Không cần đến những cuộc điều tra của các công ty nghiên cứu thị trường thì chúng ta cũng có thể dự đoán được những cụm từ đang được ca thán nhiều nhất ở khắp các diễn đàn và trang tin game hiện nay sẽ là:” Quá nhiều web game – game na ná nhau, chất lượng quá thấp”.
Làm một phép so sánh đơn giản trên Gamek giữa một bên là tin về các sản phẩm sắp ra mắt trên thế giới và một bên là tin về các sản phẩm sắp sửa phát hành ở VIệt Nam. Chúng ta có thể thấy sự chênh lệch quá lớn – hay từ “quá” chưa đủ mạnh để diễn tả! Đồ họa - nội dung - game play, hay bất cứ yếu tố nào khác đều khiến game thủ Việt Nam lắc đầu tiếc nuối vì dù có là người lạc quan đến đâu cũng không thể kỳ vọng việc những boom tấn đó có thể cập bến Việt Nam hoặc sẽ về nhưng khi đó chắc là thời của con cháu chúng ta rồi.
Vì sao những sản phẩm game chất lượng lại xa vời với người chơi ở VIệt Nam đến vậy?
Câu trả lời quá đơn giản, là do nhà phát hành Việt Nam không chịu mua những quả BOOM đó về! Điều này khiến không ít game thủ bức xúc và khó hiểu. Khách hàng đã thể hiện rõ nhu cầu được chơi những tựa game chất lượng không chỉ qua những lời bình luận mà thực tế là lượng người Việt Nam tìm và chơi game nước ngoài ngày càng tăng, bất chấp khó khăn về ngôn ngữ, đường truyền, thanh toán và khi thoảng là chặn IP Việt Nam vì một số lý do. Trong khi đó các nhà phát hành vẫn quay lưng với dư luận, tiếp tục đầu tư vào web game và một vài game cài đặt xuất xứ Trung Quốc không có gì nổi trội.
“Có cầu nhưng không có cung” liệu đây có phải là thực tế của thị trường game Việt Nam hiện nay? Chúng ta không thể vội vàng kết luận được, hãy đặt một dấu chấm hỏi vào vấn đề “có cầu”? Nhu cầu của người chơi ở Việt Nam thực chất là gì thì cần phải để cho các công ty nghiên cứu thị trường trả lời, tuy nhiên dựa vào thực tế các game online phát hành trong thời gian qua có thể rút ra một số đặc điểm:
Cả thèm chóng chán
Những game phát hành thời gian, bất kể web game hay client đều rơi vào hoàn cảnh đông nghịt người ngày đầu và nhanh chóng vắng người sau đó. Thậm chí có những MMO client được đánh giá cao như Thẩm Ma Đại Lục, Thành Cát Tư Hãn 2, Đấu Trường Lửa xuống dốc nhanh không kém webgame.
Nói một đằng làm một nẻo
Trong khi liên tục “kêu gào” vấn đề webgame và chất lượng game thì lượng người chơi web game vẫn không hề nhỏ. Các sản phẩm game kém chất lượng, hack, bug vẫn có nhiều người nhắm mắt chơi, trong chuyện này thì minh chứng lớn nhất không thể không nhắc tới là Đột Kích
Ít đầu tư, không gắn bó
Người chơi không chịu đầu tư tiền vào game thay vào đó là nặng về tâm lý cày kéo và khi thấy có người đổ tiền để lên trang bị mạnh thì lại ca thán game hút máu, vì nhà giàu... Tất yếu là những người chơi này cũng không mấy mặn mà với game. Khi họ bị tụt lại phía sau thì nhanh chóng chán nản và nghỉ game hoặc yêu cầu mở thêm máy chủ mới.
Thị trường có cung thì sẽ có cầu, đó là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, thật quá trẻ con khi nghĩ nhu cầu là mong muốn của người chơi, nhu cầu phải gồm mong muốn và sẵn sàng chi trả cho mong muốn đó, tức là game khủng thì sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Một suy nghĩ cũng nên dẹp bỏ là phê phán “nhà phát hành Việt Nam chỉ biết đến tiền”, NPH cũng là người kinh doanh mà kinh doanh thì luôn hướng tới lợi nhuận. Cách thức họ làm dài hạn hay vội vàng thu hồi vốn thì đều do NPH đó nhận định đâu là cách thức hiệu quả nhất để tối đa hóa lợi nhuận. Nhìn lại lịch sử, một số game hay được đưa về như Alantica, Cabal, Shaiya đã không đạt được thành công, thậm chí là thất bại ở Việt Nam. Đây là điều đáng suy ngẫm với nhà phát hành và với chính người chơi.
Nếu nhà phát hành quyết định mua một game boom tấn thì nó có thể gây sốt trong cộng đồng người chơi nhưng mặt kia của vấn đề nó cũng sẽ là quả boom thật sự với nhà phát hành với rủi ro rất lớn từ khoản đầu tư khủng cho nó. Và với cá nhân người viết không dám chủ quan đưa ra giải pháp làm sao để đông đảo người chơi Việt Nam có thể tiếp cận những sản phẩm game boom tấn, chỉ có thể nhận định một điều rằng khi nào các nhà phát hành nhận thấy game thủ Việt Nam có nhu cầu thực sự về chơi game chất lượng cao và nhu cầu này đủ lớn để sinh lợi thì tất yếu nhu cầu đó sẽ được đáp ứng.