Vì sao bè lũ hacker game cứ trơ trơ dù bị chửi rủa?

PV  | 12/06/2012 0:00 AM

Đó là câu hỏi của khá nhiều game thủ trong nước khi càng ngày tình trạng hack càng tràn lan. Hãy cùng phân tích vì sao những kẻ gian lận lại không thấy xấu hổ khi bị sỉ vả.

Nạn hack game đã tồn tại ngay từ những ngày đầu game online có mặt tại Việt Nam với hình thức sơ khai nhất là hackspeed. Sau này, các hình thức khác xuất hiện ngày càng nhiều, trải dài từ hack EXP, hack tiền, dupe đồ trong MMORPG cho tới hack xuyên tường, hack ghost trong MMOFPS, thậm chí các game casual như Audition cũng không tránh khỏi nạn hack nhiệm vụ (truyền thuyết).
 

Hack đã tồn tại song hành cùng GO Việt từ khi ra đời.
 
Không thể đếm xuể được số lượng những topic chê bai, những lời phàn nàn và thậm chí sỉ vả của gamer chân chính hướng tới bè lũ gian lận. Tuy nhiên mặt chúng vẫn rất dày, phải chăng tạo hóa đã làm nên chuyện này? Không hẳn như thế!
 
Rõ ràng, "nhân chi sơ, tính bản thiện", không thể có ai sinh ra đã có sẵn bản tính gian lận (cả ngoài đời thực lẫn game), cũng chẳng ai muốn bị xướng tên lên giữa cộng đồng vì tội này. Chỉ có điều, những tính chất cơ bản của thế giới ảo đã tạo nên hacker.
 
Hacker thường không mấy khi lên forum
 
Đây là một trong những nguyên nhân được nhiều game thủ đồng tình nhất khi lý giải khả năng chịu "chửi" của hacker game online. Có tới 90% các bài viết phê phán tệ nạn này nằm trên diễn đàn, 5% còn lại là trên các phương tiện truyền thông và chỉ 5% là thảo luận ngoài đời. Trong khi đó hầu hết những kẻ gian lận đều ít khi lui tới khu vực này.
 

Chỉ cắm đầu chơi mà không lên forum thì sao biết bị sỉ vả?
 
Điều ấy cũng hoàn toàn dễ hiểu, vì đa phần hacker đều không tâm huyết với trò chơi mình đang gắn bó, không tôn trọng cộng đồng ảo nên chúng ít có khả năng sinh hoạt trên forum. Dĩ nhiên, cũng có những kẻ thời gian đầu khi chưa gian lận thì lên nhiều nhưng sau này biết rằng bị sỉ vả nên cố tình tránh mặt.
 
Đối với loại hacker này, khó có cách nào để hạn chế chúng ngoại trừ cố gắng nâng cấp tường lửa hoặc truy quét in-game của NPH.
 
"Ai biết ta hack?"
 
Việc nickname trong game và nickname trên diễn đàn thường khác nhau dẫn đến việc ngay cả khi hacker bị nhận diện trong quá trình chơi thì trên diễn đàn chúng vẫn có thể ung dung tự tại, thậm chí nhiều khả năng còn được nhiều người nể phục. Dĩ nhiên, sử dụng "clone" để hack còn account chính vẫn hoạt động bình thường cũng là mưu mẹo hay được sử dụng.
 
Trong thế giới ảo, khó ai biết danh tính thật của ai.
 
Chính tính chất cơ bản của thế giới ảo là không ai biết danh tính thật của ai nên dẫn tới việc kẻ gian lận không cảm thấy xấu hổ, chúng nhiều khi có thể vào hùa tại các topic bài trừ hack để gây thiện cảm với người khác.
 
Theo một số nghiên cứu thì khi được che đậy dưới một vỏ bọc vững chắc, con người ta thường rất táo bạo, một người nhát cáy cũng có thể trở nên cực kỳ tự tin. Trong trường hợp này không phải là "mặt thật" mà "mặt nạ" quá dày.
 
