Vạch trần chiêu bài của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam (P.1)

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 01/06/2013 12:15 AM

Với việc lợi dụng cổng thanh toán và phát hành game trong nước, một số NPH game Trung Quốc đang ung dung trục lợi từ game thủ nội địa.

Như chúng tôi đã đưa tin liên tục trong thời gian gần đây, hiện tại một số hãng game Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch xâm nhập thị trường Việt Nam. Những cái tên được kể đến như Renren, ChangYou, 37Wan... đều đã thành lập trụ sở và bước đầu mang game của mình vào kinh doanh.
 
Tuy nhiên với tình hình thị trường khá khó khăn và phần nào bị siết chặt thì phần lớn các hãng game Trung Quốc vẫn còn khá dè dặt tại Việt Nam, nhất là khi việc xin cấp giấy phép hoạt động tại thị trường nội địa lúc này là bất khả thi. Và một số chiêu bài khá khôn ngoan bắt đầu được áp dụng mà nếu chỉ là game thủ thông thường, chúng ta dễ dàng bị mắc bẫy lúc nào không hay.
 
Koramgame và Lemon game, 2 đại diện xâm nhập đầu tiên
 
Nhắc đến Koramgame và Lemon game, chắc hẳn nhiều người thường xuyên theo dõi tin tức game Việt sẽ nhớ ra ngay. Trong đó Koramgame được biết đến với các dự án như Mộng Tây Du, Tuyệt Đỉnh Tam Quốc, Phong Vân Tam Quốc 2, Tiên Cảnh... Còn Lemon game là với dự án Wartune. Đây đều là các NPH game tới từ Trung Quốc.
 
Vạch trần chiêu bài của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam (P.1) 1
Mộng Tây Du, tựa game đóng cửa chóng vánh của Koramgame.
 
Với việc tung ra một loạt các webgame trong thời gian ngắn, Koramgame nhanh chóng thu được khoản lợi nhuận lớn. Tuy nhiên khi nghe ngóng được "động tĩnh" bất lợi thì NPH này ngay lập tức đóng cửa sản phẩm mà không hề đoái hoài đến quyền lợi khách hàng. Đó chính là trường hợp của Mộng Tây Du, game này chỉ mở cửa đúng 1 server, mở nạp thẻ và... biến mất không dấu vết.
 
Còn với Lemon game, cách đây không lâu đơn vị này từng phát hành sản phẩm game Wartune (trang chủ wartunevn.com) với lời quảng cáo rằng đây là trò chơi được "chia sẻ bản quyền" (vì trước đó đã phát hành dưới tên Việt hóa là Thần Khúc). Tuy nhiên trên thực tế thì đây hoàn toàn là một sản phẩm chưa được phép phát hành tại Việt Nam.
 
Vạch trần chiêu bài của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam (P.1) 2
Wartune do Lemon game phát hành.
 
Sau khi bị một số sự chú ý từ phía các phương tiện truyền thông thì kế hoạch quảng bá cho Wartune bắt đầu được giảm xuống, tuy vậy tựa game này vẫn vận hành ở mức độ giới hạn. Rõ ràng, với phản ứng tiêu cực từ phía giới truyền thông thì các hãng game Trung Quốc bước đầu cảm thấy "chùn tay" và phải tính đến cách làm khác an toàn hơn.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Koramgame hiện tại đã tìm thấy được đối tác cho họ tại thị trường nước nhà. Cổng phát hành kiêm cả khâu thanh toán này có tên MYW (myw.vn) mới ra mắt trong thời gian gần đây với một loạt tựa game không bản quyền lẫn không giấy phép.
 
MYW và chiêu bài cổng thanh toán trực tuyến không phép
 
Truy cập vào địa chỉ trang chủ của MYW, có thể thấy rõ đơn vị này đang là cổng phát hành của 3 trò chơi là Vùng Đất Thủ Lĩnh Rồng, Tiếu Ngạo Tây DuDemon Slayer. Thế nhưng thông tin cụ thể về công ty thì hoàn toàn mù mờ và không hề có dấu hiệu gì của một cổng game đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực phát hành game.
 
