Vì đâu nhà phát hành game Việt chẳng mặn mà với game online bom tấn?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 01/11/2015 0:00 AM

Thay cho những game online thời thượng đẹp mắt, nhưng webgame 3D hay game mobile mới ra mắt lại đang trở thành xu hướng của nhiều game thủ

Phàm đã là một game thủ Việt, khi những NPH thông báo về việc một tựa game online đình đám, có hình ảnh đẹp, lối chơi hay, lôi cuốn hay đang được cộng đồng game thủ toàn cầu quan tâm, thì mặc định họ sẽ dành tặng cho tựa game này cũng như NPH những sự quan tâm đặc biệt và tán dương hết lời, trái ngược hoàn toàn với việc thờ ơ trước rất nhiều những webgame 2D đã ra mắt làng game Việt từ trước tới nay.

Tuy nhiên trong quá khứ, không ít sản phẩm tên tuổi, tạo dựng được thành công lớn tại thị trường nước ngoài lại phải chịu cảnh đìu hiu chỉ sau một thời gian ra mắt tại làng game Việt.

Bản thân một số sản phẩm từng rất hot trước khi ra mắt trong thời gian qua thế nhưng sau vài tháng ra mắt, sức nóng cũng như sức hút của game đều giảm dần. Cùng với đó, tiếc thay, cũng là số lượng người chơi gắn bó với game cũng chẳng còn được như những ngày đầu game ra mắt. Thay vào đó, nhưng webgame 3D hay game mobile mới ra mắt lại đang trở thành xu hướng của nhiều game thủ. Vậy những lý do nào khiến cho nhiều tựa game đình đám lại “thất thế” tại làng game Việt như vậy?

Cả thèm chóng chán

Giờ đây chúng ta không thiếu những game thủ có lối chơi game kiểu thích những thứ gì đó mới nhưng lại không gắn bó lâu dài với những game online, mà chỉ sau một thời gian, họ bỏ game để đến với những sản phẩm mới hơn, hấp dẫn hơn vì được các nhà phát hành dồn công sức để quảng bá.

Từ đó, họ bỏ rơi những game online đã mở cửa được vài tháng đơn giản vì khi đó một vài hãng game đã không còn làm chiến dịch truyền thông cho game mạnh như lúc sản phẩm sắp ra mắt.

Sau vài năm thị trường game trong nước tràn ngập những webgame 2D, thì thị hiếu, thói quen của cộng đồng game thủ Việt cũng trở nên khác biệt. Thật may mắn là, thời gian gần đây, số lượng những game thủ sống trong thế giới game theo kiểu “chấp nhận số phận” đã chẳng còn. Họ cần một thứ gì đó mới, xứng đáng bỏ thời gian và công sức để thưởng thức, thay vì những sản phẩm đã quá đỗi tầm thường.

Chính vì thế ở thời điểm hiện tại, thứ níu chân game thủ với một MMO chính là cách nhà phát hành chăm sóc đứa con tinh thần của mình, chăm sóc cộng đồng game thủ, và đặc biệt hơn là cộng đồng trong game.

Không gắn bó với game

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trang này. Một là, game thủ đã quá hấp dẫn với các mẫu quảng cáo của NPH, nên sau khi chơi thử đã không vừa lòng về sản phẩm mà mình đã được quảng cáo. Hai là, từ góc độ chất lượng sản phẩm, đã không đủ sức hấp dẫn với người dùng sau những lần chơi đầu tiên. Ba là, chất lượng dịch vụ ở khâu chăm sóc khách hàng đã không làm hài lòng và giữ chân game thủ.

Game thủ không muốn mình là nạn nhân của những “chiêu trò”. Thực tế có rất nhiều game thủ đã bày tỏ thái độ bực mình vì cảm thấy không được tôn trọng khi “bị lừa” bởi những mẫu quảng cáo game. Các NPH cố gắng tạo ra những cái mới trong mẫu quảng cáo của mình. Và tất nhiên, khi biết rằng tựa game mình vừa thử chỉ là bình mới rượu cũ, nội dung game không thực sự hấp dẫn thì game thủ dễ dàng từ bỏ sớm là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên cá biệt vẫn có những người chơi game vẫn quyết dứt áo ra đi ngay cả khi nhiều sản phẩm bom tấn ra mắt được một thời gian. Nguyên do được đưa ra ngay dưới đây.

Lối chơi quá phức tạp

Một thói quen kì lạ khác của dân cày Việt là thích lựa chọn những tựa game online dễ cày kéo, hay nói đúng hơn là chỉ thích "ngồi mát ăn bát vàng". Dễ thấy, những tựa game nhập vai phát hành ở nước ta mà không có auto tự đánh, không có tính năng tự tìm được hay chỉ đơn giản là đưa ra các nhiệm vụ hơi khó nhằn một chút thôi là rất dễ bị... đóng cửa.

Không chỉ đòi hỏi gameplay dễ chịu, game thủ Việt còn thường xuyên kêu ca về sức mạnh của các loại Boss trong game. Chỉ cần Boss hơi mạnh hay được gia tăng sức mạnh thêm một chút là ngay lập tức, hàng loạt game thủ sẽ bày tỏ thái độ phản đối, cho rằng NPH cố ý "hút máu" và không quan tâm đến quyền lợi khách hàng.

Tạm kết

Nếu nhà phát hành quyết định mua một game bom tấn thì nó có thể gây sốt trong cộng đồng người chơi nhưng mặt kia của vấn đề nó cũng sẽ là quả bom thật sự với nhà phát hành với rủi ro rất lớn từ khoản đầu tư khủng cho nó.

Đó cũng chính là lý do trong thời gian tới đây, tuy rằng làng game Việt sẽ chờ đón một dàn “sao khủng” đổ bộ thị trường, thế nhưng không ít người vẫn đang hoài nghi vào sự thành công của chúng, điều đã từng được chứng minh tại không ít thị trường lớn trên thế giới như Bắc Mỹ hay Hàn Quốc.