Vì sao gamer Việt "ngu ngốc"?

PV  | 17/02/2012 0:00 AM

Có một thực trạng đã tồn tại lâu trong cộng đồng game online Việt là nhiều game thủ tuy luôn mồm chê bai nhưng vẫn... chơi nhiệt tình. Lý do nào dẫn đến hành động kỳ quặc này?

Nói tới thị trường game online Việt Nam, người ta thường vỗ ngực tự hào rằng dù mới chỉ xuất hiện gần chục năm nay nhưng nó đã phát triển vượt bậc so với các quốc gia láng giềng trong khu vực. Tuy nhiên có một sự thật không thể chối bỏ là làng MMO nước nhà đang đi theo chiều... ngược, chất lượng game, chất lượng phục vụ và ý thức game thủ sút kém hơn hẳn so với xưa kia.
 
Rất nhiều người chơi tỏ ra bức xúc với cung cách điều hành và chất lượng của MMO mua về nước, thế nhưng rốt cuộc họ vẫn phải chọn phương án sống chung với lũ. Chính sự mù quáng này đã phần nào dẫn đến xu hướng sút kém của toàn thị trường.
 
Nạn độc quyền
 
Không thể phủ nhận một điều là thị trường game online Việt Nam đang có không ít MMO tồn tại dưới hình thức "độc quyền", tức là nó không phải cạnh tranh với bất cứ đối thủ nào cùng thể loại. Có thể đơn cử như Đột Kích hoặc Fifa Online..., chính vì thế mà game thủ nội địa gần như không còn sự lựa chọn nào ngoài chơi chúng.
 

Tính "độc quyền" đang tồn tại khá nhiều trên thị trường GO Việt.
 
Nói đơn cử như Đột Kích, một điều chẳng thể phủ nhận cho sự hút khách của nó là do gameplay phù hợp với game thủ Việt, cộng với khả năng tổ chức event bài bản của VTC Game. Thế nhưng hãng vẫn có thể "bình chân" trước nạn hack kinh khủng là vì yên tâm rằng khách hàng có chê thế chứ chê nữa cũng chẳng có chỗ nào khác để chơi.
 
Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng sự độc quyền luôn là liều thuốc độc với bất cứ thị trường nào, vì có cạnh tranh chúng ta mới phát triển bền vững và lâu dài.
 
Yếu ngoại ngữ
 
Như đã nói ở trên, một nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc game thủ nước nhà ít khi kéo nhau ra server nước ngoài chơi để thoát khỏi nạn "độc quyền" là vì trình độ ngoại ngữ kém và quá khó để cải thiện vấn đề này. Đơn cử như tại các server Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan, rào cản ngôn ngữ là không thể vượt qua.
 

Yếu ngoại ngữ, gamer Việt không có sự lựa chọn nào khác ngoài game nội.
 
Ngay cả với các phiên bản tiếng Anh, thậm chí nhiều người dù có vốn ngoại ngữ kha khá và có thể nắm bắt được hết tính năng cơ bản trong game nhưng họ lại ngại dành hàng tiếng đồng hồ chỉ để mày mò dịch các bài hướng dẫn hoặc mẹo vặt dài dằng dặc được post trên diễn đàn. Và thế là "thôi thì ta lại quay lại trò cũ, chất lượng thấp nhưng thỏa thê bàn luận với người xung quanh".
 
Đó là chưa kể tới việc đường truyền mạng ra nước ngoài còn yếu dẫn tới hiện tượng lag, giật hình hoặc các game online nổi tiếng hầu hết đều thu phí nên lại càng khó khăn cho việc gắn bó hơn.
 
"For-fun" hơn "hard-core"
 
Rõ ràng trong 10 người ngày ngày phiêu lưu trong thế giới trực tuyến thì có tới hơn 5 người chỉ coi đây là món ăn tinh thần giải trí bình thường chứ không đến nỗi "sống chết" như những gamer "hard-core". Mục đích của họ đơn giản là vậy nên dù NPH có phục vụ không tốt đi nữa thì chỉ cần game còn vận hành, họ vẫn chơi như thường.
 

Tâm lý "for fun" dễ khiến người ta bằng lòng với ức chế.
 
Hiện trạng trên dẫn tới việc, gamer bình thường chẳng muốn bỏ game mà cả gamer kỳ cựu thì do tiếc bạn bè, trang bị mà cũng không dám quyết tâm chia tay trò chơi yêu thích. Và thế là sau cùng mọi việc lại "hòa cả làng".
 
Thậm chí mới đây một quản trị viên trên diễn đàn của NPH lớn còn phát biểu rằng: "Kêu ca để làm gì, thay vào đó cứ chơi và dành thời gian đó để tán gẫu với bạn bè". Quan điểm này hết sức nguy hiểm vì nó mang tính cam chịu, bật đèn xanh cho các NPH muốn làm gì thì làm, nhưng nó lại đại diện cho phần lớn game thủ nội địa ngày nay.
 
Tài sản ảo bị chối bỏ
 
Chắc hẳn, game thủ nước nhà không còn lạ gì trước nhiều trường hợp tài khoản VIP trong các trò chơi nổi tiếng lên tiếng tố cáo NPH đối xử tệ bạc với mình. Những sự việc này thường gây được sự chú ý rất lớn từ phía người xem vì đối tượng khiếu nại "có máu mặt" trong cộng đồng và nhiều người biết tới.
 

Tiền ảo không được công nhận khiến gamer không dám bỏ game.
 
Tuy vậy, trên thực tế 10 trường hợp như trên thì có tới 7, 8 trường hợp chỉ mạnh miệng nói sẽ bỏ game rồi lại "đâu đóng đấy". Ngoài lý do sợ mất chiến hữu bên trên, họ cũng rất tiếc tiền đầu tư và công sức cày kéo nhiều năm trời.
 
Điều này một phần cũng vì tài sản ảo trong MMO chưa được công nhận, dù có bị oan ức hoặc mất tiền thì game thủ cũng chẳng biết phải làm gì. Từ đó dẫn đến tâm lý cam chịu, bất lực và sẵn sàng bằng lòng với chất lượng phục vụ kém.
 
Tâm lý "a dua"
 
Nghe qua khá lạ lùng, nhưng tâm lý "a dua" cũng là nguyên nhân dẫn tới việc các topic chê bai game online hoặc bức xúc với NPH kéo dài tới hàng chục trang. Cụ thể, nhiều game thủ thấy người khác đang bức xúc kể tội NPH thì cũng post một bài hưởng ứng "cho vui" kiểu: "Anh em thống nhất bỏ game đi".
 

Tâm lý a dua vẫn còn rất nhiều.
 
Chính vì thế, một vấn đề bức xúc mới có thể dẫn đến cả một scandal lớn trên diễn đàn, lan truyền trên nhiều forum, website và kéo theo hàng nghìn lượt comment, nhưng chỉ sau 1, 2 tuần tất cả lại dịu đi và biến mất rất nhanh. Game thủ chẳng ai bảo ai lại vào game cày kéo tiếp.
Xem thêm:

game online