Như đã đề cập
trong phần 1 của loạt bài này, với việc lợi dụng cổng thanh toán và phát hành game trong nước, một số NPH game Trung Quốc đang ung dung trục lợi từ game thủ nội địa. Đây là cách làm cực kỳ khôn khéo và gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng của toàn ngành game Việt Nam.
Tuy nhiên trên thực tế, việc sử dụng các cổng thanh toán và phát hành game mới chỉ là một phần trong các bước quan trọng để hãng game Trung Quốc dần xâm chiếm toàn bộ làng game Việt. Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về cách thức cũng như mánh lới mà họ đã, đang và sẽ sử dụng trong thời gian tới.
Vì sao NPH game Trung Quốc muốn trực tiếp nhảy vào Việt Nam?
Để trả lời cho câu hỏi này thì nguyên nhân dễ thấy nhất chính là lợi nhuận khổng lồ và hơn hẳn so với bất kỳ cách thức hợp tác nào khác trong quá khứ. Theo tính toán sơ bộ, khi hãng game Trung Quốc trực tiếp kiếm lợi nhuận từ Việt Nam thì khoản doanh thu này có thể cao gấp từ 4 đến 5 lần so với trước.
Với cách hợp tác cũ, hãng game TQ chỉ lấy được 20~25% doanh thu.
Trước đây, thông thường khi một NPH Việt Nam ký giấy mua game từ Trung Quốc sẽ luôn có điều khoản ăn chia lợi nhuận. Tỷ lệ được đưa ra dao động từ mức 80 - 20 (80% doanh thu của NPH Việt, 20% doanh thu về NPH Trung Quốc) cho đến 75 - 25 (75% doanh thu của NPH Việt, 25% doanh thu về NPH Trung Quốc). Khoản tiền 20 ~ 25% trên được giải thích là để trả cho sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ phía đơn vị phát triển game gốc, âu đó cũng là chuyện hoàn toàn bình thường.
Dĩ nhiên, thời gian gần đây thì cũng có một số trường hợp cá biệt khi tỷ lệ ăn chia là 70 - 30, tức là số tiền mà các hãng game Trung Quốc nhận được đã phần nào cao hơn. Nhưng rõ ràng họ không bằng lòng với khoản lợi nhuận mà mình được ăn chia và tìm mọi cách để cân bằng cho tới dành phần cao hơn. Để giải quyết bài toán ấy, NPH Trung Quốc buộc phải tự tay xâm nhập thị trường Việt Nam.
Thăm dò thị trường
Mặc dù thị trường game Trung Quốc là cực kỳ khắc nghiệt và các hãng game tại quốc gia này giữ nhiều kinh nghiệm để tranh giành thị phần, thế nhưng khi muốn khai thác một thị trường mới và tương đối xa lạ như Việt Nam thì họ cũng không thể làm liều. Nguồn tin riêng cho biết từ khoảng gần 1 năm qua thì các NPH Trung Quốc bắt đầu thực hiện kế hoạch thăm dò thị trường nước nhà bằng cách tung ra 1, 2 sản phẩm thử nghiệm (đơn cử như Mộng Tây Du, Phong Vân Tam Quốc 2... của Koramgame).
Các sản phẩm thử nghiệm trên được ưu tiên phối hợp phát hành với một số cổng game tại Việt Nam (như Myw.vn), đơn giản vì với các cổng game này thì hệ thống thanh toán đã hoàn thiện và về danh chính ngôn thuận thì các hãng game Trung Quốc gần như không bị lộ mặt. Bên cạnh đó, tỷ lệ ăn chia cũng khá hơn so với cách làm chính thống bên trên.
Con số ăn chia với các cổng game thường có thể là 50 - 50.
Cụ thể, tỷ lệ ăn chia khi phối hợp với các cổng game lớn có thể lên đến con số 50 - 50 (tức là 50% doanh thu sẽ được trả về Trung Quốc). Đây là con số mơ ước đối với bất kỳ hãng game ngoại nào, nhưng thực tế thì lợi nhuận lớn mới chỉ là phụ, cái chính là phương thức hoạt động của các NPH Việt Nam cũng như thị hiếu của game thủ Việt bắt đầu được khai thác dần dần.
