- Theo Trí Thức Trẻ | 18/02/2015 0:00 AM
Ở thời điểm hiện tại, xu hướng những game thủ Việt từ bỏ những tựa game online được phát hành trong nước để đến với những server game nước ngoài để thưởng thức các sản phẩm ấn tượng đã chẳng còn là điều gì quá mới mẻ.
Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng và sâu rộng của cấu hình máy tính nói chung tại nước ta, đi kèm với đó là chất lượng đường truyền internet và cơ sở hạ tầng của các nhà mạng cũng ngày càng được nâng cao, chẳng khó khăn gì để game thủ có thể tham gia vào một server nước ngoài không ban IP các khu vực khác (ngay cả khi có ban IP, những game thủ chúng ta vẫn tìm ra cách để lách luật như làm giả địa chỉ proxy để đánh lừa máy chủ).
Đồng nghĩa với xu hướng “xuất ngoại”, việc giới thiệu những game online mới ấn tượng nhưng cho phép game thủ Việt tham gia một cách tự do cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng nói chung. Đặc biệt là khi, làng game Việt thời gian qua có quá ít những cái tên đủ ấn tượng để giữ chân người chơi game trong nước.
Điều này cũng dẫn tới một thực trạng, bên cạnh những người nghiêm túc với game, thưởng thức các game online có ý thức, không có những biểu hiện được cộng đồng cho là “trẻ trâu”, thì những người Việt Nam mà chúng ta sẽ tạm gọi là “phá game” (bằng nhiều cách như hack cheat, văng tục chửi bậy hay spam kênh chat) cũng góp mặt tương đối đông đảo.
Thực trạng này dẫn tới việc, không ít người đã buộc phải lên tiếng chia sẻ những bình luận với nội dung như “xin đừng giới thiệu game nước ngoài mới nữa, đừng để trẻ trâu sang phá hoại game chúng tôi yêu mến” xuất hiện… Đương nhiên, họ hoàn toàn có cái lý của họ.
Thế nhưng xét về tổng thể, liệu việc ngăn cấm những người chơi chưa có ý thức tham gia game đến với những server ngoại có phải là lựa chọn hợp lý?
Game ngoại giờ không khó tham gia như xưa
Hãy nhìn vào một sự thật, chỉ với khoảng 8 đến 10 triệu Đồng, người chơi game tại Việt Nam đã có thể tậu cho mình một cỗ máy tính với cấu hình kha khá, phục vụ cho nhu cầu chiến game. Lấy ví dụ, chỉ với 8,5 triệu Đồng, chúng ta hoàn toàn có thể rước về tư gia một case máy tính với RAM 4GB và card đồ họa GTX 650Ti, thừa sức chiến những tựa game yêu cầu sức mạnh phần cứng tương đối.
Chính vì việc cấu hình máy tính ngày càng cao nhưng lại đi với cái giá ngày càng dễ chịu, ai ai cũng có thể chơi được những game online mới mở cửa tại nước ngoài, miễn là họ có một đường truyền internet đủ băng thông.
Từ đó, những khó khăn khi game thủ xuất ngoại cũng phần nào được xóa bỏ. Điều này khiến cho bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào game. Vậy là bên cạnh game thủ có ý thức, cũng chẳng ai có quyền cấm đoán những game thủ với lối chơi game “trẻ trâu” tham gia vào cả. Nhiều hệ lụy cũng từ đó nảy sinh.
Chẳng thiếu dịp những góc tối của cộng đồng game thủ Việt đã khiến chúng ta bị bẽ mặt trong mắt bạn bè thế giới. Những thói xấu còn tồn tại từ khi chưa bước ra khỏi cái ao làng như văng tục, hack cheat, PK bừa bãi hay spam chat đã gây ra bao hậu quả cho người Việt đam mê game nước ngoài.
Cộng đồng nước ngoài cũng đủ thành phần
Khi tình trạng xảy ra đến đà không thể kiểm soát, cách duy nhất và cũng là mạnh tay nhất các NPH game có thể làm, đáng buồn thay, lại chính là “đóng sập” cánh cửa tham gia game với toàn bộ cộng đồng Việt Nam cũng như một số quốc gia như Trung Quốc.
Thực trạng này còn tiếp diễn tới mức nhiều người khi tham gia game nước ngoài còn không dám tự nhận mình là người Việt Nam, đơn giản vì trong mắt bạn bè quốc tế, hình ảnh của chúng ta đã có phần nào xấu xí và méo mó đi rất nhiều.
Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào vấn đề. Chẳng riêng gì Việt Nam mà bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng có những thành phần “phá game”. Vì thế giới game online không khác gì một xã hội thu nhỏ, nơi hành vi của con người được diễn tả không khác gì ngoài đời thật. Nước ngoài, kể cả các quốc gia trong khu vực hay trên thế giới cũng đều không thiếu những đối tượng chơi game theo kiểu ích kỷ, tư lợi cá nhân.
Ví dụ nhãn tiền chính là trường hợp DOTA 2. Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines là quốc gia có tốc độ phát triển về quy mô game thủ thưởng thức DOTA 2 đáng nể. Chính vì vấn đề này, chẳng thiếu những lần chúng ta phải chạm mặt những anh chàng “Pinoy” phá game thay vì phối hợp cùng đồng đội, thế nhưng đến cuối trận đấu, họ lại quay sang đổ lỗi cho những game thủ khác vì trận thua không mong muốn.
Ngăn cấm là một hình thức hủy hoại cộng đồng
Nhiều người cho rằng, để giữ gìn bản sắc và ý thức tham gia game, những tựa game online nên có cấu hình cao hoặc thu phí để ngăn chặn “trẻ trâu” tham gia hàng loạt (Thật tình tôi không rõ logic của họ nằm ở điểm nào, vì giờ đây, ai cũng có thể cài đặt Steam trên máy tính với sức mạnh đủ để chơi những game online miễn phí ấn tượng được phát hành thông qua công cụ này như GunZ 2 chẳng hạn).
Khi không được tiếp xúc với những cộng đồng có ý thức cao hơn, một bộ phận game thủ Việt sẽ mãi quẩn quanh bên “cái ao làng” với những góc tối chưa có cách giải quyết tận gốc. Chúng ta cần có những sai lầm như trong quá khứ để làm những bài học kinh nghiệm xương máu, ép buộc người chơi game phải có những bước tiến bộ trong cách chơi game, đặc biệt là khi nhiều bom tấn game online sắp đổ bộ tại thị trường nước nhà.
>> Thích thể hiện - Căn bệnh trầm kha của game thủ Việt