Tranh chấp bản quyền phần mềm Gcafe đã ra tòa án

PV  | 12/11/2015 11:15 AM

Trong những ngày qua, việc tranh chấp bản quyền phần mềm phòng máy icafe Mavin và Gcafe giữa Công ty Hangzhou Shunwang Technology, tên tiếng Việt là Công ty TNHH KHKT Thuận Võng Hàng Châu (Công ty Thuận Võng Hàng Châu) và Công ty cổ phần Tin học Hòa Bình đã diễn ra khá nóng.

Vụ việc đang được TAND TP Hà Nội thụ lý mà phía nguyên đơn là Công ty Thuận Võng Hàng Châu kiện Công ty Hòa Bình về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tháng 8/2015, Công ty Thuận Võng Hàng Châu phát hiện phần mềm icafe Mavin của mình bị Công ty Tin học Hòa Bình phân phối tại Việt Nam trong bộ sản phẩm được gọi là Gcafe. Cho rằng bản quyền phần mềm của mình đã bị đánh cắp, công ty này đã khởi kiện Công ty Hòa Bình ra tòa án.

Bản quyền phần mềm Gcafe đang nhận được sự quan tâm của dư luận, hơn 26.000 chủ phòng máy và hàng triệu người chơi game Việt Nam. Liên hệ với lãnh đạo của Công ty Hòa Bình để tìm hiểu xung quanh vấn đề này, chúng tôi nhận được câu trả lời qua điện thoại: “Phía công ty đã có thông cáo báo chí gửi cho các cơ quan thông tấn cách đây hơn 1 tháng. Hiện tại công ty chưa có bất cứ thông tin gì mới nên chưa trả lời báo được, nếu có thông tin mới chúng tôi sẽ gửi thông cáo báo chí”. Vị đại diện công ty cũng khẳng định là phía Công ty Thuận Võng Hàng Châu đã khởi kiện Công ty Hòa Bình ra TAND TP Hà Nội.


Các điểm truy cập Internet công cộng bị ảnh hưởng bởi tranh chấp phần mềm cài đặt phòng máy.

Các điểm truy cập Internet công cộng bị ảnh hưởng bởi tranh chấp phần mềm cài đặt phòng máy.

Để tìm hiểu vụ việc, ngày 11/11, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Huyền Cường, Thẩm phán Tòa Kinh tế, TAND TP Hà Nội và được ông cho biết: “TAND TP Hà Nội thụ lý vụ án vào ngày 10/10. Phía nguyên đơn (Công ty Thuận Võng Hàng Châu) yêu cầu đương sự chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và xin lỗi cải chính công khai. Khi thụ lý vụ án, tòa đã thông báo gửi các đương sự và tiếp lần đầu tiên vào ngày 6/11”.

Theo ông Cường thì tại buổi tiếp, phía nguyên đơn trình bày, qua theo dõi một số phòng máy Internet công cộng cả miền Nam và Bắc, kiểm tra một số nơi hiện lên việc Công ty Hòa Bình sử dụng phần mềm thể hiện mã nguồn và giao diện tương tự phần mềm của Công ty Thuận Võng Hàng Châu là icafe Mavin. Công ty này cho rằng phía Công ty Hòa Bình có hành vi sao chép phần mềm cài đặt máy tính của Công ty Thuận Võng Hàng Châu. Tại phần mềm các phòng máy của bị đơn có chữ ký số của công ty bên nguyên đơn.

Theo ông Cường thì đây là án rất mới về tranh chấp phần mềm. Phía Công ty Thuận Võng Hàng Châu đã cung cấp các tài liệu như: phần mềm này họ đã đăng ký tại Ban Kinh tế và Thông tin hóa tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào năm 2013 và đăng ký tại Cục Bản quyền quốc gia nước CHND Trung Hoa vào năm 2011. Công ty này cũng nộp đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (đăng ký nhãn hiệu icafe) và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào ngày 28/3/2012.

Ngày 6/9/2010, nguyên đơn đã đăng ký sáng chế liên quan đến phương pháp khôi phục hệ thống tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhưng việc này đang nghiên cứu, chưa được cấp chứng nhận. “Theo Luật Sở hữu trí tuệ, tuy chưa được cấp chứng nhận nhưng anh dùng của tôi là vi phạm”- ông Cường cho biết. Việc nguyên đơn phát hiện bị đơn vi phạm vào tháng 8/2015.

Tại buổi gặp, Công ty Hòa Bình cho rằng, họ sử dụng Gcafe không liên quan đến nguyên đơn và xin chụp lại các vi bằng mà nguyên đơn gửi lên tòa để nghiên cứu và trả lời.

Theo ông Cường thì phía Công ty Hòa Bình nói nhãn hiệu Gcafe của công ty đã được đăng ký bản quyền và được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH,TT&DL) chứng nhận ngày 3/6/2011. Sau đó, lôgô Gcafe đã được Cục Bản quyền tác giả cấp chứng nhận vào ngày 20/8/2015. Buổi gặp chỉ dừng lại đó, phía Công ty Hòa Bình chưa cung cấp được bằng chứng và đề nghị về nghiên cứu tiếp.

Theo quy định, trong thời hạn 15 ngày khi nhận được thông báo, người được thông báo phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo.

“Ngày 10/11, Công ty Hòa Bình đã có đơn đề nghị TAND TP Hà Nội xin gia hạn thời điểm nộp ý kiến chính thức về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để kiểm tra lại. Gia hạn này cũng chỉ có 15 ngày” – ông Cường cho biết. Phía tòa án đã yêu cầu Công ty Hòa Bình cung cấp tất cả các chứng cứ để chứng minh công ty được cấp bản quyền phần mềm.

(Theo Công An Nhân Dân)