Khảo sát ngẫu nhiên 400 học sinh THCS và THPT tại Hà Nội và TP.HCM, dự án “Hành vi tuổi teen đô thị” đã đưa ra nhiều cảnh báo đáng lo về nhận thức, thái độ và hành vi của teen (tuổi mới lớn - người có độ tuổi từ 13 - 19) tại đô thị.
Mất cân bằng nghiêm trọng
Dự án “Hành vi tuổi teen đô thị” do Công ty nghiên cứu thị trường TITA thực hiện với sự cố vấn của các chuyên gia tâm lý giáo dục.
Theo các chuyên gia xã hội thì có thể tin tưởng vào 400 mẫu được khảo sát là con số này chấp nhận “được”, “vừa phải” và “không thấp”.
Theo kết quả cuộc khảo sát, có sự mất cân bằng nghiêm trọng trong việc sử dụng thời gian khi gần như chỉ có học và giải trí bằng tivi, Internet.
Cụ thể, học (chính khóa, kèm, nhóm, tự học) chiếm tới 10,5 giờ/ngày, kế đến là giải trí (hơn 4 giờ/ngày). Ngày hè, do không học chính khóa nên teen tăng thời gian vui chơi giải trí lên 6 giờ/ngày và ngủ nhiều hơn.
Xem tivi, lướt net và chơi game là ba “món” giải trí hàng đầu của teen, trong đó teen lướt net chủ yếu để chat, gửi - nhận email, vào mạng xã hội, chơi game và nghe nhạc...
Máy vi tính được teen dùng để chơi game nhiều hơn là phục vụ việc học (34% so với 30%). Điện thoại di động ngoài việc nghe - gọi cũng được teen sử dụng chủ yếu để chơi game (43%) chứ không phải phục vụ việc học (2%).
Dù rất cần thiết cho tuổi đang lớn nhưng thể dục thể thao (TDTT) lại bị teen coi nhẹ. Cụ thể, có tới 70% teen trong mẫu khảo sát không có hoạt động TDTT trong một ngày thuộc năm học, riêng nữ là 80%.
Những ngày hè, số teen tham gia các hoạt động TDTT cũng chỉ 43%, riêng nữ chỉ có 29%. Tính chung cả năm thì có 42% không có hoạt động TDTT, riêng nữ là 64%.
Về học tập, theo kết quả năm học 2013-2014, có tới 85% được xếp loại khá và giỏi, một con số cao ngất ngưởng và có tới 92% học sinh có học thêm 2-3 môn, trong đó hầu hết học môn toán (89%) và tiếng Anh (57%).
Đáng chú ý, học sinh dành thời gian học thêm càng nhiều thì càng dễ đạt loại khá, giỏi (98% học sinh giỏi có học thêm). Chính vì thế, gần 20% học sinh tham gia khảo sát có nhận thức không tích cực về thầy cô khi cho rằng “thầy cô cất dành bài để dạy thêm, thầy cô ưu ái trò học thêm” (!?).
Học đứ đừ là thế nhưng nhiều học sinh không biết học để làm gì, vì đến 46% chưa có ước muốn nghề nghiệp, ngay cả đối với học sinh THPT.
“Người lớn cần hỗ trợ teen xây dựng động cơ học tập đúng đắn: học để sở hữu tri thức. Ngoài ra cần hỗ trợ teen khám phá sở thích, tiềm năng và cung cấp thông tin đặc thù về nghề nghiệp để teen đặt mục tiêu tương lai” - ông Phan Quang Thịnh (trưởng dự án khảo sát) nói.
Và những “khoảng trống” mênh mông
Học hành quá nhiều, cha mẹ lại quá bận rộn mưu sinh hoặc theo đuổi các mục tiêu riêng nên thời gian để teen có tương tác (tiếp xúc, trò chuyện) với cha mẹ còn dưới 2 giờ/ngày khi ngồi cùng bàn ăn hoặc xem tivi.
Chủ đề trò chuyện thường liên quan đến học hành, bạn bè, giờ giấc sinh hoạt và chăm sóc bản thân. Và đó cũng là những chủ đề mà teen bị cha mẹ la mắng nhiều nhất, do đó thời gian tương tác với cha mẹ chẳng “dễ chịu” chút nào.
Có tới 30% teen tham gia khảo sát cho rằng cha mẹ chưa hiểu nhu cầu và ước muốn của mình, 40% nghĩ rằng hay bị cha mẹ áp đặt và 50% cảm thấy mắc cỡ khi kể chuyện riêng cho cha mẹ nghe.
Khi bị áp đặt, chỉ 33% làm theo, số còn lại hay đi tâm sự với bạn bè (24%), đặc biệt là nữ (29%) hoặc nghe nhạc để quên. Tuy nhiên cũng rất nhiều teen có biểu hiện phản ứng lại và không làm theo, trừ khi bị ép buộc (24%), thể hiện ra mặt và không trả lời (15%) hoặc thậm chí cãi lại.
