năng sáng tạo, thiếu những ý tưởng tốt có thể thay đổi cả thị trường.
Một lần nữa hay nhìn lại thành công của Angry Bird, Farm Ville hay Plants vs. Zombies. Chúng đâu có yêu cầu kỹ thuật hay công nghệ gì cao siêu cho lắm, bằng chứng là cả Trung Quốc lẫn chúng ta đều có thể copy dễ dàng và cho ra phải đến cả trăm phiên bản na ná bản gốc? Sự thành công của những siêu phẩm kể trên đơn giản đến từ ý tưởng, sự sáng tạo và yếu tố đơn giản chính trong bản thân những trò chơi này.
Trong một thị trường khi mà các yếu tố kỹ thuật đã đi đến giới hạn, nhất là ở Việt Nam, game thủ cũng không quá quan trọng yếu tố này, thì sự sáng tạo, đột phá và tư duy mới là yếu tố dẫn đến thành công. Đây cũng là thứ duy nhất là chúng ta có thể cạnh tranh với những hãng game khác trên thế giới nhưng đáng tiếc là dường như chúng ta quên mất điều này: các game vẫn đi theo những lối mòn đã quá quen thuộc trong thế giới game trong khi những ý tưởng hay chưa được quan tâm đúng mức.
Kết
Một thị trường game của người Việt hay xa hơn, một thị trường gamer quốc tế sản phẩm Việt Nam đang là mơ ước của tất cả chúng ta. Những rõ ràng giấc mơ không thể trở thành hiện thực nếu như tình trạng này cứ tiếp tục. Sáng tạo, chuyên nghiệp là những keyword mà bất cứ ai cũng phải nhớ nếu muốn dẫn tới thành công.