Sau gần 1 năm tích lũy kinh nghiệm và cũng tạo dựng mối quan hệ với nhiều nhân sự có kinh nghiệm truyền thông trong nước, các hãng game Trung Quốc mới bắt đầu dùng hệ thống marketing chuyên nghiệp của mình để chiếm lĩnh thị trường. Lúc này, họ bắt đầu một chiến lược khác với khả năng kiếm lại lợi nhuận khổng lồ.
Chiếm lấy 70% doanh thu
Theo trao đổi với một vài đại diện các NPH tầm nhỏ cho đến trung tại Việt Nam, có người đã nhận được lời "chào mời" từ phía NPH Trung Quốc. Nội dung của lời chào mời này là hãng game Việt Nam sẽ đứng tên đơn vị phát hành sản phẩm chính thức, đồng thời kiêm luôn khâu dịch vụ thanh toán, còn lại tất tần tật các khâu khác như vận hành máy chủ, cập nhật phiên bản mới, truyền thông ra bên ngoài... sẽ do phía Trung Quốc đảm nhiệm.
NPH Trung Quốc có thể lấy đến 70% doanh thu với cách thâu tóm một hãng game Việt làm bình phong.
Đi đôi với lời chào mời khá béo bở trên là tỷ lệ ăn chia đảo ngược hoàn toàn so với cách làm chính thống. Cụ thể, tỷ lệ ăn chia doanh thu lúc này sẽ là 30 - 70 (tức là 30% thuộc về NPH Việt, 70% trả về NPH Trung Quốc). Như vậy với chiến lược này thì từ chỗ họ chỉ dành được 20~ 25% phần tiền trong quá khứ, nay đã tăng lên đến 70%.
Chưa dừng lại ở đó, mặc dù trên danh nghĩa thì 30% doanh thu thuộc về hãng game Việt Nam đứng ra làm "bình phong" nhưng chính con số này họ cũng phải ăn chia với một số dịch vụ khác chứ không được nắm toàn bộ tiền. Vậy là trong khi game thủ đang ngày ngày đổ tiền vào game, họ không hề biết rằng số tiền này sẽ chảy chủ yếu vào túi các hãng game Trung Quốc chứ không hề làm giàu chút nào cho doanh nghiệp nội địa.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà gần đây chúng ta thấy làng game Việt xuất hiện thêm một loạt các NPH mới hoàn toàn non trẻ. Họ đa phần từng là việc trong hãng game lớn nhưng dần tách ra khi thấy khả năm kiếm lời quá dễ dàng (chỉ phải đứng ra làm bình phong, trong khi mọi khâu còn lại do NPH Trung Quốc lo mà vẫn kiếm được một phần lợi nhuận).
Game thủ Việt khó biết được số tiền mình đổ vào game phần lớn vào tay nước ngoài.
Thống kê sơ bộ tại một NPH mới tại Việt Nam từng nắm trong tay 4, 5 sản phẩm (chủ yếu là webgame) thì doanh thu một tháng kiếm về có thể lên đến 6, 7 tỷ VNĐ. Như vậy nếu với cách ăn chia mới, hãng game Trung Quốc sẽ thu về đến gần 5 tỷ VNĐ, số tiền này hoàn toàn là "mồ hôi nước mắt" của game thủ nội địa.
Thực tế thì mặc dù đã bắt đầu với chiến lược tự kinh doanh để chiếm 70% doanh thu, nhưng các hãng game Trung Quốc lúc này vẫn duy trì việc phối hợp với cổng game như ở trên đề cập. Nếu trong tương lai mọi việc diễn ra thuận lợi thì không biết họ sẽ còn triển khai những kế hoạch nào nguy hiểm hơn nữa.
Như đã đề cập trong bài viết trước, đứng trước chiêu bài khôn ngoan trên, các NPH nhỏ lẻ tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị "xóa xổ" vì ai cũng biết khả năng đầu tư tiền bạc của NPH Trung Quốc là lớn hơn nhiều. Họ sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn để truyền thông, kinh doanh game cũ theo kiểu chộp giật rồi nhanh chóng đóng cửa để xoay sang game mới, khiến thị trường hỗn loạn và xuống cấp.
Hy vọng chúng ta sẽ sớm có một quy chế chính thức cho khâu kinh doanh và phát hành game tại Việt Nam để thị trường tránh khỏi nguy cơ bị thôn tính dần dần.