Có bị chửi thì cũng... bị chung
 
Số lượng hacker quá lớn dẫn đến việc tín đồ ảo chủ yếu chỉ có thể chê bai chung chung chứ không thể chỉ đích danh một thành phần nào. Chủ yếu họ thường bỏ công sức viết những bài rất dài với hi vọng làm sáng mắt kẻ gian lận, thế nhưng tất cả chỉ như nước đổ đầu vịt.
 

Những lời phê phán chung chung không thể có tác dụng mạnh.
 
Rõ ràng, khi không phải chỉ có bản thân một người hoặc một nhóm gamer mà lên tới hàng nghìn người chỉ chuyên hack game thì sẽ chẳng có cá nhân nào cảm thấy xấu hổ khi cộng đồng của chúng bị lên án. Suy nghĩ theo kiểu: "Chắc nó trừ mình ra", hoặc "bị chửi thì cũng bị chung, có phải mình mình đâu" chắc chắn đã tồn tại trong không ít cái đầu đen tối.
 
Theo một vài game thủ đã từng dính vào hack thì hành vi này lâu dần trở thành nghiện như ma túy vậy, không hack thì không chịu được vì khả năng chơi game thực sự đã thui chột quá nhiều. Nếu muốn cảm hóa thì phải có người kè kè bên cạnh, chừng đó đủ để hiểu rằng hàng tỷ bài viết phê phán chung chung thì cũng vậy thôi.
 
Phần thưởng quá hấp dẫn
 
Lợi thế hoặc phần thưởng quá hấp dẫn từ phía NPH cũng là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều kẻ dù đã bị phát hiện, bị vạch mặt chỉ tên nhưng vẫn cố tình gian lận. Cứ thử nghĩ rằng chịu khó ăn chửi vài câu nhưng tuồn đồ ra chợ đen kiếm cả trăm nghìn cho tới cả triệu VNĐ thì không ít kẻ sẵn sàng làm vậy.
 

Quà tặng quá lớn nhiều khi cũng làm người ta bất chấp uy tín ảo.
 
Nói một cách dễ hiểu thì sự "được - mất" giữa một bên là uy tín và một bên là lợi nhuận quá chênh lệch, uy tín trong thế giới ảo khó có thể ảnh hưởng tới cuộc sống bằng đồng tiền ngoài đời thực được. Thông thường những kẻ bất chấp dư luận như vậy tuy cũng có lúc dằn vặt nhưng nó qua đi rất nhanh vì được thú vui tiêu xài che lấp.
 
Để hạn chế điều này, chính các NPH cần tính toán thật kỹ lưỡng để event hoặc sự kiện không ảnh hưởng quá lớn tới cân bằng in-game, chuẩn bị sẵn các phương án đề phòng hacker.
 
Trẻ người non dạ
 
Nguyên nhân này cũng khá phổ biến, đó là do độ tuổi của gamer quá trẻ (dưới 15, thậm chí 12, 13 tuổi đã chơi game online), vì thế họ chưa đủ lớn để nhận thức được tầm quan trọng của uy tín trong thế giới ảo. Thông thường chỉ khi đã gắn bó lâu dài với game thì người ta mới thấy nickname của mình có ý nghĩa đến thế nào.
 

Khó có thể đòi hỏi được nhiều ở những gamer như thế này.
 
Với sự phát triển thần tốc của CNTT, càng ngày thú vui online càng trở nên dễ dàng hơn chứ không khó khăn như cách đây 5, 6 năm. Lớp trẻ hiện tại nhiều khi chỉ mới học cấp 1 nhưng đã được tiếp xúc với trò chơi trực tuyến, chúng dễ bị dụ khị bởi thú vui gian lận cũng là điều dễ hiểu.
 
Trên đây chỉ là những nguyên nhân chính dẫn tới sự "dày mặt" của hacker game online. Với chừng đó lý do, chúng ta cũng đủ nhìn thấy cuộc chiến chống tệ nạn này sẽ còn vất vả và khó khăn đến chừng nào.
Xem thêm:

tổng hợp