Vạch trần chiêu bài của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam (P.1) 3
Vạch trần chiêu bài của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam (P.1) 4
Thông tin mù mờ trên trang chủ của Myw.
 
Ngoài lời giới thiệu khá chung chung rằng "Myw.vn tập hợp những con người trẻ đầy tâm huyết với niềm đam mê game vô bờ. Chúng tôi xuất thân từ những thế hệ game thủ và trưởng thành qua các vị trí quản lý trong suốt hành trình của sự phát triển ngành game tại Việt nam", thì đơn vị này chỉ có đúng một địa chỉ liên hệ tại Cầu Giấy, Hà Nội và một số điện thoại... di động để liên hệ.
 
Thực tế, nếu không phải là người trong ngành thì khó ai biết được cả Vùng Đất Thủ Lĩnh Rồng Tiếu Ngạo Tây Du đều là 2 game online đang được Myw hợp tác với Koramgame để phát hành. Trong đó Tiếu Ngạo Tây Du thực chất chính là Mộng Tây Du, sản phẩm "chết hẻo" vừa được nhắc đến ở phần đầu bài viết.
 
Vạch trần chiêu bài của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam (P.1) 5
3 trò chơi trên cổng Myw đều có nguồn gốc từ các NPH Trung Quốc.
 
Sau khi kiêm nhiệm khâu phát hành và cả cổng thanh toán cho Mộng Tây Du dưới tên Tiếu Ngạo Tây Du thì Myw đang gặt hái được thành công và lợi nhuận lớn với gần 38 server tại Việt Nam. Số tiền thu được từ thương vụ này dĩ nhiên được ăn chia với NPH Trung Quốc là Koramgame.
 
Chẳng thế mà gần đây, bắt tay với Koramgame, cổng Myw lại tiếp tục phát hành Wartune dưới tên gọi Demon Slayer. Cách đổi tên khéo léo này khiến game thủ không biết đâu mà lần, và chắc chắn sẽ lại mang về lợi nhuận không nhỏ. Đó là chưa kể trường hợp nó hoàn toàn có thể bị đóng cửa bất ngờ trong tương lai gần.
 
Những bằng chứng trên cho thấy rõ ràng một thực trạng là các hãng game Trung Quốc đang chọn con đường hợp tác với cổng game không phép tại Việt Nam để dễ bề thâu tóm. Trao đổi với một đại diện NPH nội địa thì "ngoài Myw ra còn không ít cổng game khác cũng được lập ra với mục đích trên".
 
Vạch trần chiêu bài của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam (P.1) 6
Dragon Slayer thực chất là tên khác của Wartune.
 
Đứng trước chiêu bài khôn ngoan trên, các NPH nhỏ lẻ tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị "xóa xổ" vì ai cũng biết khả năng đầu tư tiền bạc của NPH Trung Quốc là lớn hơn nhiều. Họ sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn để truyền thông, kinh doanh game cũ theo kiểu chộp giật rồi nhanh chóng đóng cửa để xoay sang game mới, khiến thị trường hỗn loạn và xuống cấp.
 
Và không chỉ các NPH nội địa, người bị thiệt nhiều nhất vẫn chính là tầng lớp game thủ thông thường. Họ không hề biết rằng trò chơi mình đang ngày ngày đổ tiền đầu tư thực chất còn chưa có bản quyền, và ngay cả dịch vụ thanh toán mà họ sử dụng cũng chưa có giấy phép hoạt động. Người được lợi, dĩ nhiên chính là các hãng game Trung Quốc và nếu họ tiếp tục thành công với cách làm chộp giật ấy thì tương lai sẽ còn nhiều cái tên nữa xuất hiện.
 
Trong phần tiếp theo của loạt bài viết này, chúng tôi sẽ vạch trần việc các doanh nghiệp game Trung Quốc tiến vào thị trường Việt Nam từ khi nào và bằng cách nào. Mời các bạn đón đọc.