CHUYÊN TRANG VỀ CALL OF DUTY TRÊN GAMEK.VN
TỰA GAME ĐÃ VÀ ĐANG GÂY SỐT TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
- Theo Trí Thức Trẻ | 28/11/2015 09:05 PM
Ở thời điểm bài viết ra mắt, Overwatch, tựa game bắn súng MOBA bom tấn đến từ Blizzard đã chính thức đi vào giai đoạn thử nghiệm closed beta, và game thủ Việt sẽ phải chờ đợi đến khi được invite vào thử nghiệm game. Mới đây, chúng tôi đã may mắn có được cơ hội được tận tay thưởng thức siêu phẩm sắp ra mắt này thông qua server Bắc Mỹ. Các bạn có thể theo dõi clip gameplay cực hấp dẫn ở đầu bài viết.
Giống như tiêu đề, đối với những game thủ đang chờ đợi siêu phẩm này ra mắt, có thể coi Overwatch như một tựa game kết hợp những yếu tố đáng chú ý nhất của hai siêu phẩm: Phần chơi mạng với nhịp độ nhanh, cuốn hút và dễ tiếp cận của Call of Duty, nhưng cùng lúc lại đem lại những kỹ năng hiếm thấy trong nhiều game bắn súng hiện đại. Thậm chí có thể so sánh, hệ thống các lớp nhân vật cũng như kỹ năng của Overwatch còn có thể so sánh được với Liên Minh Huyền Thoại cả về nhịp độ lẫn phong cách.
Cơ chế điều khiển và chiến đấu trong Overwatch được xây dựng giống như một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất. Cơ chế điều khiển quen thuộc của dòng game bắn súng góc nhìn thứ nhất giúp người chơi nhanh chóng làm quen, tuy nhiên, không chỉ dừng lại với lối chơi bắn súng thông thường, Overwatch còn đưa vào thêm nhiều nội dung đặc biệt để tạo thêm hứng thú cho game thủ.
Một trong những nội dung mới trong cơ chế gameplay của Overwatch chính là việc tốc độ trận đấu được đẩy lên rất cao. Điều này đến từ tốc độ di chuyển, khả năng nhảy cao và phong cách bắn súng trong Overwatch diễn ra rất nhanh. Trong game, các động tác phụ gần như là không có, người chơi có thể thực hiện các thao tác rút súng, xả đạn gần như ngay lập tức hay thậm chí, đối với các loại súng ngắm, nhịp thay đạn giữa mỗi lượt bắn cũng được giảm thiểu đáng kể, giúp người chơi có thể nhắm bắn liên tục.
Mặc dù trong game, độ giật của các loại súng gần như là không có, nhưng việc ngắm bắn chuẩn xác từ xa trong Overwatch gần như là rất khó, do nhân vật có tốc độ rất nhanh, bên cạnh họ liên tục bay lượn, nhảy cao. Thiết kế nhân vật trong game cũng được chăm chút khi mỗi nhân vật đều sở hữu những skill riêng biệt, cũng như điểm mạnh và điểm yếu riêng. Lấy ví dụ, có nhân vật trong Overwatch thiên sử dụng súng ngắm, và nhân vật này có khả năng rất lợi hại, đó là... nhìn xuyên tường.
Tuy nhiên, skill này mặc dù bá đạo nhưng Reaper - Một sát thủ trong Overwatch lại sở hữu khả năng đặc biệt là có thể... blink xuyên qua tường. Điều này giúp cho nhân vật Reaper này có thể dễ dàng áp sát mục tiêu để xả đạn, hay chỉ đơn giản là vòng ra sau mục tiêu mà đối thủ không hề hay biết. Hoặc đối với những game thủ chưa quen với meta của game, họ có thể chọn những nhân vật đơn giản hơn nhưng vẫn cực kỳ bá đạo. Ví dụ như trong đoạn clip đầu bài viết, tôi bắt đầu với một trong những nhân vật dễ chơi nhất của Overwatch, đó là chàng lính với số hiệu 76.
Chỉ cần chạy và bắn nhưng với sự hiện diện của những lớp nhân vật khác như tanker có tấm chắn năng lượng rất tiện lợi (Reinhardt), support hồi máu và buff damage (Mercy), hay thậm chí là cả anh robot vui tính Bastion với khả năng tự biến mình thành một trụ súng 6 nòng và lắp ráp những bẫy trên khắp bản đồ, và thậm chí có Ultimate khá bá đạo: Tự biến thành xe tank, lối chơi của Overwatch trở nên khác lạ hoàn toàn so với nhiều game bắn súng khác trên thị trường hiện nay.
Tuy nhiên game cũng không cho phép game thủ quá sa đà vào những trận đấu nghẹt thở hay những pha combat đầy cuốn hút, vì nếu làm như thế, bạn sẽ bỏ qua nhiệm vụ chính của mỗi màn chơi, đó là tấn công một cứ điểm trên bản đồ, hoặc hộ tống một con tàu trong vòng khoảng 15 phút. Mỗi trận đấu trong Overwatch có thời lượng khá ngắn và nhanh chóng, chỉ từ 7 đến 15 phút tùy vào khả năng của bạn và đồng đội. Chính nhờ thời lượng ngắn như thế này cùng với những pha combat đậm tính đồng đội sẽ cho phép game thủ có những phút giây thư giãn tuyệt nhất thay vì ngồi lỳ trước máy tính từ 30 phút đến 1 tiếng giống những trận CS:GO, DOTA 2 hay Liên Minh Huyền Thoại đầy mệt mỏi và… try hard.
Ở phiên bản beta hiện tại, game vẫn chưa cân bằng cho lắm. Điều này nghĩa là trừ phi team Attack có rất nhiều game thủ cao tay, biết sử dụng nhiều nhân vật khó điều khiển như Hanzo hay Junkrat để phá đối phương, và team Defense cực kỳ “gà” và ham combat, còn lại những trận đấu của Overwatch đều rất dễ dàng cho những team ở vị trí phòng thủ. Hy vọng rằng Blizzard sẽ có những sửa đổi trong tương lai gần để biến Overwatch trở thành một tựa game đúng như kỳ vọng của người hâm mộ.
Nhưng đổi lại, nếu lối chơi của Overwatch vẫn hơi… imba, thì lời khen ngợi rõ ràng phải dành cho hình ảnh, cách điều khiển cũng như đường truyền của game. Hoàn toàn không có giật lag, hay những pha “khựng chuột” do raw input lỗi, một vấn đề nhiều tựa game eSports giờ đây phải cẩn trọng. Trong game không có những thời điểm bug hay kẹt khiến game thủ phát cáu, và đó là điểm cộng dành riêng cho Overwatch.
Vậy rốt cuộc Overwatch có thay thế được DOTA 2, Liên Minh Huyền Thoại hoặc CS:GO hay không? Câu trả lời là có và không. Với thời lượng ngắn, sau một ngày làm việc mệt mỏi bạn có thể về nhà và chiến game một cách thoải mái, thưởng thức vài trận đấu với nhịp độ cao, vui nhộn và cuốn hút thay vì phải try hard cả tiếng đồng hồ với đồng đội. Nhưng xét về chiều sâu, thì Overwatch cho dù có tới 21 nhân vật khác nhau, rất nhiều so sánh với những game bắn súng phong cách MOBA khác như Team Fortress 2 hay Super Monday Night Combat, nhưng gameplay vẫn có một thứ gì đó thiếu đi cái chất, mà bằng chứng rõ ràng nhất đến từ sự nghèo nàn của chế độ chơi trong game.