Khi gặp vấn đề khó khăn, nhạy cảm thì người mà tuổi mới lớn chia sẻ tâm sự nhiều nhất là mẹ, kế đến là bạn bè, còn người cha ít khi là sự chọn lựa của teen.
Tuổi dậy thì phổ biến là 12 tuổi (nữ), 13 tuổi (nam) và gần một nửa trong số này chưa được hướng dẫn về giới tính.
Teen thường tìm hiểu thông tin về cơ thể, tâm sinh lý chủ yếu qua cha mẹ (66%), Internet (63%) và bạn bè (41%). Khoảng 15% teen nói có người yêu, trong đó gần 40% giấu không cho ba mẹ biết, một số khác (13%) cho rằng ba mẹ không quan tâm việc các em có người yêu hay không.
Điểm đặc biệt lưu ý là teen có quan điểm khá thoáng về quan hệ tình dục khi có tới 14% cho rằng tuổi có thể quan hệ tình dục là 15-18 tuổi và 15% cho rằng có thể làm “chuyện đó” khi có người yêu.
Điều đó cho thấy xu hướng quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày nay dường như được teen dễ dàng chấp nhận hơn.
* Ông PHAN QUANG THỊNH (trưởng dự án khảo sát):
Ở góc độ khác, từ kết quả khảo sát cũng cho thấy teen ít có hoạt động thể hiện sự quan tâm tới người khác, cha mẹ nên phong phú hóa các chủ đề chia sẻ với con, tận dụng giờ ăn để định hướng và giáo dục con cái, thể hiện sự quan tâm của mình dành cho teen để teen biết quan tâm đến người khác.
Cha mẹ cần trang bị kiến thức và phương pháp phù hợp, chủ động hướng dẫn con về các vấn đề nhạy cảm như là dạng thông tin khoa học, thực tế.
Thảo luận và chia sẻ với con về bản chất của tình yêu, hậu quả quan hệ tình dục sớm và hướng dẫn con biết cách quan hệ tình dục an toàn.
* Ông TRẦN ĐẠI LỢI (phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thái Bình, TP.HCM):
Kết quả khảo sát của dự án “Hành vi tuổi teen đô thị” rất đúng với thực tế. Nhiều học sinh bây giờ không thể nói chuyện được với cha mẹ mình vì một số phụ huynh không có kỹ năng làm cha mẹ.
Có em tâm sự với tôi là bố mẹ em hay áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. Có em lại phê bình bố mẹ mình không hiện đại, hay rao giảng những lời sáo rỗng, thiếu thực tế...Tóm lại, tôi thấy có nhiều phụ huynh không gần gũi được với con mình. Đây là điều đáng lo.
Đương nhiên đây không phải là tất cả. Trên thực tế cũng có nhiều phụ huynh làm bạn với con tốt nhưng đây là những người không quá bận rộn, hoặc luôn ưu tiên dành thời gian cho con.
Riêng về việc các em tuổi teen không thích thể dục thể thao thì lỗi ở người lớn.
Ngay từ khi còn ở độ tuổi mầm non, tiểu học, người lớn đã “tập” cho các em chơi game bằng cách quẳng cho con em mình iPad, điện thoại hoặc mở tivi để bản thân mình rảnh rang làm việc khác.
Sáng chủ nhật, chỉ cần vào một số quán xá trên địa bàn TP.HCM mà xem, khung cảnh thường gặp nhất là các bé say mê dán mắt vào màn hình điện thoại, iPad, còn ba mẹ vô tư cười nói với bạn bè mình. Tại sao họ không cho con em mình ra công viên để các bé được chạy nhảy, vận động?
Khi các em lên bậc trung học, nhìn ra xung quanh: cha mẹ mình không chơi thể thao (chưa kể có phụ huynh rất sợ “thả” con mình ra bên ngoài vì sợ con hư hỏng, họ cứ khư khư giữ con trong nhà cho an toàn), nhà trường cũng không khuyến khích học sinh chơi thể thao thì đương nhiên các em coi nhẹ TDTT rồi.
Tôi từng biết có học sinh rất mê game, tuy nhiên khi được thầy cô, bạn bè rủ đi chơi bóng đá, bóng rổ, hát karaoke... thì ngay sau đó một thời gian em ấy quên game ngay. Nói đi nói lại cũng cần kết luận rằng: do người lớn đã không định hướng cho giới trẻ.
Ngay cả việc các em không biết học để làm gì, không có ước muốn nghề nghiệp hay có quan niệm quá thoáng về quan hệ tình dục cũng vậy. Tất cả là do người lớn chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
>> Game Trung Quốc nửa đầu 2014 đạt 170 nghìn tỷ